Người nước ngoài ấn tượng với không khí Tết ở Việt Nam

Thứ ba, 13/02/2024 10:00
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Nhắc đến Tết cổ truyền của Việt Nam, nhiều người nước ngoài đều có chung một cảm xúc háo hức trước cảnh sắc thiên nhiên rực rỡ, phong tục truyền thống đón năm mới độc đáo của người Việt,... Và Tết cũng chính là thời điểm mà họ có thể nhìn thấy một hình ảnh rất khác của "đất nước hình chữ S" này.
 Ảnh: Nguyễn Dương

Anh Kim, quốc tịch Hàn Quốc, 35 tuổi, làm việc cho một ngân hàng Hàn Quốc tại Hà Nội, chia sẻ: “Tết Nguyên đán ở Việt Nam thật đặc biệt với sắc đỏ của cờ Tổ quốc, của băng rôn, biểu ngữ tràn ngập khắp các đường phố. Chúng ta cũng dễ nhận thấy hình ảnh này khi so sánh với các sự kiện lớn diễn ra ở các quốc gia lân cận như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Singapore. Nếu bạn sống ở Việt Nam, bạn sẽ thường nghe nói Tết được coi là ngày lễ lớn nhất, quan trọng nhất ở Việt Nam và cũng là dịp lễ dài nhất. Trong dịp Tết này, dường như cả nước đều “ở trạng thái tĩnh”. Có lẽ là do phần lớn người lao động được nghỉ và các cửa hàng đều đóng cửa, nhưng bạn có thể cảm nhận rõ được toàn bộ người dân đang háo hức chờ đón ngày lễ này như thế nào, nên sự trống trải này không hề khiến bạn cảm thấy khó chịu chút nào. Tết ở Việt Nam khiến du khách cảm thấy thoải mái. Tôi hy vọng rằng nhiều người sẽ được nghỉ ngơi và có những khoảnh khắc tuyệt với trong dịp lễ này”.

Nói về Tết Nguyên đán của Việt Nam, ông Joël François, người hưu trí, đến từ Pháp, bày tỏ: “Tết Việt Nam đã tồn tại qua hàng nghìn năm. Qua nhiều thăng trầm của lịch sử, của thời đại, những giá trị của nó vẫn không hề thay đổi. Bất chấp những thay đổi trong xã hội hiện đại, Tết được diễn ra với đầy đủ các các nghi thức, trong đó quan trọng là tục thờ cúng tổ tiên. Dịp Tết cũng là mốc then chốt xác nhận sự kết thúc của một chu kỳ và sự ra đời của một chu kỳ mới, cũng là thời điểm chuyển giao khi mùa đông chuyển sang mùa xuân. Chỉ qua vài ngày Tết, chúng ta có thể thấy sự kết nối tuyệt vời, từ gia đình đến toàn xã hội Việt Nam. Nhân đây, tôi cũng có lời khuyên nhỏ dành cho những người Pháp: Chúng ta phải đọc lại Huard và Durand (hai đồng tác giả Pierre Huard và Maurice Durand của cuốn "Connaissance du Vietnam"). Đây thực sự là một cuốn sách tuyệt vời.” 

 Bà RaiNa, sống tại thành phố Kazan, thuộc nước cộng hòa tự trị Tatarstan, Liên bang Nga. Ảnh: nhân vật cung cấp

Bà RaiNa, sống tại thành phố Kazan, thuộc nước cộng hòa tự trị Tatarstan, Liên bang Nga, bày tỏ: “Tôi chưa có dịp đến Việt Nam nhưng tôi có vài người bạn Việt Nam. Nhờ đó mà tôi cũng biết một chút về đất nước, con người và văn hóa của các bạn. Tôi cũng đã từng được tham gia sự kiện văn hóa chào mừng Tết cộng đồng Việt Nam tại nhà Hữu nghị các dân tộc Kazan. Thực sự rất vui và ấn tượng”. 

“Tôi rất thích các món ăn Việt Nam, đặc biệt là món nem rán và phở bò. Tôi hy vọng sẽ có dịp được đến thăm đất nước xinh đẹp của các bạn, được ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp và thưởng thức các món ăn hấp dẫn nơi đây”, bà RaiNa cho hay.

Đối với Iinuma Isao, 19 tuổi, du học sinh đến từ Nhật Bản, thì “Tết Nguyên đán thực sự là một dịp đặc biệt!”. Trong mắt của anh sinh viên này, những ngày cận Tết tại Hà Nội, cả thành phố náo nhiệt: ùn tắc giao thông gia tăng, mọi người đổ ra đường mua đồ trang trí, mua cây cảnh và hoa Tết, những thực phẩm cần thiết để làm các món ăn truyền thống. Nhưng ngay khi kỳ nghỉ lễ bắt đầu, Hà Nội rất vắng vẻ và trở thành một thành phố yên tĩnh nơi chỉ còn lại phần lớn là người Hà Nội.

“Đối với người nước ngoài, trong dịp Tết này tốt nhất là nên đi mua sắm trước, nếu không bạn sẽ có nguy cơ phải nhịn đói!”, anh hài hước nói./.

Xuan Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực