|
Ảnh minh họa |
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, tính từ đầu năm đến 24/9, toàn TP đã ghi nhận 12.776 trường hợp mắc SXH tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 547/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 94,5% số xã, phường, thị trấn); có 3 trường hợp tử vong liên quan tại Hà Đông, Hoàn Kiếm và Quốc Oai.
Bệnh nhân có xu hướng tăng từ tuần 28 và gia tăng nhanh trong 3 tuần gần đây, trung bình mỗi tuần ghi nhận 2.000 trường hợp; số mắc tăng so với cùng kỳ 2022 (3.698 mắc, 5 tử vong)… Dự báo, tình hình bệnh SXH sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới.
Tính đến nay, toàn TP ghi nhận 870 ổ dịch, trong đó 613/870 ổ dịch (chiếm 70%) đã được khống chế, còn 257 ổ dịch đang hoạt động. Hiện, tổng số bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện là 2.286, trong đó có 9 bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch SXH, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã phối hợp cùng với Trung tâm Y tế (TTYT) các quận, huyện, thị xã tổ chức giám sát ca bệnh, giám sát ổ dịch và giám sát tình hình muỗi truyền bệnh để đánh giá nguy cơ và cảnh báo dịch.
Trong 9 tháng đầu năm, đã thực hiện giám sát chủ động tại 69 bệnh viện trong và ngoài công lập (hơn 5.200 lượt giám sát, trung bình 2 lượt/tuần/cơ sở). Kết quả, đã phát hiện 10.805 ca bệnh SXH.
Nhận định về tình hình dịch SXH hiện nay, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, biện pháp phòng, chống tập trung vào 2 nội dung chính, đó là diệt bọ gậy và xử lý ổ dịch triệt để.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, công tác xử lý ổ dịch SXH của các đơn vị còn chậm, chưa quyết liệt, triệt để và hiệu quả không cao. Cụ thể là việc khoanh vùng phun hóa chất còn hẹp, tỷ lệ phun thấp; bỏ sót ổ bọ gậy, dẫn tới chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ. Vùng nguy cơ cao có dịch SXH là vùng có chỉ số bọ gậy - BI từ 20 trở lên.
Đề cập đến công tác phòng, chống dịch, Giám đốc CDC Hà Nội Bùi Văn Hào cho rằng, các địa phương phải tiến hành phòng, chống SXH một cách bài bản, hiệu quả, đi từng ngõ, gõ từng nhà.
Trước khi triển khai chiến dịch cần tuyên truyền, thông báo để người dân cùng vào cuộc. Đội xung kích có nhiệm vụ hướng dẫn người dân. Sau mỗi chiến dịch vệ sinh môi trường phải có đội giám sát xem hiệu quả đến đâu. Riêng với việc phun hóa chất phải bảo đảm an toàn cho người dân là số 1.
“Trước khi phun, thông báo cho người dân che đậy các vật dụng và ra khỏi nhà trong 15 phút. Với những người không chấp hành việc phun hóa chất, cần phải xử phạt nghiêm”, ông Bùi Văn Hào nhấn mạnh./.