Tiền Giang: Hội nghị “Chuyển đổi số trong công tác y tế”

Thứ ba, 10/10/2023 13:12
(ĐCSVN) - Sở Y tế tỉnh Tiền Giang vừa tổ chức Hội nghị "Chuyển đổi số trong công tác y tế" theo Quyết định số 1710/QĐ-BYT ngày 05/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế về chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tham dự Hội nghị có, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu; Giám đốc Sở Y tế, TS.BS. Nguyễn Văn Dương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu phát biểu chỉ đạo Ngành Y tế tỉnh đẩy mạnh Chuyển đổi số trong thời gian tới. (Ảnh: Thành Hoàng)

Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế đang là xu hướng toàn cầu, mang lại lợi ích to lớn cho người dân ở các quốc gia, giúp cải thiện chất lượng y tế, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, tăng tính hiệu quả trong việc khám, chữa bệnh và đồng bộ hóa thông tin y tế. Việc chuyển đổi số và triển khai nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế như: công tác phòng, chống dịch, khám chữa bệnh từ xa, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán, khám, chữa bệnh, giúp chẩn đoán bệnh chính xác hơn và ngày càng mở ra nhiều hơn nữa những bài toán của ngành y mà công nghệ có thể tham gia xử lý.

Với quan điểm của chuyển đổi số trong ngành Y tế là: Lấy người dân làm trung tâm, số hóa dữ liệu sức khỏe của người dân trên cơ sở thúc đẩy triển khai Bệnh án điện tử nhằm mục đích phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân; lấy nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử là thành phần cốt lõi để triển khai các nền tảng số y tế khác góp phần thúc đẩy chuyển đổi số ngành Y tế… Đến nay, việc chuyển đổi số ngành Y tế bước đầu đã đạt được các kết quả tích cực về chuyển đổi nhận thức; về kiến tạo thể chế; về phát triển hạ tầng số; về phát triển các nền tảng số và về an toàn, an ninh mạng.

Trong thời gian qua, ngành Y tế tỉnh Tiền Giang đã triển khai thực hiện các nội dung của Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) liên quan đến lĩnh vực khám, chữa bệnh như: "Triển khai thí điểm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân có gắn chíp"; "Liên thông dữ liệu Giấy khám sức khỏe lái xe"; "Liên thông dữ liệu Giấy chứng sinh, Giấy báo tử lên Cổng giám định BHYT". Qua thời gian triển khai thực hiện Đề án 06 đã góp phần giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục khám, chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân không phải mang nhiều loại giấy tờ khi đi khám, chữa bệnh và tiến tới khám, chữa bệnh không dùng hồ sơ bệnh án truyền thống mà dùng Bệnh án điện tử. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Y tế tỉnh còn gặp một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết như: nhiều đơn vị chưa thực sự quan tâm đến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số y tế; nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin tại các đơn vị còn thiếu và yếu do thiếu cơ chế tài chính, nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số y tế.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Thành Hoàng) 

Tại Hội nghị, đại biểu được giới thiệu về việc đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành Y tế tỉnh Tiền Giang; báo cáo kết quả triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử tại tỉnh Tiền Giang và định hướng trong thời gian tới; báo cáo nội dung Bệnh án điện tử với kinh nghiệm qua 4 năm triển khai thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang; đồng hành cùng chuyển đổi số của Ngân hàng BIDV tỉnh Tiền Giang; chuyển đổi số Y tế nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân của Viễn thông tỉnh Tiền Giang; định hướng việc chuyển đổi số trong công tác khám, chữa bệnh, phòng bệnh tại các cơ sở y tế của Công ty TNHH -TM Vĩnh Phát; nền tảng hỗ trợ, tư vấn khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe từ xa.

Đồng thời, các đại biểu đã trao đổi thông tin về vác giải pháp phần mềm, nền tảng, hệ thống nhằm giúp cải thiện chất lượng y tế, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, tăng tính hiệu quả trong việc khám, chữa bệnh và đồng bộ hóa thông tin y tế. Việc chuyển đổi số và triển khai nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế như: công tác phòng, chống dịch; khám, chữa bệnh từ xa; các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán, khám, chữa bệnh đã giúp chẩn đoán bệnh chính xác hơn và ngày càng mở ra nhiều hơn nữa những bài toán của ngành Y tế mà công nghệ có thể tham gia xử lý.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu đánh giáo cao việc thực hiện chuyển đổi số trong công tác y tế Tiền Giang thời gian qua. Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu của thời đại, đã và đang đi vào mọi hoạt động của cuộc sống, ngành Y tế cũng không nằm ngoài xu hướng đó và là một trong những ngành được ưu tiên chuyển đổi số hàng đầu. Ông mong muốn, khắc phục những khó khăn hiện có, trong thời gian tới, ngành Y tế Tiền Giang sẽ phấn đấu, nỗ lực hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong công tác điều trị và phòng bệnh. Ông đề nghị ngành Y tế cần phải đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số trong hoạt động khám bệnh, phòng bệnh và quản lý sức khỏe người dân dựa trên các Nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử, Nền tảng Quản lý tiêm chủng, Nền tảng Hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa. Yêu cầu ngành Y tế phải có kế hoạch phát triển chuyển đổi số cụ thể, rõ ràng, theo lộ trình từ bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện và xã để đảm bảo thực hiện tốt công tác chuyên môn cũng như quản lý tốt sức khỏe của người dân./.

M.K

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực