Thương nhớ chuyến tàu phía Tây

Thứ bảy, 02/02/2019 18:33
(ĐCSVN) – Từ ngày đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai thông đường, đi vào hoạt động, người ta tìm đến ô tô như một cách di chuyển thuận tiện và nhanh chóng hơn. Bởi vậy, dễ chừng cũng phải vài năm rồi, trong những ngày mở đầu của năm 2019, chúng tôi mới có dịp đi lại bằng phương tiện tàu hỏa từ Hà Nội lên Lào Cai.

Thương nhớ chuyến tàu phía Tây

Thương nhớ chuyến tàu phía Tây

Hành khách xuống ga lúc sáng sớm tại Lào Cai sau chuyến tàu SP3
chạy từ Hà Nội lúc 22h. (Ảnh: HNV)

Khoảng 8 tiếng, khởi hành từ ga Hà Nội, tờ mờ sáng hôm sau, chúng tôi đã thức dậy ở ga Lào Cai. Đón chúng tôi trong ánh sáng còn mờ tỏ, vẫn nhoáng ánh đèn nơi sân ga trong buổi sáng sớm, các cán bộ chi nhánh vận tải đường sắt Lào Cai thuộc Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội đã giới thiệu cho chúng tôi về hoạt động của mình trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Thực tế, hằng ngày, có hai chuyến đi Lào Cai, SP1 chạy lúc 21h35' và SP3 chạy lúc 22h. Ngoài ra, cùng tuyến còn có tàu Hà Nội – Yên Bái 6h10' đến 10h40' và Yên Bái – Hà Nội 15h đến 19h30'. Cuối tuần, để tăng cường phục vụ nhu cầu của khách du lịch, có thêm chuyến SP7 và SP8…

Ngược lại dòng lịch sử, vào thế kỷ 19, khi thực dân Pháp còn đô hộ nước ta, người Pháp đã khảo sát mở tuyến đường sắt lên phía Tây Bắc theo triền sông Hồng. Thực ra, người Pháp chỉ có ý đồ mở tuyến đường sắt này đến Yên Bái, để khai thác nguồn tài nguyên của các tỉnh vùng trung du. Nhưng khi phát hiện các tỉnh phía Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc có nhiều khả năng phát triển kinh tế, giàu tài nguyên khoáng sản, song rất khó khăn trong việc giao lưu hàng hóa giữa các địa phương… Vì vậy, Pháp đã không ngại chi thêm tiền, bắt thêm lính và phu phen để mở tiếp tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai và vươn sang các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc. Lịch sử còn ghi: Trong khoảng thời gian từ 1898 đến khi hoàn thành tuyến đường sắt từ Hà Nội lên Lào Cai (1906), thực dân Pháp đã bắt hơn 10 nghìn lính và phu phen. Những người này, chúng đày đi lao động khổ sai, đào núi, bạt đồi dọc con sông Hồng với chiều dài 296 km.

Năm 1906, tuyến đường sắt (khổ đường 1 mét) từ Hà Nội vượt cầu Long Biên đã nối liền với Lào Cai. Từ đây thực dân Pháp lại tiếp tục xây dựng kéo dài sang Vân Nam (Trung Quốc). Toàn tuyến đường sắt này bao gồm 7 ga chính, 27 ga xép, riêng ga Lào Cai được xây dựng lớn thứ hai sau ga Hàng Cỏ (Hà Nội).

Khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Đảng, Nhà nước tiếp tục đầu tư, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Mặc dù đế quốc Mỹ không ngừng bắn phá nhằm huỷ diệt tuyến đường, nhưng giặc phá, ta lại sửa; giặc đánh ngày, ta làm đêm. Hàng trăm máy bay Mỹ đến oanh tạc đã bị quân và dân ta bắn hạ. Tuyến đường sắt vẫn đứng vững, kịp thời vận chuyển hàng triệu tấn hàng hóa đi xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Năm 1958, Bác Hồ ngược tàu hỏa lên thăm nhân dân các dân tộc Lào Cai. Bác rất phấn khởi khi thấy đội ngũ cán bộ, nhân viên đường sắt đã nhanh chóng tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật, đảm bảo chạy tàu an toàn.

Trải qua hơn trăm năm tồn tại, nhất là sau ngày giải phóng Lào Cai, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử, góp phần vận chuyển hàng hóa xây dựng hậu phương lớn miền Bắc, đồng thời tham gia tích cực vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đường sắt Hà Nội - Lào Cai là một tuyến đường sắt liên vận quốc tế nối Hà Nội với các tỉnh trung du và miền núi Tây Bắc. Đồng thời, nó còn kết nối với tuyến đường sắt Côn Minh - Hà Khẩu của Trung Quốc.

Toàn tuyến dài 296 km trong đó khoảng 111 km là những đoạn cong. Tình trạng kỹ thuật hiện tại lạc hậu, nhiều đoạn đường sắt xuống cấp. Đội đầu tàu phục vụ tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai được đánh giá là hiện đại chỉ sau tuyến Bắc - Nam, nhưng tình trạng đường sắt kém khiến cho các đầu tàu không được khai thác hết công suất. Trước thực trạng đó, đầu năm 2008, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai trong thời kỳ 5 năm (2008 - 2012). Dự án tập trung nâng cấp, cải tạo 71 cầu yếu, nhà ga, bãi hàng ở các ga; gia cố nền đường và các điểm sụt trượt xung yếu trên tuyến; mở thêm ga mới.

Mặc dù dự án cải tạo đã nâng cấp và hiện đại hóa một phần hệ thống đường sắt phía Tây hiện nay nhưng để đáp ứng nhu cầu thực tiễn vẫn cần phải đầu tư nâng cấp một cách đồng bộ và hiệu quả hơn nữa.

Điểm chờ tại ga Hà Nội (Ảnh: HNV)

Và, theo chân cán bộ Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội, chúng tôi càng thấm thía hơn những trải nghiệm với đường sắt Việt Nam, nhất là với chuyến tàu phía Tây.

Anh Nguyễn Ngọc Tâm, lái chính tàu SP3 chia sẻ, những năm trước, lượng tàu trên chuyến này nhiều hơn so với hiện tại. Trước để mua được vé tàu cũng không đơn giản, giờ thì muốn đi, ra ga có vé ngay. Xưa, người ta cần đường sắt và bây giờ ngược lại, người ta cảm thấy phương tiện nào thuận lợi thì dùng. Đồng quan điểm này, tàu trưởng SP4 Trần Hữu Xuyên cũng đề xuất, chất lượng phục vụ trên tàu đang không ngừng được cải thiện, nhưng đầu tư nâng cấp hiện đại hóa tàu, đường ga cũng như nâng cao đời sống cho nhân viên trên tàu vẫn là những nội dung mà ngành đường sắt nói riêng và chính phủ cần chú trọng, đầu tư. “Đường sắt không đơn giản chỉ là phương tiện giao thông, nó còn gắn với an ninh quốc phòng và an ninh quốc gia nữa” – anh Xuyên chia sẻ.

Ghi chép của Hà - Lan
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực