Hôm qua (4/5), thông tin từ UBND xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) cho biết, trên địa bàn xã vừa xảy ra một vụ đuối nước khiến 2 em học sinh tử vong.
Một vụ đuối nước thương tâm khác xảy ra ngày 23/4 cướp đi sinh mạng 4 học sinh ở thôn Thanh Xuân, xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Còn nhiều vụ đuối nước khác xảy ra rải rác trên khắp cả nước từ đầu tháng 4.
Mỗi khi có vụ việc đuối nước xảy ra, là một lần nữa để lại sự chua xót, day dứt, ân hận và hai tiếng “giá như” mơ hồ của người lớn.
|
Học bơi thôi chưa đủ, các em cần phải được trang bị kỹ năng bơi cứu đuối, bơi tự cứu và sơ cấp cứu tại cộng đồng... (Ảnh minh họa: HM)
|
Thực tế, khi nhìn vào bức tranh thực trạng tình hình đuối nước của trẻ em, nếu qua báo cáo của các cơ quan chức năng thì rõ ràng có những tiến bộ nhất định, số vụ và số trẻ em đuối nước đã giảm. Năm 2010, số trẻ em tử vong do đuối nước là 3.300 nhưng đến giai đoạn hiện nay còn hơn 2.000 trẻ bị đuối nước. Con số này vẫn còn cao so với các nước trong khu vực và cao gấp 10 lần so với các nước thu nhập cao. Đây không chỉ là nỗi đau của những người có con bị đuối nước tử vong mà còn là nỗi canh cánh, bất an của bất kỳ bậc cha mẹ nào.
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước thương tâm ở trẻ em, nguyên nhân phổ biến nhất là do trẻ em chưa biết bơi. Thống kê cho thấy, mới có 30% trẻ em từ 6-14 tuổi biết bơi.
Không chỉ vậy, nhiều trường hợp trẻ em biết bơi nhưng vẫn đuối nước do thiếu kiến thức, kỹ năng sinh tồn dưới nước, cứu đuối. Đây cũng là một lỗ hổng trong công tác phòng, chống đuối nước ở nước ta.
Đuối nước cũng xảy ra do sự xao nhãng, vô ý, bất cẩn của các bậc cha mẹ. Trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ em tắm ở ao hồ, sông suối và tắm biển không có người lớn đi kèm..
Ở khía cạnh khác, tình trạng trẻ em bị đuối nước còn phản ánh một thực trạng khác đó là thiếu sân chơi cho trẻ em. Ở khu vực thành thị, trời bắt đầu vào hè thường có khá nhiều lớp năng khiếu được tổ chức, nhiều khu vui chơi để trẻ tham gia, vui đùa, giải trí. Còn khu vực nông thôn, miền núi, các em thường tự tìm đến sông suối, ao hồ, kênh mương để đùa nghịch.
Muốn tránh được, giảm được tình trạng đuối nước, trước hết phải dạy trẻ biết bơi. Cụ thể, các bậc phụ huynh bố trí đưa đón con đi bơi, đầu tư học phí cho con học bơi, gương mẫu tích cực học bơi, thường xuyên động viên, khuyến khích cho con luyện tập môn bơi.
Tránh đuối nước, học bơi thôi chưa đủ, cần dạy kỹ năng an toàn cho trẻ. Đó là dạy cho các em các kiến thức an toàn khi tham gia môi trường nước và nhận biết môi trường nước nguy hiểm để không xuống chơi, xuống bơi. Hoặc giúp các em có kỹ năng nhận biết vùng nước sâu, nguy hiểm để phòng tránh. Khi trẻ có kỹ năng sống và kỹ năng ứng phó để tự cứu mình trong những tình huống nguy cấp thì nỗi lo của cha mẹ cũng vơi bớt đi phần nào.
Hơn thế nữa, cần trang bị cho các em những kỹ năng giúp người bị tai nạn đuối nước: cứu người đuối nước bằng cách gián tiếp, thông báo mọi người xung quanh được biết, ném các vật nổi cho nạn nhân, sử dụng các dụng cụ cứu hộ như phao cứu sinh, gậy, dây... để hỗ trợ.
Đuối nước ở trẻ vị thành niên vẫn luôn tiềm ẩn trong sự chủ quan, thiếu quyết liệt ở từng gia đình và ở chính trong đứa trẻ. Chính vì vậy, điều cần nhất vẫn là sự quan tâm, nhắc nhở thường xuyên từ phía gia đình. Người lớn, các bậc cha mẹ phải luôn để mắt tới con nhỏ, đặc biệt là trẻ 5-6 tuổi. Nếu trẻ lớn hơn, phải dặn dò các em không được đến gần sông, hồ, không xuống nước nếu không có người lớn đi cùng. Trẻ nhỏ ham chơi có thể quên ngay lời nhắc, bởi thế, phụ huynh cần giám sát và liên tục nhắc nhở để trẻ in sâu trong đầu. Các em cần được người lớn chỉ dẫn vui chơi ở đâu, chơi như thế nào để đảm bảo an toàn…
Cùng với đó, cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp để rà soát, bổ sung các biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn, rào chắn... những khu vực chứa nước nguy hiểm… Vai trò của chính quyền cơ sở trong việc tạo dựng được những sân chơi, nhất là Đoàn Thanh niên trong tổ chức các hoạt động vui chơi bổ ích, hấp dẫn để thu hút các em tham gia trong dịp hè là vô cùng quan trọng.
Rõ ràng, dù hồi chuông cảnh báo đã gióng lên từ lâu, nhưng dường như tai nạn đuối nước vẫn chực chờ, đòi hỏi các cơ quan chức năng, cơ sở giáo dục và ngay trong mỗi gia đình, cá nhân cần tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng, tránh đuối nước để bảo vệ trẻ em. Và chắc chắn, không chỉ gia đình, hay một ngành đơn lẻ nào có thể triển khai toàn bộ các hoạt động được mà cần tăng cường phối hợp, cùng chung tay hành động. Có như vậy, mới mong giảm thiểu được những vụ tai nạn xảy ra cho các em, để những ngày hè thực sự là thời gian nghỉ ngơi vui tươi và bổ ích sau một năm học tập vất vả./.