Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

Thứ ba, 17/10/2023 09:27
(ĐCSVN) - Chuyển đổi số ngành y tế được triển khai mạnh mẽ; khám chữa bệnh trực tuyến, từ xa (teleheath), kết nối gần 30 bệnh viện tuyến trên với 1.500 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, kể cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Khắc phục tình trạng chất lượng khám bệnh, chữa bệnh chưa đồng đều giữa các tuyến, vùng, miền

Chính phủ đã gửi báo cáo đến Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17/11/2020 về việc tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Tại báo cáo, đối với lĩnh vực y tế, Chính phủ cho biết đã trình Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 ngày 09/01/2023 theo đó định hướng gắn chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh với giá dịch vụ y tế, qua đó góp phần đẩy nhanh hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh các tuyến. Triển khai các giải pháp từ khâu tuyển chọn, tuyển dụng, quản lý, đào tạo, phát triển và duy trì nguồn nhân lực y tế chất lượng cao ở tất cả các tuyến, góp phần quan trọng tạo ra bước đột phá nhằm thực hiện tốt chiến lược cán bộ y tế thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực y tế. Khuyến khích và tạo hành lang pháp lý để phát triển khám, chữa bệnh từ xa.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (Nguồn: KT) 

Báo cáo cũng nêu rõ, quyết liệt chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh triển khai đồng bộ các hoạt động trong việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thông tư, Quyết định, Đề án  đã được phê duyệt về: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thủ tục khám chữa bệnh, đặc biệt là khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong khám bệnh, chữa bệnh; áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám chữa bệnh; thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho y tế cơ sở; cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn; tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường... 

Triển khai nhiều dự án, đề án khuyến khích đào tạo nhân lực y tế như giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế; đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (đã đào tạo 354 bác sĩ trẻ có trình độ chuyên khoa cấp 1 và bàn giao về cho 85 huyện nghèo, khó khăn thuộc 22 tỉnh ); đào tạo nhân lực y tế cho các huyện nghèo và cận nghèo vùng khó khăn theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030... 

Tiếp tục mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh; liên thông kết quả xét nghiệm, chẩn đoán; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, đổi mới căn bản phương thức đánh giá chất lượng bệnh viện theo bộ tiêu chí phù hợp với xu hướng quốc tế và chỉ số hài lòng của người bệnh. Triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số ngành Y tế; khám chữa bệnh trực tuyến, từ xa (teleheath), kết nối gần 30 bệnh viện tuyến trên với 1.500 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, kể cả vùng  sâu, vùng xa, hải đảo.   

Ưu tiên bố trí ngân sách cho y tế cơ sở, y tế dự phòng 

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (Nguồn: Lê Hảo) 

Báo cáo nêu rõ, ngày 30/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, Chương trình phân bổ gần 14.000 tỷ đồng cho ngành Y tế để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của các Viện nghiên cứu.

Đối với năm 2021 và năm 2022 khi kết thúc giai đoạn thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số; căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện lồng ghép Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số vào nội dung chi của các Chương trình mục tiêu quốc gia và hoạt động thường xuyên của các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương.

Ngân sách trung ương tiếp tục bố trí dự toán để các bộ và các địa phương thực hiện các chế độ, chính sách, hoạt động chuyển thành nhiệm vụ thường xuyên gồm: mua vắc xin tiêm chủng mở rộng; mua thuốc chống lao và thuốc kháng HIV cho bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế, phương tiện tránh thai; các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm; bảo đảm an toàn và phòng, chống một số bệnh lý huyết học; quân dân y kết hợp; mua vitamin A; truyền thông y tế... nhằm đảm bảo thuốc, vắc xin cho các đối tượng và thực hiện một số hoạt động chuyên môn, duy trì thành quả của Chương trình mục tiêu giai đoạn trước./.

Trường Nhật

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực