Tiền Giang: Quyết liệt phòng, chống bệnh đau mắt đỏ

Thứ sáu, 06/10/2023 14:00
(ĐCSVN) - Trước tình hình bệnh đau mắt đỏ đang có chiều hướng lây lan rộng trên địa bàn, đặc biệt tại các trường học, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang khẩn trương phối hợp cùng các ngành liên quan triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để khống chế dịch bệnh.
Bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ tại Trung tâm Y tế TP Mỹ Tho.
(Ảnh: Thanh Tùng)

Theo bác sỹ Chuyên khoa II Nguyễn Hữu Diệp, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tăng cường giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch đau mắt đỏ trên địa bàn; tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp, cộng đồng.

Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc tư vấn, điều trị; thông báo kịp thời cho các đơn vị, địa phương có bệnh nhân để triển khai các biện pháp phòng bệnh; chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị phòng, chống dịch; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện.

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Y tế cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong trường học; thông báo ngay cho cơ sở y tế địa phương khi phát hiện học sinh mắc bệnh để xử lý ổ dịch sớm, triệt để...

Sở Y tế yêu cầu các Trung tâm Y tế tiếp tục tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ, tập trung phổ biến về các biện pháp phòng bệnh trong trường học, cộng đồng; tổng hợp số trường hợp bệnh đau mắt đỏ đến khám, điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh cùng số học sinh bị đau mắt đỏ được ghi nhận tại các trường học trên địa bàn quản lý. 

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang tiếp tục phối hợp các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, thành phố, thị xã tăng cường các hoạt động truyền thông phòng, chống bệnh đau mắt đỏ; đồng thời, theo dõi sát tình hình, diễn biến dịch bệnh để hướng dẫn các giải pháp kiểm soát dịch hiệu quả cho các đơn vị liên quan.

Bệnh đau mắt đỏ xảy ra có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chỉ có nguyên nhân do Adeno virus là dễ lây lan và có thể gây thành dịch. Bệnh có thể mắc ở mọi lứa tuổi, xuất hiện rải rác quanh năm ở mọi nơi, tăng lên vào mùa khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, thời gian ủ bệnh ngắn từ 12 - 24 giờ. Triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ gồm: Mắt đau, cộm, cảm giác như cát trong mắt, chảy nước mắt và có nhiều rỉ (ghèn), có khi sáng ngủ dậy rỉ làm mi mắt dính chặt; mi mắt sưng nhẹ, hơi đau, kết mạc sưng phù, đỏ. Bệnh thường bắt đầu từ một mắt, vài ba ngày có thể lây lan sang đến mắt thứ hai... Kèm theo có thể ho, sốt nhẹ, nổi hạch trước tai (hay gặp ở trẻ em), thị lực hầu như không ảnh hưởng. Các triệu chứng trên thường xuất hiện khoảng 3 ngày đầu và giảm dần, thoái lui sau khoảng 10 ngày, đại đa số lành tính, ít để lại di chứng. Một số ít trường hợp có thể có giả mạc ở kết mạc mi (mắt thường sưng khó mở, có dịch màu hồng...) đau kéo dài có khi hàng tháng nếu không được bóc giả mạc. Một số trường hợp có thể có biến chứng viêm giác mạc chấm khi đó sẽ có ảnh hưởng đến thị lực. Viêm kết mạc trên người có các bệnh mạn tính khác về mắt như: Mắt hột, sẹo giác mạc cũ, tắc lệ đạo... sẽ làm cho bệnh tiến triển nặng thêm...

Bác sĩ Trần Việt Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Mắt Tiền Giang hướng dẫn học sinh cách chăm sóc và bảo vệ mắt.
(Ảnh: Thanh Hoàng) 

Bệnh đau mắt đỏ thường xảy ra vào mùa hè, đặc biệt vào mùa mưa, virus có từ người bệnh và từ nguồn nước ô nhiễm lây lan sang người khác thông qua vật dụng dùng chung, ruồi, tiếp xúc qua tay và qua đường hô hấp; thời gian ủ bệnh ngắn từ 12 - 24 giờ. Ngành Y tế khuyến cáo, để phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, người bệnh cần giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng khăn mặt riêng và hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, khi có những triệu chứng bệnh nên đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, không được tự ý nhỏ, đắp thuốc vào mắt khi chưa có chỉ định của bác sĩ nhãn khoa; nên đeo kính râm để hạn chế lây lan và giảm kích thích mắt, không nên xem ti vi, đọc sách báo, sử dụng máy tính... Người chưa mắc bệnh cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh, trong vùng có dịch (hoặc có nhiều người mắc bệnh) nên hạn chế các hoạt động tập trung đông người và không nên đến các bể bơi công cộng.

Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, có không ít trường hợp bệnh kéo dài và có biến chứng xấu ảnh hưởng thị lực sau này nên mọi người nên có ý thức phòng bệnh và cần được ngành Y tế can thiệp kịp thời khi bị mắc bệnh. Hiện nay, tình hình thời tiết mưa nắng thất thường, là điều kiện để virus Adeno-virus gây bệnh đau mắt đỏ phát triển. Do đó người dân không nên chủ quan, cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, góp phần hạ thấp tỷ lệ mắc bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh./.

M.K

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực