Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 và đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ. Đây là dự án luật quan trọng, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Trung ương trong việc xây dựng, phát triển thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại.
|
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (Ảnh: QH) |
Báo cáo về một số nội dung cơ bản của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, với mục tiêu nâng cao năng lực, xây dựng hệ thống y tế Thủ đô ngày càng phát triển, hiện đại, hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện, nâng cao sức khỏe nhân dân, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép cơ sở khám, chữa bệnh công lập của thành phố Hà Nội được sử dụng quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp trong mua sắm, sửa chữa để duy trì hoạt động thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công lập; cơ chế phát triển y học gia đình; phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện...
Trong đó, về cơ chế phát triển khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định một trong các hình thức tổ chức của cơ sở khám, chữa bệnh là y học gia đình. Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có phạm vi hoạt động chuyên môn về y học gia đình thực hiện.
Từ năm 2019, Thủ đô Hà Nội đã triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng hoạt động của trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình và đã đưa số lượng trạm y tế thực hiện theo nguyên lý y học gia đình từ mức 47,8% số trạm y tế vào năm 2019 lên 82,73% trạm y tế thực hiện theo nguyên lý y học gia đình vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, các trạm y tế gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai: thiếu bác sĩ có chất lượng phù hợp làm việc trực tiếp tại trạm y tế, nhất là trạm y tế xã; các dịch vụ chuyên sâu tại trạm y tế chưa thể thanh toán bằng bảo hiểm y tế; số lượng cơ sở hành nghề y tư nhân thực hành nguyên lý y học gia đình còn khá hạn chế. Số lượng cơ sở hành nghề y tư nhân thực hành nguyên lý y học gia đình hiện nay tại Thủ đô là 07, bao gồm 06 phòng khám chuyên khoa bác sỹ gia đình và 01 phòng khám đa khoa có bộ phận khám chữa bệnh triển khai hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.
Do đó, để tạo cơ chế thúc đẩy phát triển y học gia đình, dự thảo Luật giao HĐND thành phố Hà Nội quy định lộ trình, cơ chế tài chính, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để thực hiện cơ chế khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình.
Dịch vụ cấp cứu ngoại viện là một trong nhóm những dịch vụ y tế khẩn cấp nhằm nỗ lực giảm thiểu những tổn thất về tính mạng và sức khỏe. Các dịch vụ cấp cứu cấp cứu ngoại viện bao gồm chăm sóc cấp cứu y tế ngoại viện, các dịch vụ vận chuyển bằng xe cứu thương… Hoạt động cấp cứu ngoại viện hiện nay có sự tham gia của nhiều thành phần, bao gồm các trung tâm vận chuyển cấp cứu 115, tổ vận chuyển cấp cứu ngoại viện của các cơ sở y tế công lập và cơ sở vận chuyển cấp cứu ngoài công lập... Việc phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện có vai trò quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong và giảm mức độ thương tật cho người bệnh, đặc biệt đối với các trường hợp nguy kịch, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật và tài chính cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Phát triển hệ thống mạng lưới cấp cứu ngoại viện cũng giúp bệnh nhân có khả năng tiếp cận được chăm sóc y tế kịp thời và phù hợp hơn.
Công tác cấp cứu người bệnh tại chỗ và vận chuyển cấp cứu người bệnh đến các cơ sở điều trị là vấn đề cấp thiết và quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân. Việc hình thành một mạng lưới cấp cứu ngoại viện để đảm trách công tác cấp cứu ngoại viện trong đời sống hàng ngày cũng như trong tình huống có thảm họa là hướng đi đúng đắn và phù hợp với thực tiễn trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Với mục tiêu đó, dự thảo Luật giao UBND thành phố Hà Nội quy định về lộ trình phát triển và tổ chức, hoạt động của hệ thống cấp cứu ngoại viện trên địa bàn Thủ đô.
Đồng thời với các cơ chế phát triển y học gia đình, hệ thống cấp cứu ngoại viện nêu trên, dự thảo Luật quy định UBND thành phố Hà Nội quyết định việc sử dụng kinh phí bảo hiểm y tế trên cơ sở nguồn kinh phí bảo hiểm y tế được giao dự toán để chi trả dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, dịch vụ cấp cứu ngoại viện.
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, mặc dù Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về y học gia đình, tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định về giá dịch vụ dành riêng cho khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình. Việc quy định dùng quỹ bảo hiểm y tế để chi trả cho cấp cứu ngoại viện, khám, chữa bệnh theo y học gia đình vẫn bảo đảm nguyên tắc có đóng, có hưởng của lĩnh vực bảo hiểm. Việc sử dụng quỹ bảo hiểm để thanh toán khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, chi trả dịch vụ cấp cứu ngoại viện, là một giải pháp vừa có tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh Thủ đô, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ bảo hiểm y tế. Vì khi bảo hiểm y tế chi trả cho việc khám chữa bệnh y học gia đình, chi trả dịch vụ cấp cứu ngoại viện sẽ làm giảm nguy cơ bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên, giảm nguy cơ bệnh nhân chuyển nặng khi dịch vụ cấp cứu ngoại viện kịp thời cấp cứu vào “thời điểm vàng” của bệnh nhân, như vậy, sẽ giảm rất nhiều chi phí khám bệnh, chữa bệnh sau này.
|
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thị Sửu phát biểu tại Tổ (Ảnh: QH) |
Phát biểu thảo luận tại tổ, cơ bản tán thành với các quy định tại dự thảo luật, theo Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thị Sửu, quyết định việc sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế để phát triển hoạt động khám chữa bệnh y học gia đình trên cơ sở nguồn kinh phí bảo hiểm y tế được giao dự toán cho TP Hà Nội, phù hợp với Luật Khám chữa bệnh. "Đây là quy định có tính đột phá so với các quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế hiện hành, tạo điều kiện quan trọng cho việc phát triển y học gia đình của Thủ đô Hà Nội" - đại biểu nói.
Cũng theo đại biểu, những quy định về cấp cứu ngoại viện là quy định rất đặc thù vì pháp luật hiện hành chưa có quy định về giá dịch vụ dành riêng cho khám chữa bệnh y học gia đình và dùng Quỹ Bảo hiểm y tế để chi trả cho cấp cứu ngoại viện. Cơ chế này nếu phát huy tốt sẽ góp phần giảm chuyển tuyến dẫn đến giảm chi phí khám chữa bệnh.
Về công tác khám sức khỏe miễn phí hàng năm cho người cao tuổi thường trú trên địa bàn Thủ đô với kinh phí được bảo đảm thực hiện từ ngân sách địa phương của TP.Hà Nội, nguồn xã hội hóa theo lộ trình phù hợp, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng, đây là chính sách an sinh xã hội ưu việt của thành phố nhằm ngăn chặn bệnh tật đối với người cao tuổi từ sớm, từ xa, giảm chi phí điều trị và tăng chất lượng sống cho người cao tuổi trước tình trạng già hóa dân số nhanh và số năm sống khoẻ thấp. Tuy nhiên, cần xác định rõ mốc thời gian, giai đoạn cụ thể./.