Để đưa cây Sâm Lai Châu phát triển vươn xa

Thứ tư, 28/12/2022 13:08
(ĐCSVN) - Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư, phát triển cây Sâm Lai Châu dưới tán rừng. Đây chính là cơ hội giúp bà con nhân dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu…

Tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển Sâm Lai Châu

Lai Châu đang bảo tồn được nhiều loài dược liệu tự nhiên phong phú, quý hiếm có tác dụng chữa bệnh và tăng cường sức khỏe cho người như: Thất diệp Nhất chi hoa (cây bảy lá một hoa), Sâm Lai Châu, Lan Kim tuyến, Thảo quả, Tam thất hoang... Đây chính là tiềm năng, lợi thế rất lớn để Lai Châu phát triển kinh tế bằng cây dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là cây Sâm Lai Châu với giá trị kinh tế rất cao.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng cây giống sâm Lai Châu cho các hộ gia đình tích cực trồng sâm của Lai Châu với mong muốn thúc đẩy mở rộng vùng trồng và vận động người dân tích cực tham gia trồng sâm Lai Châu - Ảnh: Thùy Anh 

Lai Châu có tổng diện tích rừng hiện có là 481.261 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên 447.005 ha, tỷ lệ che phủ trên 50% diện tích đất tự nhiên là đất rừng và đất lâm nghiệp. Rừng Lai Châu thuộc loại rừng nhiệt đới, có nhiều rừng già, nguyên sinh với quần thể thực vật phong phú, đa dạng. Cùng với tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,4% và có trên 70% dân số có cuộc sống liên quan đến rừng. Đây chính là tiềm năng, lợi thế rất lớn để tỉnh phát triển kinh tế dưới tán rừng, phát triển dược liệu, đặc biệt là cây sâm Lai Châu. Đây là loại dược liệu quý hiếm được đưa vào Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam (2007) với tất cả bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh.

Các quần thể Sâm Lai Châu được phát hiện chủ yếu tại các vùng rừng núi cao, nhiều sương mù, ít người qua lại, ưa ẩm và chịu bóng, khí hậu mát quanh năm và lạnh về mùa đông, mọc rải rác trên đất có nhiều mùn, dưới tán rừng kín thường xanh, độ tàn che từ 0,6 - 0,8, độ cao tuyệt đối từ 1.400 - 2.300 m, thường gặp ở độ cao từ 1.600 - 1.900 m.

Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, sâm Lai Châu có hàm lượng Saponin tổng số rất cao lên tới 21,34%. Đặc biệt, sâm Lai Châu có Majonosid là hoạt chất có khả năng kháng virus gây ung thư, chiếm hàm lượng cao tới 7,78%; hợp chất silphioside E là hợp chất lần đầu tiên công bố phân lập từ các loài thuộc chi Panax L, đây là hợp chất chỉ có ở sâm Lai Châu, có tác dụng chống đông máu.

Qua rà soát, đánh giá, Lai Châu xác định có hơn 38.000 ha có khả năng phát triển tốt sâm Lai Châu. Hiện nay, Lai Châu đã bảo tồn, nhân giống và phát triển được trên 100ha sâm tại các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường. Nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, cá nhân đầu tư trồng sâm bước đầu hình thành chuỗi giá trị phát triển dược liệu và bảo tồn nguồn gen dược liệu quý hiếm theo quy trình, tiêu chuẩn; kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Đáng chú ý, ở trên dãy núi Pu Si Lung cao hơn 3.000m so với mực nước biển, thời tiết mát mẻ quanh năm, ở đây đang có vườn sâm Lai Châu quý hiếm với 4.800 gốc sâm bố mẹ, tuổi đời ít nhất cũng 30 năm. Mỗi cây giống có giá từ 100-300 triệu đồng/kg. Nếu được chăm sóc tốt, cây cho thu hạt rồi đem hạt đi nhân giống sẽ giúp mở rộng diện tích.

Hiện tại Lai Châu, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đã cùng bảo tồn và dần hình thành được các vùng nguyên liệu sâm tại các huyện Tam Đường, Phong Thổ, Mường Tè, Sìn Hồ.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030: Giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 được phê duyệt theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định tại Nội dung 2 thuộc Tiểu dự án 2 (Dự án 3) là đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý. Mục tiêu là bước đầu hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý; hình thành ý thức nuôi trồng dược liệu theo chuỗi giá trị và bảo tồn nguồn gen dược liệu đảm bảo các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng; kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cây sâm trở phát triển vươn xa

Trên cơ sở tận dụng khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhất là tiềm năng phát triển kinh tế dưới tán rừng, HĐND tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 38/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 thông qua Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh để định hướng và hỗ trợ phát triển.

Theo đó, tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ giống các loại cây dược liệu quý, hiếm; hỗ trợ bảo tồn, hoàn thiện quy trình sản xuất nhân giống; hỗ trợ phát triển trồng dược liệu hàng hóa, chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hạ tầng phục vụ liên kết, chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới; hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết...

 Ông Ly A Xà, một trong những già làng của bản Sín Chải C, xã Pa Vệ Sủ (huyện Mường Tè) chăm sóc cây sâm Lai Châu tại vườn của gia đình. Ảnh: Quý Trung

Đáng chú ý, để đưa sâm Lai Châu trở thành một trong những cây dược liệu chủ lực, tỉnh đã triển khai các dự án, đề tài nghiên cứu về sâm Lai Châu; tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị liên quan đến trồng và mở rộng diện tích dược liệu; giúp cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có thêm thông tin về cây Sâm Lai Châu nói riêng và cây dược liệu nói chung. Mới đây nhất, Lai Châu đã tổ chức Hội chợ Sâm Lai Châu 2022 với chủ đề “Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa”.

Cùng với việc hỗ trợ phát triển, Lai Châu đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình trồng, nhân giống Sâm Lai Châu nhằm bảo tồn và phát triển sản phẩm đặc hữu tại các huyện vùng cao của tỉnh Lai Châu”, qua dự án đã tuyển chọn 1.185 cây mẹ và trồng 1.009 cây mô hình. Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng và đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho hai loài dược liệu quý hiếm (Sâm Lai Châu, Bảy lá một hoa) của tỉnh Lai Châu”, thông qua Dự án đã tuyển chọn 500 cây mẹ và trồng 5.000 cây mô hình. Lai Châu đã nghiên cứu bảo tồn và phát triển các loài Sâm Lai Châu, Tam thất hoang ở huyện Mường Tè”, kết quả tuyển chọn được 1.000 cây mẹ Sâm Lai Châu và trồng 15.000 cây mô hình.

Theo đánh giá, giá trị kinh tế trên thị trường của Sâm Lai Châu là rất cao. Giá thu mua 01 kg sâm tươi giá trung bình 20 triệu đồng/kg, 01 kg sâm tươi 10 tuổi giá khoảng 50 triệu đồng, những lúc khan hiếm có thể lên tới 60-70 triệu đồng/kg.

Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư, phát triển cây Sâm Lai Châu dưới tán rừng. Đây chính là cơ hội giúp bà con vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu…

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển cây Sâm Lai Châu trong thời gian tới, Lai Châu cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đưa cây sâm trở thành chủ lực của các loại cây dược liệu. Trong đó, cần chủ động kết nối, mở rộng, đồng hành, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc trồng và tiêu thụ sản phẩm, tìm đầu ra và xây dựng các sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng trong nước cũng như ở nước ngoài.

Đồng thời, chủ động kết nối các hình thức liên kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp với nông dân, trong đó nhà khoa học sẽ cung cấp các luận cứ khoa học, công nghệ chế biến, bao tiêu sản phẩm và người dân tổ chức sản xuất, cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp và người dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải cho rằng,  Sâm Lai Châu phát triển đồng nghĩa với kinh tế - xã hội phát triển, nhiều người dân sẽ thoát nghèo và làm giàu từ cây Sâm Lai Châu bản địa. Vì vậy, các doanh nghiệp trong và ngoài nước sớm cùng người dân bản địa liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành những tổ chức kinh doanh có năng lực; chế biến thành các sản phẩm tiêu dùng, bảo vệ nhãn hiệu chứng nhận độc quyền cho Sâm Lai Châu; tăng cường quảng bá để không ngừng nâng cao vị thế, giá trị của Sâm Lai Châu.

Tại Hội chợ sâm Lai Châu 2022 với chủ đề “Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa” vừa được tổ chức ngày 11/11 vừa qua, dự và phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, các cơ quan chức năng cần sớm hành động một cách nghiêm túc, bài bản, không để cho từng địa phương như Lai Châu, Kon Tum, Quảng Nam hay một số địa phương khác hoạt động manh mún hoặc “tự bơi” trong triển khai chiến lược mà cần sự hỗ trợ mạnh mẽ, tổng thể, toàn diện hơn từ Chính phủ và các Bộ ngành, trong đó có vai trò quan trọng của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông trong việc bảo tồn và quy hoạch phát triển cây sâm.

Chủ tịch nước cho rằng, điều cần thiết trước hết là bảo vệ nguồn gen thuần chủng cây sâm Lai Châu; khẩn trương hoàn thiện quy định về cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển dược liệu làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện. Cùng với đó là kêu gọi các doanh nghiệp trong nước có tâm huyết, tầm nhìn và tiềm lực tham gia vào sứ mệnh phát triển sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh; qua đó giúp người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc có thu nhập tốt hơn, xóa đói giảm nghèo nhanh hơn.

Bách Niên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực