|
Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại Quảng Ninh. (Ảnh: TA) |
Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành Kết luận số 40-KL/TW về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 – 2026.
Theo đó, Bộ Chính trị kết luận tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Giai đoạn 2021 - 2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Đối với các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị chưa thực hiện giảm đủ 10% biên chế giai đoạn 2016 - 2021 thì phải đồng thời vừa thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2022 - 2026, vừa phải tiếp tục thực hiện chỉ tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2016 - 2021. Những nơi thực hiện vượt chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2021 thì phần vượt được tính vào kết quả thực hiện giai đoạn 2022 - 2026.
Kết luận cũng nêu rõ: Biên chế được giao giai đoạn 2022 - 2026 không bao gồm lao động hợp đồng. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị tự quyết định việc sử dụng hợp đồng lao động và trả lương, phụ cấp cho lao động hợp đồng theo quy định từ ngân sách chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị.
Có thể thấy, chủ trương tinh giản biên chế đã được Đảng, Nhà nước đặt ra và thực hiện trong nhiều năm nay. Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2010 đã đặt ra chỉ tiêu giảm 15% biên chế hành chính vào năm 2005. Nhưng thực tế thì đến hết 2010, việc thực hiện tinh giản biên chế hành chính vẫn chủ yếu mới chỉ dừng lại ở chủ trương, còn trong thực tế thì có phần ngược lại, biên chế hành chính từ trung ương đến địa phương lại có xu hướng tăng lên.
Rồi đến Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 lại tiếp tục coi việc tinh giản biên chế hành chính như là một yêu cầu quan trọng, có tính ưu tiên, cần thiết phải tập trung thực hiện quyết liệt. Tuy nhiên, trong những năm đầu của giai đoạn này, sự quyết liệt vẫn chủ yếu được dừng lại ở chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp, cũng như ở sự hô hào, kêu gọi chung chung của các nhà lãnh đạo quản lý các cấp mà chưa thực sự đi vào cuộc sống của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi người đứng đầu.
Nhưng vào cuối giai đoạn, tình hình đã có những chuyển biến theo hướng tích cực, nhất là từ năm 2017. Và đến hết năm 2021, theo thống kê của Bộ Nội vụ, lần đầu tiên biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%. Như vậy, với một công việc khó, phức tạp đặt ra, đã tạo những bước đột phá quan trọng, giúp cho bộ máy giảm cồng kềnh và giảm gánh nặng cho ngân sách. Theo Bộ Tài chính, qua sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế giai đoạn 2017 - 2021 đã giảm chi ngân sách nhà nước được 25.000 tỷ đồng.
Kết quả này có được là do nhiều bộ ngành, địa phương đã thực hiện tinh gọn hàng nghìn đầu mối, giảm một loạt lãnh đạo cấp trưởng, cấp phó và tinh giản hàng nghìn biên chế. Rồi việc đẩy nhanh mô tả vị trí, việc làm cũng tạo ra những cách làm hay, tiến bộ, thúc đẩy việc tinh gọn bộ máy, loại bỏ được những người không phù hợp với vị trí việc làm…
Nhưng nhìn nhận một cách thẳng thắn, những kết quả đạt được vẫn còn khá khiêm tốn khi mà việc thực hiện tinh giản vừa qua ở không ít bộ, ngành, địa phương, đơn vị vẫn còn mang tính cơ học. Vẫn còn tình trạng chưa quyết liệt, ngại va chạm, né tránh nên việc xây dựng đề án, kế hoạch tinh giản biên chế thực hiện chậm, chưa góp ích nhiều trong tinh giản biên chế. Một số bộ, ngành, địa phương chỉ tập trung tinh giản biên chế mà không chú trọng cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo vị trí việc làm…. Thực trạng này dẫn đến, bộ máy tại nhiều đơn vị vẫn còn cồng kềnh, chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đã đề ra…
Do đó, việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026 tiếp tục được Bộ Chính trị đặt ra với những chỉ tiêu rất cụ thể, rõ ràng. Đi kèm với đó là nhiều giải pháp đã được xác định, trong đó cần ban hành được danh mục, khung năng lực của từng vị trí việc làm của từng cơ quan, tổ chức; hoàn thành danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị.
Điều này đã được đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh tại hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng ngày 14/7 là đến năm 2026 sẽ cố gắng chuyển thêm một bước là biên chế được quyết định hoàn toàn dựa trên vị trí việc làm, chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan. Việc tinh giản sẽ được thực hiện đồng thời với cơ cấu lại đội ngũ, vì nếu chỉ tinh giản mà không cơ cấu thì "chỉ giảm mà không mạnh, cũng là máy móc".
Vẫn biết rằng, tinh giản biên chế trong thực tế là việc làm rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm vì nó liên quan đến con người. Vì vậy, để thực sự tạo ra những “cú hích” trong thời gian tới mà không phải nặng về tính cơ học thì cần phải có sự quyết liệt vào cuộc đồng bộ và thực chất của người đứng đầu, của những tổ chức trong cơ quan, đơn vị. Và trong quá trình thực hiện đòi hỏi sự công tâm, trong sáng, minh bạch, vì cái chung nhưng phải khắc phục được tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm…
Với chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, chúng ta có quyền hy vọng tới đây số người “ăn lương nhà nước” sẽ giảm, số người “sáng cắp ô đi, tối cắp về” sẽ dần không còn và bộ máy hành chính sẽ phát huy hiệu quả cao hơn, phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của đất nước./.