Đến nay, Việt Nam chúng ta dù đã cơ bản đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19 nhưng khả năng dịch bệnh xâm nhập từ nước ngoài vào là rất lớn. Vì trên thực tế, diễn biến của dịch đang hết sức phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng, bùng phát trở lại. Hiện nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia trong khu vực Châu Á gần và có biên giới với Việt Nam như Campuchia, Lào, Thái Lan, Ấn Độ... đang “căng mình” chống chọi với dịch bệnh.
Đáng chú ý, trước tình hình kiểm soát dịch bệnh trong thời gian qua, ở một số địa phương, bộ, ngành đã có biểu hiện lơ là, chủ quan, không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo và khuyến cáo của các cơ quan chức năng.
|
Số người đến với Đền Hùng dịp 10/3 âm lịch vừa qua đã đông gấp 5 lần dự báo, dẫn đến thông điệp 5 K đã không được thực hiện đúng. (Ảnh: TH) |
Trước thực tế này, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng có công điện gửi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19; các tỉnh ủy, thành ủy; các Ban Đảng, Ban cán sự Đảng; Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; các Đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch… Trong đó, chỉ đạo đã nêu rõ: Bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ, người đứng đầu cấp uỷ trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, phạm vi quản lý.
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và sự chủ động vào cuộc của lãnh đạo các địa phương, một loạt các hoạt động chào mừng dịp lễ lớn 30/4 và 1/5 đã được thay đổi hoặc là dừng hoặc là chuyển hướng. Cụ thể, thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tối 30/4 sẽ tổ chức 4 điểm bắn pháo hoa ở thành phố Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận 11 và huyện Cần Giờ nhưng ngày hôm qua 27/4, lãnh đạo thành phố “dứt khoát dừng bắn pháo hoa” nhằm tránh tập trung đông người để phòng dịch tốt nhất.
Tương tự thành phố Hồ Chí Minh, nhiều tỉnh, thành phố cũng hủy kế hoạch bắn pháo hoa vào dịp nghỉ lễ tới đây và một loạt các hoạt động vui chơi giải trí khác. Thành phố Hà Nội tạm dừng tổ chức các lễ hội và các tuyến phố đi bộ trên địa bàn thành phố, tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết. Quảng Ninh không chỉ ngừng bắn pháo hoa mà còn dừng tất cả các lễ hội văn hóa, thể thao, tôn giáo từ ngày 30/4 đến hết ngày 23/5.
Chưa hết, Thanh Hóa tạm dừng tổ chức tổ chức lễ công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Nghi Sơn và lễ khai mạc lễ hội du lịch biển Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn, dự kiến tổ chức vào 20h ngày 30/4 và du lịch biển Hải Tiến ở huyện Hoằng Hóa vào ngày 1/5, dành kinh phí để phòng chống dịch COVID-19. Nghệ An cũng dừng tất cả sự kiện lễ hội, văn hóa - du lịch và những sự kiện tập trung đông người trong dịp lễ 30/4 và 1/5…
Có thể nói việc dừng bắn pháo hoa và các sự kiện lễ hội, văn hóa, du lịch là một quyết định đầy khó khăn của chính quyền địa phương ở thời điểm này. Vì dịp lễ 30/4, 1/5 là dịp để mọi người dân được nghỉ ngơi, đi chơi, xả hơi sau một thời gian dài làm việc vất vả. Những hoạt động này cũng làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân trong những ngày nghỉ lễ…
Mặt khác, dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 là dịp giúp cho ngành dịch vụ, nhất là ngành du lịch có điều kiện khởi sắc trở lại sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch. Bởi đợt kích cầu du lịch dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 sẽ là “đòn bẩy” để lấy lại đà tăng trưởng cho ngành du lịch trong năm nay vì tâm lý du khách muốn đi du lịch trở lại thấy rõ.
Cùng với đó, các điểm du lịch đã bắt đầu đông khách trở lại, nhiều nơi đã “cháy phòng” trong mấy ngày lễ tới. Các hoạt động du lịch những ngày qua đang cho thấy sự nhộn nhịp, sôi động trở lại với rất nhiều hoạt động, sự kiện quảng bá, thu hút du khách… Vì vậy, việc dừng lại các hoạt động này trong điều kiện đất nước vẫn bình yên thì cũng rất thương cho doanh nghiệp và sẽ làm mất cơ hội để phát triển kinh tế của các địa phương.
Nhưng, trước thực tế diễn biến của dịch đang rất phức tạp như hiện nay thì nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh là rất lớn. Nếu bắn pháo hoa hay tổ chức các sự kiện tập trung đông người sẽ rất khó bảo đảm 2 chữ K “khoảng cách” và “không tập trung” mà Bộ Y tế khuyến cáo trong nguyên tắc 5K để chống dịch. Chữ K đầu tiên - “khẩu trang” cũng chưa chắc đã được người dân tuân thủ nghiêm túc. Điều này thể hiện rất rõ trong ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch vừa qua. Số người đến với lễ hội đã đông gấp 5 lần dự báo. Tình trạng chen lấn, xô đẩy đến nghẹt thở lại xảy ra trong buổi sáng. Vì vậy, thông điệp 5 K đã không được thực hiện đúng.
Trong khi đó, làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 tại đất nước Ấn Độ với 1,3 tỷ dân đang được so sánh như một trận "sóng thần" với sức hủy diệt dữ dội. Trong ngày 27/4, Ấn Độ tiếp tục lập kỷ lục nhiễm mới với 362.902 ca và 3.285 người tử vong, tỷ lệ ca tử vong vượt mốc 200.000. Các chuyên gia lo ngại số ca nhiễm thực tế ở nước này có thể cao gấp 30 lần báo cáo, lên hơn nửa tỷ người. Những con số đau buồn đó chính lại bắt nguồn từ việc hầu hết mọi người không tuân thủ giãn cách xã hội và đeo khẩu trang trong những đám đông khổng lồ tham dự các lễ hội hay sự kiện vận động chính trị…
Trong khu vực, Thái Lan và Campuchia cũng đang trải qua những ngày “đen tối” khi số ca mắc mới ở Thái Lan ngày 26/4 đã lên đến 2.048 ca. Tại Campuchia, gần 9.000 ca mắc COVID-19 được ghi nhận, Thủ tướng Hun Sen phải thốt lên “chúng ta đang bên bờ vực sinh tử”. Còn tại Lào, đã có 16 tỉnh, thành phố thực hiện phong tỏa và giới nghiêm, xuất hiện nguy cơ quá tải bệnh nhân tại thủ đô Vientiane…
Trong bối cảnh đó, quyết định dừng bắn pháo hoa, các hoạt động vui chơi, giải trí… tại các địa phương dù là khó khăn nhưng rất quan trọng và cần thiết. Điều này nhất quán quan điểm, Đảng, nhà nước sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để để bảo vệ sức khỏe, sự an toàn của nhân dân. Cần tắc vô ưu, cẩn thận không bao giờ là thừa!
Tuy nhiên, trong công tác phòng chống dịch thì sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương là chưa đủ. Mà quan trọng hơn cần sự tin tưởng đồng lòng, chung sức của toàn dân. Mỗi người dân hãy là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh, tiếp tục lan tỏa và thực hiện tốt thông điệp 5K. Vì mỗi một người, mỗi một nhà an toàn, khỏe mạnh là cả đất nước bình an, mạnh khỏe. Và khi có sức khỏe thì chúng ta còn nhiều dịp khác để đi du lịch, vui chơi…
Mỗi chúng ta chấp nhận thay đổi thì nhiều vấn đề sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Bởi nóng vội có khi lại “xôi hỏng bỏng không”. Công sức của bao người trong bao ngày có khi đổ sông, đổ biển. Và khi đó, chúng ta sẽ được đi du lịch, tham quan như 4 câu thơ của tác giả Vũ Tuấn đang được lan truyền trên mạng xã hội: “Đừng để nước mình rơi vào cảnh đớn đau/Vì những ham muốn tầm thường, nông nổi/Đi chơi thôi mà, có chi phải vội?/Năm này không đi, thì năm khác ta đi”./.