Thương nhớ chuyến tàu phía Tây

Thứ hai, 04/02/2019 16:21
(ĐCSVN) – Ngành đường sắt cũng đang đầu tư vào những con tàu “5 sao” theo hướng: cửa kính bán tự động, hành lang treo tranh ảnh nổi bật; phòng ngủ có cặp nhiệt kế, hệ thống điều hòa tự chỉnh; nhân viên niềm nở...

Thương nhớ chuyến tàu phía Tây

Thương nhớ chuyến tàu phía Tây

Cán bộ, nhân viên tàu được đầu tư, đào tạo nâng cao chất lượng phục vụ (Ảnh: Lâm Tống)

“Tàu hỏa 5 sao” sử dụng nhiều trang thiết bị hiện đại, tạo cho hành khách cảm giác thoải mái, hài lòng khi ngồi trên tàu. Sàn tàu được đóng bằng nhôm ngoại nhập, chống ồn cũng như giảm trọng lượng thùng xe. Trên sàn lót một tấm trải nhập khẩu từ Nhật Bản. Hệ thống lò xo của tàu có độ đàn hồi cao không gây sóc lắc cho hành khách. Đặc biệt, đội ngũ nhân viên phục vụ luôn niềm nở đối với hành khách đi tàu. Đây là những thử nghiệm được áp dụng ở tàu Thống Nhất nhưng cũng dần dần lan tỏa sang các tuyến khác trong đó có tuyến phía Tây.

Bản thân chúng tôi đã trải nghiệm ở toa 4 người ở (khoang VIP), từ Hà Nội đi Lào Cai, hệ thống giường nệm rất sạch sẽ và thoải mái, toa sạch sẽ và khá hiện đại. Thêm nữa, toa phục vụ ăn uống giá cả phải chăng. Cà phê, bia, nước ngọt có giá từ 12.000 đến 25.000 đồng; bát mỳ thịt có giá 30.000 đồng; suất cơm 35.000 đồng.

Bước vào sân ga Hà Nội, sự đầu tư hệ thống sân ga khang trang, khác nhiều so với trải nghiệm của cá nhân tôi năm 2010. Cầu thang cuốn dẫn lối đến cửa ga, có hệ thống mái che dẫn đường ra tàu. Tại các cửa toa lên tàu, luôn có đội  ngũ nhân viên đứng niềm nở chào khách lên tàu. Ở khu vực hành lang tàu, điện sáng trưng, cùng với tranh ảnh treo nổi bật. Bên trong khu vực khu nằm giường 4 khoang, bộ chăn ga gối đệm màu vàng nâu và trắng. Trên bàn có giỏ hoa.

Đưa tổ phục vụ trên tàu có chất lượng như tổ phục vụ của ngành hàng không
(Ảnh: Lâm Tống)

Đáng chú ý là, với dự án đường sắt Yên Viên-Lào Cai là dự án quan trọng của tuyến đường sắt phía Tây, là một phần thuộc hành lang giao thông Côn Minh-Hải Phòng, người ta có quyền hy vọng ở tương lai tươi sáng hơn. Theo đó, tuyến trải dài 285km theo hướng Tây Bắc, từ Ga Yên Viên (Hà Nội), dọc theo bờ Bắc sông Hồng đến Lào Cai, biên giới giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc. Dự án được phân làm 2 giai đoạn, trong đó quy mô giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư là 166,46 triệu USD tương đương 3.434 tỷ đồng. Quá trình thực hiện giai đoạn 1, dự án được chia thành 4 gói thầu xây lắp và 1 gói thầu mua sắm ray, ghi. Khởi công từ tháng 12/2011, giai đoạn 1 dự án bao gồm các hạng mục: cải tiến 4km đường sắt có bán kính đường cong nhỏ; nâng cấp thanh ray, tà vẹt 180km đường sắt; xây dựng 10 cầu mới và cải tạo 43 cầu cũ; cải tạo, kéo dài và thêm đường ga cho 12 ga đảm bảo đón, gửi các đoàn tàu dài; xây mới, cải tạo nhiều cống và công trình thoát nước, gia cố bảo vệ mái taluy, xử lý sụt trượt một số đoạn tuyến. Dự án đã thực hiện cải tạo 4km đường sắt có bán kính đường cong nhỏ, thay ray, tà vẹt trên 180 km đường; xây dựng 10 cầu mới và cải tạo 43 cầu cũ... với tổng vốn đầu tư 3.434 tỷ đồng.

