Đến hẹn…lại ngập?

Thứ tư, 21/04/2021 11:00
(ĐCSVN) – Mặc dù mới là những cơn mưa đầu mùa, nhưng tại TP Hồ Chí Minh, một số tuyến đường đã có hiện tượng ngập. Câu hỏi đặt ra là bao giờ tình trạng ngập nước mới được giải quyết dứt điểm, hay người dân đành phải chấp nhận “đến hẹn…lại ngập”?
 Đoạn đường Phan Anh 400 mét mênh mông nước sáng ngày 16/4 vừa qua. (Ảnh: Trần Kha)

Cơn mưa trên diện rộng rạng sáng ngày 16/4 vừa qua đã khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn Thành phố bị ngập như: Kha Vạn Cân, Hiệp Bình, Tô Ngọc Vân (TP Thủ Đức), Bình Lợi (quận Bình Thạnh), Lê Đức Thọ, Lê Văn Thọ, Nguyễn Văn Khối, Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp), Nguyễn Văn Quá (quận 12), đường Tô Ký (quận Hóc Môn)... Trong đó, nhiều tuyến đường bị ngập nặng, như tuyến đường Phan Anh đoạn qua giao lộ Tô Hiệu (phường Tân Thới Hoà, quận Tân Phú) có nơi ngập sâu gần 50cm, nước tràn vào nhà dân hai bên đường, nhiều phương tiện lưu thông qua đoạn đường này bị chết máy. Thời điểm ngập nước xảy ra đúng lúc người dân đi làm, con em đi học nên kéo theo đó là tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra trên nhiều tuyến đường.

Nói về câu chuyện ngập nước, có thể thấy, tình trạng này đã xảy ra trên địa bàn Thành phố đã khá lâu. Nó thực sự là nỗi ám ảnh thường trực của người dân nơi đây mỗi khi mùa mưa đến. Đặc biệt khi mưa lớn mà kết hợp với triều cường thì đó còn là nỗi sợ hãi bởi mọi sinh hoạt của người dân đều bị đảo lộn, ảnh hưởng tới việc đảm bảo an toàn, vấn đề vệ sinh môi trường…

Đã có không ít hội thảo, hội nghị được diễn ra để tìm lời giải cho bài toán “khó” này; đã có biết bao kế sách, nhiều quy hoạch, nhiều dự án được đưa ra với số tiền lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng để xử lý ngập… Nội dung chống ngập cũng đã được đưa vào là một trong 7 chương trình đột phá nhiệm kỳ 2016 – 2020 của TP Hồ Chí Minh, song kết quả, dù tình trạng ngập nước có cải thiện, nhưng chưa đạt được như kỳ vọng của chính quyền cũng như mong muốn của người dân.

Về nguyên nhân, theo các chuyên gia, do tác động của biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng ảnh hưởng tới TP Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Các cơn mưa lớn, kéo dài kết hợp triều cường khiến cho việc tiêu thoát nước từ khu vực trung tâm ra bên ngoài diễn ra khó khăn, thậm chí nước từ bên ngoài có thể tràn chảy vào phía trong, gây ngập cục bộ.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân do tốc độ đô thị hóa, bê tông hóa trên địa bàn Thành phố diễn ra nhanh, làm tăng diện tích không thấm nước, khả năng điều tiết tại chỗ bị thu hẹp, trong khi hệ thống thoát nước hiện hữu không theo kịp, nên bị quá tải. Thêm vào đó, hệ thống các kênh rạch để thoát nước nhiều khu vực do người dân vứt rác bừa bãi, gây cản trở, tắc nghẽn dòng chảy…

Trước thực trạng và nguyên nhân trên đã có rất nhiều các giải pháp được đưa ra như cải tạo kênh rạch, xây hồ chống ngập, lắp máy bơm khổng lồ hay nâng đường, xây cống, xây đê ngăn triều…

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, các giải pháp chống ngập của Thành phố thời gian qua chưa được đầu tư đồng bộ. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, giải pháp tổng thể chống ngập cho đô thị nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng phải bắt đầu bằng quy hoạch. TP Hồ Chí Minh cần xem lại từ việc quy hoạch dân cư đến kiểm tra kết cấu hạ tầng và phân cấp quản lý, bảo trì, sửa chữa. Việc khôi phục các không gian điều tiết nước mưa và lũ là điều cần phải thực hiện càng sớm càng tốt thông qua triển khai các giải pháp quy hoạch đô thị, giao thông, kiến trúc theo hướng giảm bớt dần tỷ lệ diện tích không thấm nước, tăng khả năng điều tiết tại chỗ.

Với quyết tâm của chính quyền Thành phố, hiện nay, Thành phố đang và sẽ triển khai nhiều dự án chống ngập, trong đó, công trình được kỳ vọng mang lại nhiều hiệu quả chống ngập cho Thành phố là Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), quy mô đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Dự án triển khai nhằm kiểm soát ngập do triều cường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km2 cùng khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm Thành phố. Dự án đã hoàn thành trên 90% hạng mục. Vừa qua, Dự án đã tạm ngưng, tuy nhiên, trước nhu cầu giải quyết ngập lụt khá cấp bách trên địa bàn Thành phố, đầu tháng 4 này, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết về việc tiếp tục triển khai Dự án Giải quyết chống ngập do triều ở khu vực TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, UBND TP Hồ Chí Minh cũng vừa duyệt Đề án chống ngập và xử lý nước thải TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2045, kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020-2030.

 Mỗi người dân Thành phố cần chung tay vào công tác chống ngập trên địa bàn, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không vứt rác thải ra các kênh rạch để đảm bảo khả năng thoát nước vào mùa mưa (Ảnh: V.Lê)

Theo đó, TP Hồ Chí Minh sẽ cho khởi công và hoàn thành hàng loạt dự án thoát nước, xử lý nước thải trong giai đoạn 2021-2030. Bảy hồ điều tiết sẽ được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu rà soát những khu vực trũng thấp có thể tận dụng để xây dựng hồ điều tiết giảm ngập, tăng dung tích trữ nước, tạo cảnh quan đô thị. Đồng thời, thực hiện 70 dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước. Thành phố cũng sẽ xây dựng đê bao, cống kiểm soát tại một số điểm.

Đặc biệt, trong năm 2021, Thành phố sẽ khởi công dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm ở quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp; Dự án cải tạo hệ thống thoát nước mưa và nước thải TP Hồ Chí Minh (lưu vực Tham Lương – Bến Cát – Nước Lên) và Dự án Nạo vét trục thoát nước kênh Đôi, kênh Tẻ và rạch Bến Nghé nhằm tăng cường thoát nước trong nội thành.

Năm 2022, TP Hồ Chí Minh sẽ cho khởi công dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé – Tàu Hũ – Đôi – Tẻ (giai đoạn 3). Năm 2023, dự kiến khởi công Dự án Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn...

Với việc triển khai một loạt các dự án chống ngập trên, người dân Thành phố đang hi vọng, tình trạng ngập nước trên địa bàn sẽ được cải thiện đáng kể trong thời gian tới và không còn điệp khúc “đến hẹn…lại ngập” vào mỗi mùa mưa./.



V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực