|
Chùa Tam Chúc đông nghịt người trong ngày 14/3.
(Nguồn: OFFB/zingnews.vn)
|
Sau thời gian dài các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đóng cửa vì COVID-19, vừa được mở cửa trở lại, nhiều người đã nô nức rủ nhau đi lễ đầu năm. Ngày 13/3, chùa Hương mở cửa trở lại, sau 5 tiếng đã đón 1,6 vạn du khách.
Ngôi chùa mới xây dựng, thuộc hàng lớn nhất Việt Nam là Tam Chúc (Hà Nam) thì báo chí đã dùng từ “vỡ trận” để mô tả tình trạng hàng vạn du khách đổ về tham quan, lễ Phật vào ngày 14/3.
Với tình trạng đó, yêu cầu thực hiện nghiêm việc đo thân nhiệt, khai báo y tế, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách để phòng chống dịch bệnh có thể “bất khả thi”. Và như vậy, bùng phát dịch từ những cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội là một nguy cơ đang hiện hữu.
Đi lễ đầu năm là một nhu cầu tâm linh chính đáng, đi lễ để cầu sức khỏe, cầu bình an và phát đạt, nhưng với bối cảnh hiện nay, đi lễ dường như lợi bất cập hại, khi mà không ai bảo đảm chắc chắn dịch bệnh đã hết, không còn lây nhiễm?
Với truyền thống Phật giáo hàng ngàn năm, hầu như ai cũng biết rằng “Phật tại tâm”, nghĩa là Phật ở trong trái tim mình, khi mình sống từ bi hỷ xả, biết yêu thương, biết tha thứ, biết tránh điều ác, làm điều lành…thì đấy chính là ta đã sống theo lời Phật dạy, có Phật trong mỗi ý nghĩ, mỗi hành động, và đương nhiên với những “nhân” thiện lành ấy, ta sẽ gặp “quả” tốt đẹp. Ngược lại, nếu không tâm niệm và hành động như thế thì dẫu có hành hương hàng vạn dặm, có quỳ mỏi gối trước những ngôi chùa kỳ vĩ thì cũng không bao giờ thấy Phật, không thể có quả phúc viên mãn, mà chỉ gánh lấy mệt mỏi và sự tự lừa dối mình mà thôi.
Phật Tổ dạy đệ tử rằng “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”, nghĩa là không làm mọi điều ác, chăm chỉ làm điều thiện, thực hiện một cách nghiêm cẩn, chân thành lời dạy ấy sẽ mang đến cho mỗi người sự an lạc. Phật thoại có kể rằng: Bạch Cư Dị, nhà thơ lừng danh thời Đường nghe danh đồn sư Ô Sào, một danh tăng đắc đạo liền đến tham vấn. Khi gặp sư, nhà thơ hỏi: “Thầy có thể cho tôi biết thế nào là đại ý của Phật pháp chăng?”. Sư nói: “Chư ác mạc tác. Chúng thiện phụng hành/ Tự tịnh kỳ ý/ Thị chư Phật giáo” – Chớ làm các điều ác/Siêng làm các việc lành/ Giữ tâm ý trong sạch/ Đó là lời Phật dạy. Bạch Cư Dị nghe xong cười nói với sư rằng: “Bài kệ thầy dạy, đứa trẻ con lên tám cũng nói được”. Sư Ô Sào mỉm cười nói:“Thưa đại quan, đứa trẻ lên tám cũng nói được, nhưng ông lão tám mươi chưa chắc làm xong”. Nghe đâu sau đó Bạch Cư Dị thọ giáo với Thiền sư và đã ngộ đạo.
Đơn giản vậy thôi. Nếu đã gieo nhân ác thì dù có lễ bái thế nào, Phật cũng không làm thay đổi cái quả của cái nhân bất thiện đã được gieo. Váng dầu phải nổi, tảng đá phải chìm, Phật dù có thương cũng không làm thay đổi cái quy luật tất yếu ấy được.
Không đến chùa, không tự tay cúng dường chút tiền đèn nhang vào hòm công đức, chúng ta vẫn còn vô số cơ hội cúng dường Tam bảo, đó là lặng lẽ giúp cho một người nghèo khó, một người bệnh tật không quen biết, một đứa trẻ mồ côi… Có thể hiểu rằng, những người cần giúp đỡ ấy chính là những người được đức Phật cử đến để tạo cơ hội cho chúng sinh làm việc thiện và thọ nhận tấm lòng từ bi của mọi người.
Và không chỉ cúng dường bằng tiền bạc, không có tiền bạc ta vẫn có thể cúng dường bằng sự tử tế, nhân hậu, bằng nụ cười, bằng cử chỉ thân thiện, bằng lời động viên, an ủi chân thành... hay đơn giản là không nói, không làm những việc không thiện thôi cũng tốt lắm.
Đi lễ đầu năm, mỗi người đến chùa với lòng thành, với niềm tin, nhưng “biển người” cùng tụ tập ở một nơi vô tình đang làm điều chưa tốt, đẩy mình vào tình thế có thể làm lây lan dịch bệnh.
Để thoát khổ, để được an vui, hạnh phúc, Phật dạy sống theo Bát chính đạo, trong đó có chính nghiệp, đó là chỉ làm những việc thiện, không có những hành động làm khổ cho mình, làm khổ người và làm khổ tất cả chúng sinh. Cứ suy ngẫm và thực hiện những lời dạy của “bản sư Thích Ca Mâu Ni” – người Thầy muôn đời ấy thì tránh được đau khổ, buồn phiền mà có được đời sống an vui, tích cực.
Chen chúc nhau đi tham quan, lễ chùa, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, trước hết là khổ bản thân mình; sau là khổ người thân, những người xung quanh phải vất vả cùng với mình, lo lắng cho mình; khổ cho chúng sinh làm khổ cả cộng đồng, gia tăng ô nhiễm môi sinh, gia tăng sát sinh, khổ cho cả các sinh vật khác.
Do đó, hạn chế tụ tập, thực hiện lời Phật dạy, nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chính là ta đang “chúng thiện phụng hành” – lợi lạc gấp nhiều lần cảnh chen chúc đi lễ trong sự bất cẩn!