Cách làm mới ở nhà trường và cộng đồng nhằm thúc đẩy bình đẳng giới

Thứ sáu, 17/11/2023 16:44
(ĐCSVN) - Mô hình Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” được thành lập trong trường học hoặc cộng đồng với kỳ vọng sẽ tạo ra một cách làm mới trong lĩnh vực bình đẳng giới. Đó là sự tiếp cận tổng thể, lấy trẻ em làm trung tâm cũng như phát huy năng lực trẻ em và giáo viên, cán bộ, cộng đồng trong công tác bình đẳng giới.

Câu lạc bộ (CLB) "Thủ lĩnh của sự thay đổi" là một trong 4 mô hình cơ bản của Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

CLB có thể thành lập ở cộng đồng hoặc trong trường học. Ở cộng đồng, có thể thành lập cấp thôn/bản/ấp/buôn do Hội LHPN xã ra quyết định thành lập.

Ở trường học, CLB do nhà trường thành lập, Ban giám hiệu nhà trường ra quyết định thành lập.

Học sinh Trường THCS Tén Tằn, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá 

Mục đích hoạt động CLB là trang bị cho trẻ em những kiến thức, kỹ năng liên quan đến bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em. Qua đó tạo sự thay đổi tích cực về thái độ, nhận thức và hành vi ứng xử trong việc ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, các vấn đề về sức khoẻ sinh sản và kết hôn trẻ em. Trẻ em được tạo điều kiện để trải nghiệm và phát huy các sở trường của mình và tham gia các hoạt động của CLB tại trường học, tại thôn/bản/ấp/buôn và tại xã.

Tạo dựng được mạng lưới có sự hỗ trợ để các bạn trẻ tiên phong trong việc xây dựng cộng đồng an toàn và không bạo lực giới. Thông qua hoạt động của CLB giúp nâng cao nhận thức, thái độ và hành vi của trẻ em, giáo viên, cha mẹ, người dân tại cộng đồng và cán bộ địa phương trong thực thi quyền và bổn phận của trẻ em, bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực, xâm hại, bóc lột, buôn bán, bắt cóc và tảo hôn; xây dựng môi trường không phân biệt đối xử về giới ở trường học, từ đó lan tỏa ra cộng đồng, góp phần tạo môi trường xã hội bình đẳng, xóa bỏ bạo lực với trẻ em và phụ nữ, tiến tới chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Lấy trẻ em làm trung tâm

Trẻ em nam và nữ được lấy làm trung tâm trong tất cả các can thiệp của mô hình CLB, xuất phát từ mục tiêu trẻ em được bảo vệ an toàn trước bạo lực trên cơ sở giới cho cả nữ và nam.

Sự tham gia tích cực và chủ động của trẻ em sẽ được thúc đẩy từ các thành viên CLB, hỗ trợ các em đưa ra các sáng kiến truyền thông, huy động sự tham gia của các bạn vào các hoạt động trong trường và ngoài trường liên quan đến bình đẳng giới.

CLB trang bị kiến thức, kỹ năng giúp trẻ em tự bảo vệ mình và giải quyết được những vấn đề liên quan đến bản thân. Thúc đẩy sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ, thu hút trẻ em tiên phong thay đổi bản thân mình, lên tiếng và truyền thông về quyền và bổn phận của trẻ.

Các bạn được rèn luyện kĩ năng, chủ động, tự tin, tích cực hỗ trợ bạn bè, phê phán hiện tượng sai trái trong hoạt động học tập, rèn luyện ở trong và ngoài nhà trường liên quan đến các vấn đề bình đẳng giới.

Khi vận hành CLB, trẻ chủ động, sáng tạo trong truyền thông về bình đẳng giới, phòng chống và ứng phó với các hành vi bạo lực giới trong nhà trường. Số vụ việc mâu thuẫn, xung đột, bạo lực, có vướng mắc về tâm lí sẽ được báo cáo nhiều hơn và được giải quyết kịp thời hơn, từ đó tăng hiệu quả công tác phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

Trẻ em còn trở thành cầu nối giữa các thành viên nhà trường, giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và các tổ chức đoàn thể có liên quan trong cộng đồng để thúc đẩy bình đẳng giới và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Nâng cao năng lực, tạo sự chủ động thay đổi từ giáo viên và cán bộ địa phương.

Cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ đoàn thể và đặc biệt là giáo viên là dẫn trình viên (DTV) của trường học hoặc cán bộ Hội Phụ nữ (HPN) là DTV ở cộng đồng sẽ được nâng cao nhận thức và kiến thức về bình đẳng giới, phòng chống ứng phó với bạo lực giới trong trường học, ngoài cộng đồng thông qua các hoạt động đào tạo hằng năm.

Các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua các buổi sinh hoạt của CLB giúp giáo viên, cộng đồng áp dụng kiến thức được cung cấp vào công việc hằng ngày và giúp họ thực hiện vai trò gương mẫu trong thực hiện xây dựng trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng để học sinh noi theo.

Hỗ trợ thầy, cô giáo thực hiện tốt chương trình giáo dục đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới và phòng ngừa các vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em trong trường học…

Thúc đẩy và gắn chặt mối quan hệ Gia đình - Nhà trường và Xã hội.

Hoạt động của mô hình CLB huy động được sự tham gia của các bậc cha mẹ thông qua các hoạt động tham vấn, tổ chức các hoạt động CLB cho học sinh, hoạt động họp cha mẹ học sinh.

Thông qua việc nâng cao nhận thức, cung cấp kỹ năng cho các bậc cha mẹ và chia sẻ những quan tâm, khó khăn của học sinh đến với các bậc cha mẹ, các đơn vị nhà trường sẽ tạo được sự tin tưởng và ủng hộ của cha mẹ học sinh cả về tinh thần và vật chất từ giai đoạn đầu tiên và đảm bảo việc đóng góp để duy trì các hoạt động của mô hình khi thời gian thí điểm kết thúc.

Hỗ trợ cho cha mẹ thực hiện tốt chăm sóc, nuôi dạy trẻ, xây dựng môi trường an toàn cho trẻ tại gia đình, đảm bảo sự bình đẳng giữa con trai và con gái, bảo vệ trẻ em và có định hướng nghề nghiệp phù hợp cho các con.

Hiệu quả bước đầu

Khi thực hiện mô hình, trẻ em là người hưởng lợi chính, đồng thời cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh cũng là người được hưởng lợi vì có thêm nhận thức mới và từ đó có hành vi ứng xử phù hợp trong công việc và cuộc sống của mình.

Việc xây dựng và vận hành CLB giúp các em gái học được các kiến thức, thái độ và kỹ năng dựa trên kinh nghiệm sống của chính các em để tự tin, làm chủ ước mơ và cuộc sống.

Các em trai sẽ đi qua hành trình của sự phát triển bản thân, vượt qua các định kiến giới áp đặt lên vai trò của nam giới, thách thức những định kiến giới và những nguyên nhân cốt lõi của kì thị giới.

Và trên hết, tất cả các em gái, em trai - “Thủ lĩnh của sự thay đổi” sẽ trở thành các thủ lĩnh thúc đẩy bình đẳng giới trong trường học và cộng đồng của mình.

Ra mắt Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Nấm Lư, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai (Ảnh: CTV) 

Hiện nay, Trung ương Hội LHPN Việt Nam trực tiếp chỉ đạo điểm tại 2 xã thuộc 2 tỉnh Lào Cai và Sóc Trăng. Tại tỉnh Lào Cai, lựa chọn xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà làm mô hình điểm. Tại tỉnh Sóc Trăng, lựa chọn xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề làm mô hình điểm.

Thầy giáo Phạm Hữu Trượng, Tổng phụ trách Đội Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lùng Phình, huyện Bắc Hà cho biết, sau khi được tỉnh lựa chọn triển khai điểm CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, đã có 30 học sinh khối lớp 6 đến lớp 9 viết đơn tình nguyện tham gia, trong đó có 17 học sinh nữ, 13 học sinh nam.

Mặc dù mới thành lập từ cuối tháng 11 năm ngoái, nhưng tham gia CLB, các em được học các kỹ năng để thay đổi và hoàn thiện bản thân, từ đó mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, phát huy tính sáng tạo trong các hoạt động tập thể. Các thành viên CLB còn có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, nắm tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của học sinh và là những tuyên truyền viên đắc lực của nhà trường.

Còn tại trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tả Giàng Phình, thị xã Sa Pa, các thành viên của CLB có vai trò rất quan trọng trong công tác tuyên truyền giúp học sinh nâng cao nhận thức về hậu quả của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.

Vào giờ ra chơi, thành viên CLB đọc các nội dung tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết, bình đẳng giới… trên loa truyền thanh của trường bằng tiếng Kinh và tiếng Mông.

Em Hạng Thị Tuyết Mây, thành viên CLB cho biết, một bộ phận đồng bào Mông vẫn duy trì tập tục tảo hôn. Do đó, ưu tiên của CLB là tuyên truyền cho người thân và bạn bè chấp hành tốt Luật Hôn nhân và Gia đình, đặc biệt là chống tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.

Gần đây, các thành viên CLB phối hợp với giáo viên nhà trường tới tận nhà vận động một bạn học sinh lớp 9 có nguy cơ tảo hôn thay đổi ý định. Nhờ can thiệp kịp thời, bạn ấy đã đi học trở lại - Mây cho biết thêm.

Bà Nguyễn Thị Diện - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng cho rằng, mô hình này còn là một sân chơi, một diễn đàn thực sự bổ ích dành cho trẻ em xã điểm và các địa phương lân cận trên địa bàn tỉnh có thêm nơi sinh hoạt giao lưu, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí phù hợp ngoài các buổi học chính khóa tại trường.

Bên cạnh đó, giúp các em biết lên tiếng tự bảo vệ bản thân, tự tin, bản lĩnh để thay đổi trong cách nghĩ, cách học, cách làm trong cuộc sống; dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu không còn phù hợp trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương./.

Mạnh Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực