|
Khám mắt tại Bệnh viện Mắt tỉnh Nam Định. (Ảnh: Trình Vũ) |
Tại tỉnh Nam Định, theo báo cáo nhanh của Bệnh viện Mắt, trong 1 tháng qua, Bệnh viện đã ghi nhận 930 trường hợp đau mắt đỏ. Trước tình hình dịch bệnh đau mắt đỏ có chiều hướng gia tăng, để thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không để bệnh gia tăng, lan rộng, đặc biệt là tại các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, các công ty, xí nghiệp, các cơ sở y tế, ngày 18/9/2023, Sở Y tế tỉnh đã ban hành công văn số 1700/SYT-NVY về “tăng cường phòng chống, điều trị bệnh đau mắt đỏ”, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, Sở Y tế đã giao:
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức, phương tiện để người dân tiếp cận được thông tin, hiểu biết các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ và chủ động vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân để bảo vệ sức khỏe gia đình, cộng đồng, đặc biệt là các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh, nơi tập trung đông người; Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật triển khai các hoạt động giám sát, điều tra, phát hiện sớm ca bệnh, xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn; Chuẩn bị sẵn sàng hoá chất, sinh phẩm, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch; Phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và đào tạo, các đơn vị liên quan chỉ đạo y tế trường học, y tế doanh nghiệp triển khai các biện pháp phòng chống dịch đau mắt đỏ, kịp thời phát hiện sớm các ca bệnh, xử trí kịp thời các ổ dịch nhất là tại các cơ sở giáo dục, cơ sở sản xuất kinh doanh; Thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình bệnh đau mắc đỏ, trong trường hợp cần thiết, khẩn trương tham mưu Sở Y tế triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh đau mắt đỏ hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
|
(Ảnh: HCDC) |
Trung tâm y tế huyện, thành phố: Phối hợp với Phòng Y tế tham mưu UBND huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo, triển khai mạnh mẽ các hoạt động truyền thông, giám sát, phòng chống bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn; Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh đau mắt đỏ tại địa phương, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch bệnh đau mắt đỏ tại trường học, cơ sở y tế, các hộ gia đình, các doanh nghiệp, nơi tập trung đông người và cộng đồng; không để dịch lan rộng, kéo dài; Chỉ đạo các Trạm Y tế phối hợp chặt chẽ y tế trường học, y tế doanh nghiệp trong việc phát hiện, điều tra, xử lý ổ dịch; Hướng dẫn triển khai biện pháp phòng chống dịch, vệ sinh môi trường lớp học, cơ quan, công ty và cộng đồng; thực hiện điều trị, chuyển tuyến các trường hợp đau mắt đỏ theo quy định của Bộ Y tế; Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, hóa chất, vật tư để phục vụ công tác phòng chống dịch.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Tổ chức tốt việc khám, phát hiện, tư vấn, điều trị hoặc chuyển tuyến đối với các ca bệnh nặng, hạn chế tối đa biến chứng nặng liên quan đến bệnh đau mắt đỏ. Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tránh lây nhiễm chéo; chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, điều trị bệnh đau mắt đỏ; Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và thực hiện biện pháp phòng tránh bệnh đau mắt đỏ; Bệnh viện Mắt tỉnh chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn, tổ chức tập huấn chẩn đoán, điều trị bệnh đau mắt đỏ cho các bệnh viện, Trung tâm Y tế, cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập trên địa bàn.
Phòng Y tế huyện, thành phố: Phối hợp với Trung tâm Y tế và các ban, ngành liên quan tham mưu UBND huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, các địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh đau mắt đỏ nhất là tại các nhà trẻ, trường học, cơ quan, các doanh nghiệp và cộng đồng; Triển khai, quán triệt nội dung về tăng cường phòng chống, điều trị bệnh đau mắt đỏ đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn quản lý và chỉ đạo các cơ sở nghiêm túc triển khai thực hiện; Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm./.