Đưa Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 vào cuộc sống

Thứ ba, 28/01/2020 17:08
(ĐCSVN) - Để Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả như mong muốn, theo các chuyên gia, một giải pháp cần được triển khai đồng bộ tại các địa phương là đẩy mạnh truyền thông chuyển đổi hành vi về Dân số và Phát triển. Bên cạnh đó, công tác truyền thông cần triển khai sớm và phải đổi mới cả về nội dung lẫn phương pháp thực hiện.

Chiến lược quan trọng của công tác dân số trong tình hình mới

Theo kết quả cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 vừa được công bố, hiện nay, dân số nước ta là 96,2 triệu người, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới.

Sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 - 2019 là 1,14%/năm. Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định trong hơn một thập kỷ qua, xu hướng sinh hai con ở Việt Nam là phổ biến. Bên cạnh đó, chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình đạt 73,6 tuổi, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người; tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh; tầm vóc, thể lực người Việt Nam từng bước được cải thiện.

 (Ảnh minh họa. Ảnh: ĐT)

Tuy nhiên, hiện tại, công tác dân số cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Chẳng hạn, mức sinh giữa các vùng có chênh lệch khá lớn. Xu thế mức sinh giảm xuống quá thấp đã xuất hiện ở nhiều khu vực. Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Lợi thế dân số vàng chưa được tận dụng tốt. Già hóa dân số diễn ra với tốc độ quá nhanh, song các giải pháp thích ứng chưa được triển khai. Chất lượng dân số còn nhiều hạn chế…

Để giải quyết những thách thức trên, Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã chỉ rõ: Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.

Gần đây nhất, ngày 22/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát là: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. Chiến lược đề ra 8 mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và 8 nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các mục tiêu đó.

Cụ thể, Chiến lược đề ra 8 mục tiêu cần đạt vào năm 2030 là: duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc thiểu số có dưới 10 nghìn người, đặc biệt là những dân tộc thiểu số rất ít người có nguy cơ suy giảm giống nòi; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi ở mức hợp lý; nâng cao chất lượng dân số; thúc đẩy phân bố dân số hợp lý và bảo đảm quốc phòng, an ninh; hoàn thành xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh lồng ghép các yếu tố dân số vào xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phát huy tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững; thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Bên cạnh đó, Chiến lược cũng đề ra 8 giải pháp gồm: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đổi mới truyền thông, vận động về dân số; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống thông tin, số liệu dân số: bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số; Kiện toàn tổ chức bộ máy và đào tạo; tăng cường hợp tác quốc tế.

Đánh giá về Chiến lược Dân số mới này, tại lễ phát động Tháng hành động Quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam được tổ chức cách đây không lâu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ rõ: So với Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Chiến lược Dân số lần này không còn cái "đuôi" sức khỏe sinh sản mà là Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, điều này thể hiện sự thay đổi rất căn bản từ Nghị quyết 21-NQ/TW đến tất cả các văn bản sau này. Đó là công tác dân số không chỉ đơn giản là kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe bà mẹ trẻ em hay vấn đề sức khỏe của mọi người dân mà vấn đề Dân số và Phát triển hiện nay bao trùm hơn rất nhiều.

Để Chiến lược này đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả như mong muốn, một giải pháp cần được triển khai đồng bộ tại các địa phương là đẩy mạnh truyền thông chuyển đổi hành vi về Dân số và Phát triển. Bên cạnh đó, công tác truyền thông cần triển khai sớm và phải đổi mới cả về nội dung lẫn phương pháp thực hiện.

Đẩy mạnh thông tin, giáo dục, truyền thông trọng tâm là Dân số và Phát triển

Để truyền thông có hiệu quả về Nghị quyết 21-NQ/TW cũng như Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, cần đẩy mạnh thông tin, giáo dục, truyền thông, trọng tâm là Dân số và Phát triển.

Theo các chuyên gia dân số cần tập trung vào một số khía cạnh như: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm; an sinh xã hội cho người cao tuổi, xây dựng xã hội thích ứng với dân số già; vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển bền vững của toàn xã hội; bất bình đẳng giới; nâng cao chất lượng cuộc sống của người di cư…

Đẩy mạnh công tác truyền thông vận động, tạo phong trào mọi người dân thường xuyên luyện tập thể dục thể thao. (Ảnh: Đỗ Thoa)

Theo đó, nội dung công tác truyền thông về công tác dân số sẽ tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con", bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh và nuôi dạy con tốt. Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng có mức sinh cao, duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế, sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp. Nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới; đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao; đổi mới toàn diện, nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường. Hình thành kiến thức và kỹ năng về dân số, sức khỏe sinh sản đúng đắn, có hệ thống ở thế hệ trẻ.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác truyền thông vận động, tạo phong trào mọi người dân thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực người Việt Nam đồng thời chú trọng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.../.

Đỗ Thoa
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực