Tỉnh Quảng Bình có 159 xã, phường thị trấn, thuộc 6 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố, dân số 905.218 khẩu, 236.285 hộ, có 34.083 hộ nghèo, chiếm 14,4%, 29.859 hộ cận nghèo, chiếm 12,6%. Vùng dân tộc và miền núi tỉnh Quảng Bình có 64 xã, thị trấn, gồm 28 xã vùng cao, 36 xã, thị trấn miền núi; có 1 huyện vùng cao, 1 huyện miền núi, 5 huyện, thị xã có miền núi với diện tích tự nhiên 6.649 km2, chiếm trên 3/4 diện tích tự nhiên của tỉnh, trong đó có 44 xã đặc biệt khó khăn; 27 thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc 11 xã, thị trấn khu vực I và khu vực II được thụ hưởng Chương trình 135. Dân số vùng miền núi có 72.510 hộ với 288.396 khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 5.595 hộ 23.036 khẩu, chủ yếu là các dân tộc: Bru-Vân kiều, Chứt. Ngoài ra còn có 155 hộ 729 khẩu thuộc thành phần các dân tộc thiểu số khác như: Thái, Mường, Thổ, Tày, Nùng , Pa cô, Ca rai… . Tổng số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số là 4.302 hộ, chiếm 76,89% hộ đồng bào dân tộc thiểu số; số hộ cận nghèo là 493 hộ, chiếm 8,81% hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Bình
được Chương trình 135 hỗ trợ vốn phát triển chăn nuôi (ảnh: baoquangbinh.vn)
Trong năm 2016, UBND tỉnh đã phân bổ nguồn vốn từ Chương trình 135 gồm 6 tỷ đồng cho các huyện, xã đặc biệt khó khăn để triển khai thực hiện, cụ thể:
Xây dựng cơ sở hạ tầng là 43,7 tỷ đồng bố trí cho 94 công trình. Trong đó, có 36 công trình khởi công mới, tổng kinh phí đầu tư là 12,43 tỷ đồng; 13 công trình hoàn thành chuyển tiếp, tổng kinh phí đầu tư là 7,35 tỷ đồng; có 37 công trình đã hoàn thành, kinh phí 18,1 tỷ đồng; có 8 công trình chuẩn bị đầu tư, kinh phí 910 triệu đồng.
Về hỗ trợ, phát triển sản xuất, tổng kinh phí hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn và thôn, bản đặc biệt khó khăn năm qua là 12,9 tỷ đồng, tập trung chủ yếu cho các nội dung như hỗ trợ khuyến nông, khuyến lâm; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất; mua sắm thiết bị máy móc, công cụ sản xuất, chế biến sản phẩm. Cụ thể, kinh phí hỗ trợ giống cây trồng là 3,73 tỷ đồng, kinh phí hỗ trợ giống vật nuôi là 2,92 tỷ đồng, hỗ trợ vật tư phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật là 2,1 tỷ đồng. Hỗ trợ xây dựng 21 mô hình chăn nuôi bò lai sinh sản với kinh phí 3,71 tỷ đồng cho 366 hộ hưởng lợi. Bên cạnh đó, kinh phí cho duy tu bảo dưỡng là 2,15 tỷ đồng. UBND các huyện đã bố trí duy tu bão dưỡng cho 63 công trình, đạt 100% kế hoạch.
UBND tỉnh cũng chi 600 triệu đồng để nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng, Ban Dân tộc đã triển khai tập huấn được 19 lớp với khoảng 1.300 lượt người tham gia (01 lớp ở tỉnh, 06 lớp ở huyện, 12 lớp ở xã) hiện nay cơ bản các lớp đã được triển khai thực hiện với kinh phí giải ngân đạt trên 95% so với kế hoạch.
Thông qua nguồn vốn hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, cũng như duy tu bảo dưỡng các công trình phục vụ sinh hoạt … từ đó góp phần nâng cao năng suất và sản lượng, đời sống của đồng bào đã được cải thiện đáng kể. Đến nay, có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã đi lại được 4 mùa; tỷ lệ xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã và các nguồn điện khác chiếm 94,3% với tỷ lệ hộ dùng điện sinh hoạt đạt 84%; trên 87% số học sinh trung học cơ sở trong độ tuổi đến trường.
Có được kết quả trên là do Chương trình 135 tại tỉnh Quảng Bình được thực hiện theo nguyên tắc công khai, dân chủ, phát huy tốt vai trò của chính quyền cơ sở và thu hút sự quan tâm của các tổ chức, đoàn thể cũng như của người dân. Các hợp phần của Chương trình được thiết kế tương đối phù hợp với nhu cầu thực tế; xây dựng cơ sở hạ tầng đi đôi với hỗ trợ phát triển sản xuất; nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng... Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư hợp lý, thực hiện lồng ghép, huy động nguồn lực nhằm thực hiện đồng bộ các nội dung của Chương trình 135 như: Nghị quyết 30a, Chương trình nước sạch, kiên cố hoá kênh mương, kiên cố hoá trường học… Qua việc thực hiện lồng ghép, bình quân hàng năm mỗi xã đặc biệt khó khăn được đầu tư, hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn đầu tư lồng ghép của các chương trình, dự án mà cơ sở hạ tầng ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn đã được cải thiện rõ nét. Đồng thời, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân và là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Chương trình 135 tại Quảng Bình cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, năm 2016 kinh phí Trung ương bố trí cho dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất, duy tu bảo dưỡng mới được 90%, trong đó chưa bố trí nguồn vốn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở, vì vậy ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện ở cơ sở. Trong khi đó việc huy động sự đóng góp của nhân dân còn quá ít, sự tham gia đóng góp của người dân trên địa bàn hưởng lợi rất thấp, nhiều địa phương không huy động được ngày công nào, mặc dù có nhiều công việc người lao động bình thường có thể tham gia như: đào đất đá, vận chuyển vật liệu... Chưa có công trình nào xã đứng ra tổ chức cho dân làm, thậm chí ngay cả khi xã làm chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, việc phân bổ vốn cho các xã, thôn bản đặc biệt trong thời gian đầu còn mang tính bình quân, chia đều, chưa thực sự ưu tiên bố trí vốn ở mức cao hơn cho các xã khó khăn hơn. Công tác quản lý nguồn vốn đầu tư còn nhiều hạn chế, khó đánh giá được hiệu quả của nguồn vốn. Đặc biệt, địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa nhiều công trình nhỏ, phân tán, đường sá đi lại khó khăn, trong khi đội ngũ cán bộ tham gia quản lý dự án, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng cơ bản còn thiếu, chưa được đào tạo kỹ về chuyên môn, kỹ thuật.
Từ những vướng mắc trên, UBND tỉnh sẽ phối hợp với cấp huyện, xã; có cơ chế khuyến khích, lồng ghép Chương trình 135 với các chương trình khác ở địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, tiếp cận các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao và nhân rộng trên địa phương, đưa giống tốt, năng suất cao vào sản xuất… Chú trọng đào tạo nâng cao năng lực sao cho phù hợp với đối tượng để góp phần giúp đồng bào thoát nghèo nhanh và bền vững./.