Thiếu minh bạch trong việc thực hiện nghiên cứu
Cách đây 2 tháng, bài nghiên cứu về đề tài “Mối liên hệ giữa hút thuốc lá điếu và sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT) với bệnh gan mạn tính” đã bị ban biên tập tạp chí Nghiên cứu trong lĩnh vực Tiêu hóa (Gastroenterology Research) gỡ bỏ sau 1 năm xuất bản. Đáng chú ý, đây là nghiên cứu của 13 tác giả cùng thực hiện, nằm trong chương trình Khảo sát Kiểm tra Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia Hoa Kỳ.
Quyết định xóa bỏ nghiên cứu này được Tạp chí giải thích: “Có một số quan ngại về phương pháp luận của nghiên cứu, quá trình xử lý dữ liệu nguồn, bao gồm phân tích thống kê và độ tin cậy của các kết luận nghiên cứu”.
Lý giải thêm về điều này Tổng biên tập Robert Wong, giáo sư lâm sàng tại Khoa Y thuộc Đại học Stanford, Hoa Kỳ cho biết: Một năm trước, bài đăng này đã vấp phải nhiều phản hồi không tích cực. Tuy vậy, dù đã được cho thời hạn 1 năm, đến ngày 21/6/2023, 13 tác giả vẫn không thể đưa ra được luận cứ nào đủ khả năng phản biện.
Đây cũng không phải là trường hợp đầu tiên của một nghiên cứu thiếu chuẩn xác về tác hại của thuốc lá mới. Điển hình, năm 2020, một nghiên cứu kết luận "TLĐT làm tăng khả năng đau tim" đã bị Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (JAHA - Journal of the American Heart Association) rút lại sau khi xuất bản 1 năm. Nghiên cứu này do GS. Stanton Glantz, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kiểm soát Thuốc lá của Đại học UCSF và các cộng sự đúc kết, thu hút nhiều sự quan tâm của giới truyền thông lẫn công chúng Hoa Kỳ trong giai đoạn 2019-2020.
|
2 nghiên cứu thiếu chuẩn xác về tác hại của thuốc lá mới đối với bệnh gan và bệnh tim đã bị hủy đăng trên Tạp chí Nghiên cứu trong lĩnh vực Tiêu hóa và Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ. (Nguồn: JAHA). |
Lý do bị gỡ bỏ, theo Ban Biên tập JAHA, là vì “kết luận của nghiên cứu không đáng tin cậy”, bởi các ca nhồi máu cơ tim được đưa vào quá trình nghiên cứu đều đã mắc bệnh trước khi TLĐT phổ biến trên thị trường. Động thái đó của JAHA đã làm dư luận dậy sóng vì hiếm khi các công trình nghiên cứu được đăng trên tạp chí uy tín này bị thu hồi, với tỷ lệ xảy ra không quá 2,5%. Từ thời điểm ấy đến nay, vẫn không có bằng chứng khoa học nào khẳng định TLĐT gây hại lên tim nhiều hơn thuốc lá điếu.
Đó là hai trong nhiều ví dụ tiêu biểu cho việc hủy bỏ các nghiên cứu sai lệch về tác hại của thuốc lá mới. Đáng tiếc là, dù đã bị hủy, các chuyên gia đang lo ngại các kết quả nghiên cứu sai sót đó vẫn có thể xuất hiện lại trong các nghiên cứu khác hoặc trên các phương tiện truyền thông.
Gây trì hoãn cuộc chiến chống tác hại khói thuốc
Ngoài TLĐT, việc sai phạm trong nghiên cứu còn xảy ra đối với thuốc lá ngậm snus đến từ Thụy Điển.
Năm 1985, snus bị cho là ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe, theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC). Tuy nhiên, đến năm 1992 các nghiên cứu sau đó đã phản bác mối liên hệ giữa snus với việc tăng số ca ung thư. Dù vậy, chính vì bắt nguồn từ những nghiên cứu sai lệch ban đầu, cho đến nay chính phủ các nước vẫn còn tỏ ra khá thận trọng với snus, bất chấp thông tin khoa học đã được cải chính.
Trong khi đó, vào năm 2019, số liệu ghi nhận được chỉ có 72/100.000 nam giới tử vong do thuốc lá ở Thụy Điển, con số thấp nhất Liên minh châu Âu (EU). Theo một nghiên cứu, đây là thành tựu của việc chuyển đổi của người hút thuốc từ thuốc lá điếu truyền thống sang dùng các sản phẩm thuốc lá mới.
|
Nhờ sự phổ biến của thuốc lá ngậm snus, Thụy Điển chỉ có 72 ca tử vong vì thuốc lá trên 100.000 nam giới (số liệu 2019). Nguồn: hpb.gov.sg. |
Theo ước tính của Ủy ban Snus Thụy Điển, mỗi năm các nước châu Âu có thể cứu sống 355.000 nam giới trên 30 tuổi nếu áp dụng phương pháp tiếp cận giảm tác hại tương tự như Thụy Điển.
Thành công của quốc gia này cho thấy, trong chiến dịch đẩy lùi tỷ lệ hút thuốc lá và các bệnh gây ra bởi khói thuốc, việc tận dụng các sản phẩm không khói thuốc có thể đem đến hiệu quả nhanh hơn so với việc áp dụng đơn lẻ các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa thuốc lá như hiện tại.
Dù đã xuất hiện từ hai thập kỷ trước, nhưng các loại thuốc lá mới như thuốc lá ngậm, thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử… vẫn ghi nhận nhiều ý kiến đa chiều từ các nước. Các chính phủ liên tục ghi nhận hàng loạt nghiên cứu tham khảo từ hai phía ủng hộ và phản đối đưa ra. Các chuyên gia nhìn nhận, trong các nghiên cứu đó, càng nhiều kết quả không chuẩn xác được công bố thì vai trò của các sản phẩm thay thế giảm tác hại sẽ càng không được nhìn nhận khách quan, thậm chí dẫn đến việc bị cấm một cách cực đoan…/.