|
Bệnh nhân bệnh sốt xuất huyết nặng đã ổn định sức khỏe. (Ảnh: Nhật Trường) |
Mới đây, bệnh viện Đa khoa Tiền Giang tiếp nhận bệnh nhân T.Q.H. (14 tuổi, ngụ huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) được chuyển viện từ Trung tâm Y tế huyện Gò Công Tây đến. Bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán do sốc sốt xuất huyết độ 4 rất nặng, xuất huyết tiêu hóa, nôn ra máu, phù phổi cấp và suy hô hấp, mạch và huyết áp "bằng 0", tiên lượng nặng.
Sau đó, bệnh viện triệu tập 2 khoa Hồi sức nhi và cấp cứu nhi khẩn trương cấp cứu. Sau 1 giờ cấp cứu, bệnh nhân mới có mạch trở lại và 24 giờ sau mới qua cơn nguy kịch.
Đây là một ca sốt xuất huyết rất nặng, tiên lượng xấu, thường phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên, nhưng với tình trạng bệnh nhân quá nặng không thể kịp để chuyển đi, có thể tử vong trong quá trình di chuyển. Các bác sĩ kịp thời hội chẩn với Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP. HCM) để kịp thời cấp cứu. Đây là trường hợp nặng nhất và cấp cứu thành công từ trước đến nay tại bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang". Hiện tại, tình trạng của bệnh nhân H. đã chuyển biến tích cực, không cần thở máy, ăn uống bình thường.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang cũng vừa điều trị thành công bệnh tay chân miệng rất nặng là bé trai mới 10 tháng tuổi, tên N.M.K. (huyện Chợ Gạo). Bệnh nhân này nhập viện ở cơ sở y tế tại địa phương với tình trạng sốt 4 ngày, kèm theo rung giật, người nhà không phát hiện bệnh tay chân miệng. Đến khi bé nhập viện và diễn biến nặng thì cơ sở điều trị địa phương chuyển lên tuyến tỉnh.
|
Một trẻ em bệnh tay chân miện rất nặng đã khỏi nguy kịch. (Ảnh: Nhật Trường) |
Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Trọng Khánh cho biết, đây là trường hợp điển hình của ca tay chân miệng nặng. Thời điểm nhập viện vào tuyến trên, bé K. có mạch và huyết áp “bằng 0”, da nổi bong tím toàn thân, kèm theo trào bọt họng qua đường miệng. Lập tức các bác sĩ tích cực cấp cứu, tình trạng bé đang ngưng tim, ngưng thở, đặt nội khí quản.
Các bác sĩ đã dùng thuốc hồi sinh cho bé, sau đó mới thấy mạch và huyết áp trở lại. Các bác sĩ hội chẩn với Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh để sử dụng phương pháp tiên tiến nhất điều trị trường hợp này thở máy và lọc máu 2 chu kỳ (1 chu kỳ 48 giờ và 1 chu kỳ 24 giờ) với 72 giờ lọc máu và sử dụng các loại thuốc điều trị. Hiện nay tình trạng bệnh nhân cải thiện rất nhiều.
Theo gia đình của bé, ở nhà bé chỉ có triệu chứng nóng sốt, ói, giật mình… rất giống bệnh thông thường nên không phát hiện bị tay chân miệng.
Theo các chuyên gia y tế, đây là điển hình của ca tay chân miệng nặng xuất hiện gần đây, không thể hiện rõ ra bên ngoài nên gia đình khó phát hiện, đến khi bé đến cơ sở y tế mới phát hiện ra bệnh thì đã diễn biến nặng./.