Nông sản xuất khẩu tự tin với Global GAP

Thứ hai, 07/06/2010 14:20
Từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng nông thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn Global GAP (sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế), vững bước trên đại lộ toàn cầu.

 
 Chăm sóc vú sữa Lò rèn theo tiêu chuẩn Global GAP
phải tuân thủ 250 tiêu chí bắt buộc
Trọng tâm của tiêu chuẩn Global GAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) là an toàn thực phẩm và truy nguyên nguồn gốc thực phẩm. Tiêu chuẩn này cũng đề cập đến an toàn sức khoẻ của người sản xuất cũng như người tiêu dùng nông, thuỷ sản, sự quan tâm về phúc lợi cho người lao động tạo ra nông thuỷ sản và việc bảo vệ môi trường.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa, cây trái và tôm cá của cả nước, có tiềm năng xuất khẩu nông thủy sản rất lớn.

Từ năm 2005, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đã đề xuất với các tỉnh có điều kiện phát triển mạnh trái cây như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ… nâng cấp cơ sở hạ tầng, quy hoạch vùng sản xuất, mở rộng mô hình kiểu mẫu từng loại cây ăn trái, đẩy mạnh hợp tác, xúc tiến thương mại trong ngoài nước, xây dựng, quảng bá thương hiệu...

Sau vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, Tiền Giang), đến lượt bưởi Năm roi vừa được Công ty Cafe Control Việt Nam (Chi nhánh Công ty Giám định cà phê và hàng hóa nông sản xuất nhập khẩu - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP cho sản phẩm trái và nhà sơ chế đóng gói là Công ty TNHH The Fruit Republic (xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, Tiền Giang).

Công ty TNHH The Fruit Republic đã xây dựng được vùng bưởi nguyên liệu khoảng 200ha tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có 18ha bưởi Năm roi vừa đạt tiêu chuẩn Global GAP (xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, Vĩnh Long).

Dự kiến đến cuối năm 2011, Công ty này sẽ mở rộng thêm khoảng 100ha bưởi Năm roi đạt tiêu chuẩn Global GAP nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Hiện trung bình mỗi tháng công ty xuất khẩu khoảng 150 tấn bưởi năm roi và đưa vào hệ thống siêu thị Metro khoảng 200-300 tấn.

Tại tỉnh Tiền Giang, ông Bùi Thanh Liêm, trưởng Phòng NNPTNT huyện Chợ Lách, cho biết trang trại trồng chôm chôm của ông Võ Văn Hớn ở xã Phú Phụng vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP. Vụ này ông Hớn thu hoạch được 150 tấn chôm chôm xuất khẩu.

Ngoài ra, Dự án trồng 100 ha thanh long theo tiêu chuẩn Global GAP đã được tỉnh Tiền Giang triển khai tại hai xã Quơn Long và Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, nhằm nâng cao số lượng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Tỉnh phấn đấu phát triển diện tích thanh long lên 4.600 - 5.500 ha vào năm 2015.

 
 Bưởi năm roi được cấp giấy chứng nhận Global GAP

Tương tự, Tổ chức IMO (The Institute for Marketology - Thụy Sĩ) vừa cấp giấy chứng nhận trang trại trồng nhãn xuồng cơm vàng Kỷ Việt ở xã Tân Hiệp, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước đạt tiêu chuẩn Global GAP.

Đây là trang trại nhãn thứ hai ở phía Nam được IMO cấp chứng nhận Global GAP. Trước đó là trang trại nhãn tiêu Huế của Công ty Ngọc Ngân trồng tại cồn Đồng Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Ở ĐBSCL, Công ty Cổ phần thủy hải sản Minh Phú (MPC) là công ty thủy sản đầu tiên của nước ta được công nhận tiêu chuẩn Global Gap. Lễ đón nhận chứng chỉ Global GAP do Intertek cấp diễn ra ngày 13/3/2010.

Global Gap là tiêu chuẩn đòi hỏi cao nhất hiện nay được áp dụng cho lĩnh vực nuôi thủy sản, với yêu cầu kiểm soát chuỗi khép kín từ con giống, nuôi trồng và chế biến đáp ứng được các tiêu chí chính về: An toàn thực phẩm, Bảo vệ môi trường - bảo tồn sinh học, Chuẩn mực đạo đức - An sinh xã hội, Truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

MPC cho biết, sự kiện vùng nuôi của công ty đạt được chứng nhận Global Gap sẽ là cơ hội tốt cho công ty trong năm nay và sắp tới,  tạo điều kiện cho sản phẩm của công ty đáp ứng tất cả những đòi hỏi khắc khe nhất của khách hàng và đặc biệt với chứng nhận Global Gap, Minh Phú đã có tờ giấy thông hành để bán sản phẩm của mình vào các hệ thống siêu thị lớn ở châu Âu.

Tiếp đó, ngày 8/4/2010, tại An Giang, tập đoàn Control Union Word Group đã trao giấy chứng nhận Global GAP cho vùng nuôi cá tra 30 ha của Cty CP NTACO. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Cty CP NTACO cho biết: Tổng sản lượng của vùng nuôi cá tra Global GAP sẽ cho sản lượng khoảng 10.000 - 12.000 tấn/năm.

Các sản phẩm cá tra ở vùng nuôi theo tiêu chuẩn Global GAP sẽ làm cho giá trị thương phẩm của công ty tăng thêm 15%, đồng thời mở rộng cánh cửa cho NTACO Corp thâm nhập dễ dàng và vượt qua các hàng rào kỹ thuật của những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…

Còn tại Cần Thơ, bà Lê Ngọc Diện, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ cho biết, việc bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm từ vùng nuôi đến bàn ăn đã thực hiện từ năm 2003, thông qua dự án nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm thủy sản.

Bên cạnh hơn 70 ha nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn SQF 1.000 (Tiêu chuẩn do Viện Tiếp thị Thực phẩm Hoa Kỳ làm chủ sở hữu và điều hành, đáp ứng được các tiêu chí an toàn thực phẩm nghiêm ngặt của Hoa Kỳ), Chi cục đã nhân rộng mô hình thêm được 20 ha nuôi cá theo tiêu chuẩn Global GAP. Chi cục đang tiếp tục hỗ trợ nông dân mở rộng thêm diện tích vì đã đến lúc mô hình an toàn từ ao nuôi đến bàn ăn phải được đặt lên hàng đầu./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực