Có bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình đối với phương tiện giao thông cá nhân?

Thứ ba, 05/12/2023 17:39
(ĐCSVN) - Những ngày qua, quy định về lắp thiết bị giám sát hành trình đối với các loại xe cơ giới chuyên dụng tại Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Tại điểm c, khoản 1, Điều 33 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định: “Có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định”.

Khoản 4, Điều 33 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định, Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết, theo hướng: Áp dụng bắt buộc đối với một số loại hình phương tiện như xe kinh doanh vận tải, xe hợp đồng, xe ô tô đưa đón học sinh, xe quá khổ giới hạn của đường bộ, xe quá tải trọng, xe vận chuyển hàng nguy hiểm... phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Tuy nhiên, những ngày qua trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều người dân chưa thực sự hiểu đúng về quy định này cũng như chưa phân biệt giữa dự thảo luật với quy định pháp luật; giữa phương tiện cơ giới chuyên dụng với phương tiện cá nhân, cho rằng các phương tiện cá nhân bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Thậm chí một số đối tượng còn cố tình bóp méo thông tin “dẫn dắt", "thao túng" dư luận theo hướng cơ quan quản lý nhà nước đang "làm khó" người dân.

 Ảnh minh họa: Nguyễn Đức

Trên diễn đàn Quốc hội, thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, việc quy định về thiết bị giám sát hành trình là rất cần thiết để giám sát các hành vi vi phạm của lái xe, hành vi vi phạm của hành khách và các vi phạm về giao thông vận tải đường bộ.

“Dữ liệu giám sát hành trình là dữ liệu rất quan trọng phải được chuyển về Trung tâm giám sát của cơ quan chức năng theo thời gian phục vụ công tác bảo đảm an toàn trật tự giao thông, ngăn chặn, xử lý kịp thời hoặc đình chỉ ngay các hành vi nguy hiểm đến tính mạng của hành khách, người tham gia giao thông phục vụ kiểm soát, đánh giá việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp và lái xe”, đại biểu Huỳnh Thị Phúc nêu rõ.

Tuy nhiên, theo đại biểu Phúc, đối tượng áp dụng còn khá rộng. Cụ thể tại Điểm c, khoản 1, Điều 33 về điều kiện tham gia giao thông có quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu hình ảnh của người lái xe, dữ liệu hình ảnh bảo đảm an toàn theo quy định.

Đại biểu cho rằng, quy định như vậy có thể hiểu là tất cả các loại xe bao gồm cả xe cá nhân, không loại trừ xe thuộc các trường hợp có quy định riêng của Đảng, Nhà nước đều phải gắn giám sát hành trình. Do đó, đại biểu đề nghị cần phải cân nhắc tính phù hợp và thống nhất.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cũng cho rằng, việc quy định bắt buộc xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình như vậy sẽ làm mất quyền riêng tư của người điều khiển xe cũng như người ngồi trong xe; nếu bắt buộc như vậy, người sử dụng xe sẽ mất thêm một khoản tài chính để lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình. 

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nên cân nhắc việc khuyến khích người dân sử dụng xe cá nhân thực hiện lắp camera hành trình chứ không nên bắt buộc, trừ các trường hợp bắt buộc phải lắp đặt camera hành trình như trên xe vận chuyển hành khách, xe kinh doanh vận tải nhằm ngăn chặn các hành vi chèn ép hành khách, không trung thực trong việc vận chuyển hàng hóa.

Tại họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV mới đây, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết: đây là dự thảo ban đầu, các đại biểu Quốc hội đang cho ý kiến, đồng thời sẽ có khảo sát, tọa đàm đánh giá nhiều chiều; cơ quan thẩm tra có trách nhiệm phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan chức năng đánh giá tác động của chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của người dân Việt Nam để quy định đảm bảo quản lý xã hội, phục vụ lợi ích của người dân.

Trước tình trạng thời gian qua còn nhiều người dân chưa hiểu rõ và đúng về quy định này và một số đối tượng cố tình bóp méo thông tin, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông khẳng định làm rõ: Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ không quy định bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với mô tô, xe gắn máy và xe ôtô cá nhân.

Tuy nhiên, dự thảo Luật khuyến khích lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với xe ô tô của cá nhân. Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, thiết bị giám sát hành trình tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tham gia giao thông đường bộ và tăng cường sự quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông. Trong đó, hỗ trợ cho việc lái xe an toàn cũng như tránh được những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra; đồng thời hỗ trợ giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh khi xảy ra va chạm, tai nạn giao thông, ghi lại hình ảnh, sự cố xảy ra trên đường; người điều khiển phương tiện có thể chứng minh được đúng hay sai trong các tình huống bất ngờ xảy ra trên đường, lưu lại bằng chứng khi có kẻ gian xâm hại phương tiện của mình hoặc của người khác. Mặt khác, cung cấp cho cơ quan chức năng để xử lý, góp phần bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của lái xe và người khác.

Theo thống kê của Bộ Công an, tai nạn giao thông liên quan xe kinh doanh vận tải chiếm gần 40% số vụ, trong đó nhiều vụ tai nạn liên quan xe kinh doanh vận tải hành khách gây thương vong lớn (có thể ví dụ gần đây nhất là vụ tai nạn xe khách ngày 30/9/2023 tại Đồng Nai làm chết 4 người, bị thương 5 người; vụ tai nạn xe khách ngày 31/10/2023 tại Lạng Sơn làm chết 5 người, bị thương 9 người...), chúng ta không thể thờ ơ, vô cảm trước thực trạng hết sức thương tâm này.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh thông tin thêm, thời gian qua, Chính phủ và các ngành đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế tai nạn liên quan đến xe khách; đồng thời cũng đã nhận diện ra nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn này, theo phân tích của Bộ Công an là hơn 70% liên quan đến vi phạm về tốc độ và cũng đã có giải pháp cụ thể. Một trong những giải pháp quan trọng là các loại phương tiện này bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình (theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020) để giám sát các hành vi vi phạm của lái xe, hành vi vi phạm của hành khách và các vi phạm về vận tải đường bộ.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là dữ liệu giám sát hành trình chưa được sử dụng hiệu quả do có sự chia cắt, không kết nối liên thông dữ liệu với lực lượng trực tiếp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, vì vậy nhiều nhà xe trong thời gian ngắn vi phạm rất nhiều lần, có trường hợp vi phạm tốc độ hơn 300 lần/tháng nhưng không bị xử lý, ngăn chặn kịp thời.

“Nếu có sự giám sát phương tiện kinh doanh vận tải theo thời gian thực, thì chúng tôi cho rằng đã có thể ngăn chặn được, không để xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến xe khách như vừa qua”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh chia sẻ.

Do đó, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh bày tỏ thống nhất cao về sự cần thiết quy định phương tiện kinh doanh vận tải phải bảo đảm điều kiện có thiết bị giám sát hành trình trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Việc giám sát này, giao cho cơ quan thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an toàn giao thông thực hiện giám sát để kịp thời đình chỉ ngay, xử lý ngay những trường hợp vi phạm xảy ra, lái xe vi phạm có thể gây tai nạn cho hành khách hoặc người tham gia giao thông; đồng thời, xử lý kịp thời các lỗi vi phạm khác…/.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực