Lọc máu liên tục cứu sống bé 10 tháng tuổi bị tay chân miệng nặng

Thứ sáu, 08/12/2023 16:33
(ĐCSVN) - Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang đã cứu sống một bé trai 10 tháng tuổi ở huyện Chợ Gạo bị bệnh tay chân miệng nguy kịch độ 4.
 Các bác sĩ đang khám, điều trị cho bệnh nhi. (Ảnh: Hoài Thương)

Bệnh nhi bị bệnh 04 ngày. Ban đầu, bé có triệu chứng sốt nhẹ nên được mẹ mua thuốc uống. Sau hai ngày bé ói 05 lần trong ngày, kèm theo giật mình, chới với, quấy khóc liên tục, đòi ẵm không để xuống được, bỏ ăn, bỏ bú. Bé được gia đình đưa vào bệnh viện huyện sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang.

Tại khoa Hồi sức chống độc Nhi, bác sĩ tiếp nhận bé trong tình trạng rất nặng: Bé lơ mơ, ngủ lịm, môi hồng nhạt, tay chân mát, huyết áp tụt, sờ mạch cổ tay không thấy nhảy. Bác sĩ chẩn đoán bé bị bệnh tay chân miệng độ 4. Bác sĩ lập tức đặt ống nội khí quản để gắn máy giúp cho bé thở, nhưng khi đưa ống thở vào trong cổ của bé thì bọt màu hồng trào ra ngoài, chứng tỏ bé đang bị phù phổi cấp.

Ngay lúc đó bé vừa được bác sĩ cấp cứu khẩn cấp vừa cho thở máy, vừa cho thuốc trợ tim, vận mạch, an thần, kể cả thuốc miễn dịch.

Sau 03 giờ cấp cứu, tình trạng ngày càng nặng, nên bé được hội chẩn Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, liên chuyên khoa: Nhi, Hồi sức chống độc Nhi và liên bệnh viện: Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Bé trai 10 tháng tuổi ở huyện Chợ Gạo bị bệnh tay chân miệng nguy kịch độ 4 đã được
các Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang cứu sống. (Ảnh: BS Nguyễn Thành Úc)

Bé được đánh giá bệnh tay chân miệng nguy kịch độ 4, tiên lượng tử vong, không thể chuyển lên tuyến trên được. Vì vậy, bé được điều trị tại chỗ bằng phương pháp lọc máu liên tục. Ngay thời điểm đó, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cử Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện, chuyên gia về hồi sức cấp cứu nhi về trực tiếp hỗ trợ chuyên môn cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, tập trung điều trị cứu sống bé.

Sau 72 giờ lọc máu liên tục, tình trạng bé được cải thiện tốt. Hiện giờ sau 09 ngày điều trị, bé đã tỉnh táo hoàn toàn, mở mắt và cử động tốt tay chân giao tiếp với mọi người và sẽ xuất viện trong một thời gian ngắn sắp tới.

Về chuyên môn khi bệnh tay chân miệng nặng, trong cơ thể người bệnh có sự giải phóng ồ ạt của các yếu tố viêm, trong chuyên môn gọi là cơn bão cytokine, gây ra một tình trạng rối loạn điện giải và toan chuyển hóa rất nặng, làm tổn thương nhiều cơ quan phủ tạng như tim, não, phổi, thận của người bệnh. Nếu không phát hiện sớm và xử trí kịp thời có thể tử vong lên đến hơn 70%. Kỹ thuật lọc máu liên tục nhằm loại bỏ các yếu tố độc hại gây viêm, điều chỉnh tình trạng điện giải và toan kiềm, giúp cứu sống tính mạng người bệnh.

Đây là kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực Hồi sức cấp cứu nhi đã được khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi Đồng 1 chuyển giao cho các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang đã chuẩn bị tốt về con người và phương tiện nhằm nâng cao chất lượng điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh.

Vừa qua, đã có ba trường hợp lọc máu liên tục để điều trị bệnh nặng ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, trong đó có hai trường hợp thành công, một trường hợp thất bại./.

M.K

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực