|
Ảnh minh họa (Nguồn: VA) |
Ngày mai (1/6), Tháng hành động Vì trẻ em với chủ đề: “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em” chính thức bắt đầu.
Ngay trước tháng hành động năm nay, Quốc hội đã dành trọn một ngày (27/5) để thảo luận trực tuyến Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát tối cao về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, một chủ đề giám sát có tính chuyên môn sâu và hoàn toàn không dễ dàng để thu thập đầy đủ thông tin, số liệu.
Một video clip gần 30 phút phản ánh về tình hình xâm hại trẻ em cũng đã được trình chiếu ngay tại phiên họp này. Phiên họp quan trọng này được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
Nhiều điểm sáng và chuyển biến tích cực đã được Đoàn giám sát ghi nhận trong báo cáo này. Trong đó, phải kể đến một số việc như: tất cả trẻ em dưới 06 tuổi được Nhà nước cấp bảo hiểm y tế miễn phí; gần 100% trẻ em dưới 01 tuổi được tham gia tiêm chủng mở rộng; gần 100% trẻ em 5 tuổi được đi học mẫu giáo; Nhà nước không thu học phí đối với học sinh học tiểu học; khoảng 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chính sách trợ giúp xã hội…
Có điều, số vụ việc trẻ em bị xâm hại vẫn luôn là nỗi đau nhức nhối của toàn xã hội. Đoàn giám sát dẫn báo cáo của Chính phủ, từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính: 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Ngoài ra, còn số lượng khá lớn trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động, trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc và trẻ em tảo hôn.
Con số trên được nhìn nhận là chưa đầy đủ, chưa phản ánh hết thực tế. Bởi nhiều nạn nhân không thể phản kháng, chọn cách im lặng vì lo sợ hoặc ngại tố cáo. Dù chỉ mới là “phần chìm của tảng băng nổi” nhưng con số trên đã cho thấy mảng tối của công tác phòng chống, xâm hại trẻ em là đáng báo động.
Nhói lòng hơn nữa, trẻ em bị xâm phạm trong môi trường được xem là những nơi an toàn nhất- nhà trường và gia đình. Thời gian qua, đã có nhiều vụ việc xâm hại trẻ em mà thủ phạm lại chính là người thân thích, người thầy của trẻ.
Hành vi xâm hại trẻ em dù bất kỳ hình thức nào cũng đều để lại hậu quả nặng nề, nghiêm trọng, lâu dài về thể chất, tinh thần đối với trẻ em và gia đình của các em. Vậy, khắc phục những tồn tại, hạn chế trên bằng cách nào và ai sẽ làm?
Thực tế, để bảo vệ trẻ em, hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ. Ngay trong giai đoạn thực hiện giám sát, bên cạnh Luật Trẻ em đã có 18 Luật, 34 Nghị định, Chương trình, Đề án cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 32 văn bản của các bộ, ngành ban hành liên quan đến công tác trẻ em.
Hệ thống pháp luật đầy đủ nhưng theo đánh giá, tính răn đe chưa đủ mạnh. Vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em là cần thiết. “Xây dựng chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em như xây một ngôi nhà an toàn”- đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) ví von khi thảo luận tại diễn đàn Quốc hội.
Ngoài việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, quan trọng nhất vẫn là khâu tổ chức thực hiện! Để làm tốt khâu thực hiện thì điều quan trọng hàng đầu là nhận thức. Chính phủ phải xác định rõ hơn trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan và trách nhiệm của người đứng đầu.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung mới đây thẳng thắn chia sẻ: "Tôi nói thật, có đến 10 Bộ Lao động cũng không làm nổi nếu như người đứng đầu ở các địa phương, đơn vị không quan tâm đến vấn đề này. Ví dụ một đối tượng bảo vệ xâm hại 2-3 trẻ em ngay tại nhà trường, hay những vụ xâm hại trẻ em ở các cơ sở mầm non, bảo trợ xã hội nhưng trách nhiệm của người đứng đầu ở đó đến đâu thì chưa xử lý".
Đối với mỗi gia đình, đặc biệt là những bậc cha mẹ trước hết phải hiểu rõ về vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc phòng, chống xâm hại con, cháu của mình. Phải giáo dục, hướng dẫn cho con, cháu những kiến thức, những kỹ năng trong việc nhận diện, phòng, chống các hành vi xâm hại trẻ em. Đây có thể coi là nền tảng quan trọng, thiết thực với việc phòng, chống xâm hại trẻ em, đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Khi từng cá nhân và cả cộng đồng chung tay thay đổi nhận thức và hành động một cách mạnh mẽ hơn, chắc chắn sẽ hình thành “lá chắn” vững chắc hơn để bảo vệ những “mầm xanh” tương lai của đất nước!./.