Rồng là kết quả của trí tưởng tượng phong phú của người phương Đông với triết luận văn hoá cổ xưa. Rồng đi vào cuộc sống của con người trong hầu hết các hoạt động sản xuất, kiến trúc, lễ hội, mỹ thuật, thậm chí cả trong miếu mạo, đình chùa… Ở phương Đông, con rồng đứng đầu trong bốn loài vật tượng trưng cho sự phong lưu, sức mạnh của con người, gọi là tứ linh. Đó là Long - Ly - Qui - Phượng (rồng, lân, rùa, phượng).
Đối với người Việt Nam, rồng luôn là một biểu tượng linh thiêng; long phi (rồng bay), ngoạ long (rồng nằm), thăng long (rồng bay lên), giáng long (rồng xuống) đều được xem là thiên tượng. Biểu tượng rồng là biểu tượng của thiên tử, tượng trưng cho vua chúa, cho sự cao quí sang trọng, cho quyền năng, cho sức mạnh vô địch. Vì thế những thứ gì thuộc quyền sở hữu của nhà vua đều có yếu tố "long". Chỗ ở của vua gọi là “long cung”, giường vua ngủ là “long sàng”, mình vua là “long thể”, mặt vua là “long nhan”, áo vua mặc là “long bào” thêu con rồng năm móng… Ở Việt Nam, hình tượng con Rồng thường được khắc, được chạm trổ một cách công phu và trang trọng, được đặt nơi các kiến trúc văn hóa, trong các cung điện nhà vua, hoặc ở những nơi trang nghiêm như đình, chùa, miếu, đền…
|
Trong số 12 con giáp thì rồng là con vật huyền thoại, là kết tinh trí tưởng tượng trong nền văn hóa của người phương Đông cổ xưa. (Ảnh: tuoitreonline) |
Đối với người Việt, dẫu trong hình thế nào rồng vẫn là linh vật mang đến cho con người điềm lành, hạnh phúc và sự thịnh vượng. Con rồng của người Việt là sự kết hợp một hoặc vài bộ phận cơ thể của nhiều linh vật khác nhau: rồng có mũi, trán kỳ lân, bờm sư tử, sừng nai, mắt cá, miệng hổ, mình rắn, chân chim ưng, vẩy cá chép, râu và đuôi tôm… tất cả các bộ phận được phối triển một cách nhuần nhuyễn, hợp lý, cân đối và hài hoà tạo nên một long hình (dáng rồng) uy nghiêm, trầm viễn, hùng dũng và phong thái cao sang, quý phái; rồng bay thanh thoát, rồng nằm đỉnh đạc… oai linh mà không độc ác, trang nhã mà uy nghiêm. Người xưa quan niệm trong nhà có tranh tượng rồng (long tượng) hay long phù (một mặt rồng chạm nổi) thì chẳng có ma quỷ, ác thú, tà thần nào dám bén mảng. Chính vì thế mà rồng đã gắn bó với con người và đời sống; rồng được tôn thờ trong tín ngưỡng bái vật và văn hóa tâm linh của người cổ đại, được thần linh hóa trong những huyền thoại, sự tích.
Chuyện con rồng cháu tiên gắn với huyền thoại Âu Cơ - Lạc Long Quân là niềm tự hào chung cho tất cả các dân tộc Việt Nam. Cha Lạc Long Quân là nòi giống Rồng lấy mẹ Âu Cơ là dòng dõi Tiên sinh ra một bọc trăm trứng, nở trăm con; năm mươi con theo mẹ lên núi, năm mươi con theo cha xuống biển, xây dựng nên một Nhà nước Văn Lang trải dài từ núi thẳm đến biển sâu. Đó là câu chuyện thần thoại giải thích nguồn gốc ra đời của giống nòi Việt, như một niềm tự hào đã đi theo cùng dân tộc Việt trong nền văn hoá và lịch sử đấu tranh xây dựng đất nước trên bốn ngàn năm.
Rồng không chỉ là huyền thoại về dòng giống của người Việt mà còn là biểu tượng của Thủ đô nước ta. Theo sử biên niên, ngày sáng lập ra triều đại nhà Lý thì có con rồng xuất hiện nên thủ đô có tên là Thăng Long. Rồng không những là biểu tượng của vua, của sự thiêng liêng, rồng còn là biểu tượng của thân hình đất nước: Từ Bái Tử Long, Hạ Long, Bạch Long Vĩ, qua Thăng Long đến Cửu Long. Mường tượng đất nước Việt Nam như một con rồng thì khúc đầu là miền Bắc, khúc giữa là miền Trung, khúc đuôi là Nam bộ.
Trong tiếng Việt cũng có rất nhiều thành ngữ, ca dao, tục ngữ về rồng. Rồng thường được hình tượng hóa để so sánh với những con vật khác nhưng bao giờ cũng ở phía cao quý hơn, trang trọng hơn. Để đề cao một người khác là khách đến thăm mình, chủ nhà thường nói: “Rồng đến nhà tôm”, khen một người văn hay chữ tốt thì “Chữ như rồng bay, phượng múa”, chúc mừng hạnh phúc cho tân lang và tân nương trong ngày cưới “Long phụng hoà minh", nói về địa thế đẹp “Long bàn hổ cứ” (Thế đất của Thăng Long như hổ ngồi rồng cuộn - Thiên đô chiếu)… Nhiều và rất nhiều thành ngữ như thế để thấy rằng, nói về rồng người Việt luôn có thái độ cung kính, tôn trọng. Khác với nhiều quốc gia và dân tộc khác, người Việt trong ý thức của mình quan hệ với rồng giống như quan hệ thân thuộc, dòng dõi, xem mình là người có dòng máu rồng tiên.
Trong văn hóa dân gian của người Việt, rồng tượng trưng cho linh thiêng và điềm lành. Rồng được tin là đem lại sự trường sinh, sung túc, ấm no và an vui cho mọi người. Năm rồng là năm đại cát, ai tuổi rồng thì sẽ thành đạt, vẻ vang. Tất cả những câu chuyện, vật dụng, ngôi thứ, có liên quan đến rồng, đều là chuyện cao cả, tốt đẹp và hạnh phúc./.