Dự án hoàn thành tăng năng lực vận chuyển cho phép tuyến đường sắt từ Hà Nội lên Lào Cai khai thác 23 đôi tàu/ngày đêm trên đoạn Việt Trì - Yên Bái, 33 đôi tàu/ngày đêm đoạn Yên Bái - Phố Lu, 17 đôi tàu/ngày đêm trên đoạn Phố Lu - Lào Cai, xóa bỏ hầu hết điểm xung yếu gây mất an toàn trên tuyến và rút ngắn thêm 40 phút chạy tàu từ Hà Nội đến Lào Cai dài 285km.

Ngoài ra, dự án hoàn thành giai đoạn 1 cũng mở ra cơ hội phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương ở khu vực Tây Bắc, là đòn bẩy tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa cho các tỉnh khi giao thương được thuận tiện và nhanh chóng, tạo điều kiện giao lưu thương mại giữa vùng Tây Bắc-Việt Nam và tỉnh Vân Nam-Trung Quốc; thúc đẩy phát triển du lịch, giảm áp lực giao thông đường bộ.

Thời gian tới, khi giai đoạn 2 của dự án tiếp tục được đầu tư, tuyến đường sắt phía tây sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải với mục tiêu 5 triệu hành khách và 7,5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, rút ngắn thời gian chạy tàu trên tuyến Hà Nội - Lào Cai 90 phút.

Bảo dưỡng định kỳ, kiểm tra máy móc vì một chuyến tàu an toàn (Ảnh: Lâm Tống)

Bản thân lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng khẳng định, đây là tuyến quan trọng bậc nhất về vận tải hàng hóa và hành khách của đường sắt Việt Nam. Tuyến đường không chỉ có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế - xã hội các địa phương tuyến đi qua, mà còn trong kết nối giao thông, giao thương quốc tế, đặc biệt là với Trung Quốc; Giải phóng được lượng hàng hóa khu vực đầu mối hàng hóa ở phía Bắc đồng bằng Bắc bộ nói chung, khu vực cảng Hải Phòng nói riêng. Đồng thời, thu hút được hàng xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc hoặc quá cảnh Trung Quốc đi Trung Á, châu Âu và ngược lại.

Không thể phủ nhận khi tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoạt động, đường sắt đi Lào Cai lập tức bị mất khách, là một thực tế, đồng thời là bài học lớn, cảnh tỉnh cho ngành để quyết liệt đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh. Việc nâng cao chất lượng dịch vụ các phương thức vận tải, trong đó có đường sắt, sẽ giúp hành khách có thêm nhiều lựa chọn và được hưởng lợi. Ðường sắt phải thay đổi tư duy của chính mình là "cung ứng những gì xã hội cần, không phải cung ứng những gì mình có", hướng đến cạnh tranh lành mạnh nhằm phục vụ hành khách tốt hơn.

Không phủ nhận rằng, trước năm 2012 trở về trước, vào làm ở ngành đường sắt vẫn là một trong những lựa chọn ưu tiên hàng đầu nhưng quả thực vài ba năm trở lại đây, lao động trong ngành nhất là công nhân kỹ thuật thiếu trầm trọng. Rất cần một sự đầu tư đồng bộ trong ngành để thu hút nhiều khách hơn đến với tàu, khách tăng đồng nghĩa với doanh thu tăng, doanh thu tăng sẽ là động lực lớn để thu hút nhiều đầu tư hơn vào ngành và chắc chắn khi đó, đời sống của cán bộ, công nhân viên trong ngành sẽ tăng.

Tạm biệt chuyến tàu phía Tây gây thương nhớ, tôi lại nhớ đến những vần thơ “Tàu hãy vỗ giùm ta đôi cánh vội/Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga… Lấy cả những cơn mơ! Ai bảo con tàu không mộng tưởng?/Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng/Lòng ta cũng như tàu, ta cũng uống/Mặt hồng em trong suối lớn mùa xuân”.

Bất chợt, tôi lại nhớ tới nguyện vọng của Tàu trưởng SP3 Đoàn Anh Tuấn cũng chính là nguyện vọng của  những gương mặt của ngành đường sắt mà phải “hữu duyên” mới có cơ hội để gặp mặt, đó là, có nhiều hành khách đi tàu, anh chị em trong ngành tiếp tục gắn bó với nghề…

Cũng như Tàu trưởng Tuấn, anh Trần Quang Hòa, phụ trách an ninh tàu mong muốn ngành đường sắt sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, thu hút được nhiều hành khách hơn. Theo anh Hòa, muốn vậy, ngành phải tập trung phát triển cơ sở hạ tầng hơn nữa, vì xét đến cùng, đường sắt vẫn là phương tiện an toàn giao thông nhất hiện nay. Do nhu cầu  vận chuyển đi lại thay đổi, ngành đường sắt phải hiện đại hóa, nâng cấp trang thiết bị hiện đại; đầu tư đồng bộ từ hệ thống sân ga tới tàu. Hơn nữa, phải tăng tuyển chọn lực lượng phục vụ trên tàu có trình độ hơn nữa, phổ cập tiếng Anh vì gày càng có nhiều hành khách nước ngoài đi nhiều. Điều này cũng đồng nghĩa với việc phải trả đồng lương tương đối cao, đúng với công sức lao động… “Nâng cấp đường xe, lái xe tốt rồi thì hạ tầng nhà ga cũng phải hoàn thiện, phải có mái che, đường đi trơn nhẵn” – anh Hòa cho hay.

Rồi đến chia sẻ của anh Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc chi nhánh vận tải đường sắt Lào Cai thuộc Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội, bây giờ, nhu cầu khách cao nên chúng ta phải thay đổi cung cách phục vụ cũng như xây dựng môi trường đường sắt thông thoáng, sạch đẹp, lịch sự. Quan trọng là phải nâng cao kết cấu hạ tầng đường sắt. Chạy 8 tiếng – đêm thì được, ngày thì không, vì thế, nhất thiết phải đầu tư vào kết cấu hạ tầng.

Ngoài ra, anh Quý còn cho biết thêm, quá trình cổ phần hóa của đường sắt chậm do đây là một ngành rất đặc thù, phải đầu tư lớn mà thu hồi vốn chậm. Bởi thế, cổ phần hoá nhiều đơn vị trong ngành không hiệu quả. Không giống như đầu tư vào đường bộ, hiệu quả nhanh, hoàn toàn có thể dùng BOT, đường sắt thì ngược lại.

Gặp gỡ những con người thân thiện, dễ mến trên chuyến tàu phía Tây thương nhớ, trò chuyện với hành khách người Anh, có dịp công tác Lào Cai càng thấy thêm tin ở ngày mai đầy tươi sáng. Anh Simon, một người Luân Đôn chính hiệu, đi công tác từ Hà Nội lên Lào Cai bằng ô tô nhưng chuyến trở về từ Lào Cai xuôi Hà Nội lại quyết định chọn tàu hỏa làm phương tiện đồng hành cho biết, “tôi luôn thích thú mỗi khi đi tàu, vừa an toàn vừa thoải mái”./.

 

 

Ghi chép của Hà - Lan
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực