*Từ ngày 11-14/10/2023, Phòng Y tế phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Đăk G’Long tổ chức lớp tập huấn cho đội xung kích diệt loăng quăng bọ gậy, phòng, chống bệnh sốt xuất huyết dengue (SXHD) tại các thôn/bon của 04 xã: Quảng Khê, Quảng Sơn, Đăk Ha, Đăk Plao có xuất hiện ca bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.
|
Quang cảnh lớp tập huấn. (Ảnh: Y Khôi) |
Tại lớp tập huấn, báo cáo viên đã truyền đạt những kiến thức cơ bản về công tác phòng, chống bệnh SXHD như: khái quát về bệnh Sốt xuất huyết Dengue và các hoạt động phòng, chống; Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh SXHD theo Quyết định số 3711/QĐ-BYT ngày 19/9/2014 của Bộ Y tế; Ngoài ra, các học viên cũng được hướng dẫn nâng cao cách phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, nhà ở, nơi làm việc… Qua đó giúp cho học viên củng cố, nâng cao kiến thức trong công tác giám sát và phòng, chống dịch SXHD tại địa phương, nhằm thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh SXHD trong thời gian tới.
Theo Kế hoạch, từ ngày 12-14/10/2023, Trung tâm y tế sẽ tiếp tục tổ chức lớp tập huấn cho 3 xã còn lại nhằm nâng cao kiến thức về giám sát phòng chống SXHD trên địa bàn huyện.
*Còn về tình hình dịch bệnh đau mắt đỏ, theo thống kế chưa đầy đủ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tính đến ngày 10/10/2023, trên địa bàn tỉnh Đăk Nông ghi nhận 3.825 trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ.
Số trường hợp mắc bệnh chủ yếu là học sinh với 3048/3825 ca, chiếm 79,69%. Đối tượng làm nông chiếm 8,42%, Công nhân chiếm 4,21% và trẻ nhỏ chiếm 4,58% trên tổng số ca mắc. Hiện tại, 02 chùm ca bệnh tại Trường tiểu học Lê Thị hồng Gấm và Trường Trung học cơ sở Đăk Mâm - huyện Krông Nô đã được khống chế, không ghi nhận ca mới.
|
Phun hoá chất duyệt khuẩn phòng bệnh đau mắt đỏ tại các trường học. (Ảnh: Văn Tiến) |
Nhằm kiểm soát, khống chế dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật kiến nghị Trung tâm y tế (TTYT) các huyện/thành phố tiếp tục tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh đau mắt đỏ tại địa phương, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để ổ dịch bệnh đau mắt đỏ, không để dịch lan rộng, kéo dài; tham mưu UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo, triển khai mạnh mẽ các hoạt động truyền thông, giám sát, xử lý ca bệnh, ổ dịch; sẵn sàng vật tư, hoá chất, trang thiết bị phục vụ thực hiện các hoạt động điều tra, xử lý ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn quản lý và tuân thủ chế độ báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy và chia sẻ thông tin chính xác và kịp thời.
Đối với Bệnh viện đa khoa tỉnh và cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện cần tổ chức tốt việc khám, phát hiện, tư vấn, điều trị và đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế; cập nhật các phác đồ điều trị, tích cực công tác khám bệnh, chữa bệnh, hội chuẩn, chuyển tuyến theo quy định; hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng nặng liên quan đến bệnh đau mắt đỏ; tuân thủ chế độ báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định và chia sẻ thông tin chính xác và kịp thời.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khuyến cáo, khi trẻ có các triệu chứng bệnh như đỏ mắt, chảy nước mắt, ra nhiều ghèn rỉ, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám, và điều trị kịp thời. Không nên tự ý điều trị tại nhà, tránh gây biến chứng nặng, làm tổn thương giác mạc, ảnh hưởng tới thị lực lâu dài của trẻ. Đồng thời cũng cần chú trọng áp dụng các biện pháp phòng bệnh đúng cách, tránh lây lan đau mắt đỏ cho người xung quanh. Khi bị bệnh, mỗi người không dụi tay vào mắt, mũi, miệng. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay. Nếu mắt chảy nhiều nước mắt, mắt có nhiều ghèn, rỉ thì sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc y tế (sử dụng 1 lần) để vệ sinh, sau đó bỏ vào thùng rác có nắp đậy để tránh tạo thành nguồn lây cho gia đình và người xung quanh. Sử dụng riêng các vật dụng cá nhân cho người mắc bệnh.../.