Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trên địa bàn thành phố xuất hiện ổ dịch tay chân miệng tại trường Mầm non.
Riêng số ca mắc tay chân miệng trong tuần đầu tiên của tháng 10/2023 tăng gấp đôi so với cuối tháng 9 và tăng hơn 3,5 lần so với cuối tháng 8. Các quận, huyện ghi nhận nhiều ca mắc như Sóc Sơn, Cầu Giấy, Hoài Đức, Hà Đông….
Hiện nay đang giai đoạn thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường kết hợp với việc học sinh quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ hè khiến số ca tay chân miệng gia tăng. Đặc biệt trên địa bàn ghi nhận ổ dịch tại các trường mầm non, mẫu giáo. Dự báo, trong các tuần tới, số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng.
|
Đối tượng dễ mắc tay chân miệng là trẻ em dưới 5 tuổi vì hệ miễn dịch của bé chưa được hoàn thiện (Ảnh: IT) |
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội khuyến cáo, để phòng, chống bệnh tay chân miệng đối với khối trường Mầm non, Tiểu học cần tăng cường vệ sinh lớp học, đồ chơi, khăn mặt của học sinh... Đồng thời, hướng dẫn giáo viên biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng như: Rửa tay cho trẻ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; thường xuyên lau rửa toàn bộ sàn nhà bằng chất tẩy rửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ, bàn, ghế bằng dung dịch sát khuẩn. Ngoài ra, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như ly, chén, đĩa, muỗng, đồ chơi chưa được khử trùng. Các bậc phụ huynh không được chủ quan khi con mình mắc tay chân miệng, cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh.
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm được lây từ người sang người dẫn đến dịch tay chân miệng do virus đường ruột gây ra. Biểu hiện đặc trưng của bệnh đó là khiến vùng da bị tổn thương, vùng niêm mạc tồn tại dưới dạng phỏng nước tập trung chủ yếu tại miệng, lòng bàn tay, bàn chân.
Đường lây nhiễm chính của tay chân miệng qua hệ tiêu hóa từ tuyến nước bọt hay phân của trẻ nhiễm bệnh. Vì vậy, những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao và phát triển thành ổ dịch như là mẫu giáo, nhà trẻ,.../.