Ngày 7/12, Bác sĩ Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cho biết, các bác sĩ của Bệnh viện vừa cấp cứu 4 học sinh gặp tai nạn do pháo nổ. Các em trong độ tuổi 13-14 tuổi. Theo người nhà cho biết, nguyên nhân dẫn đến sự việc do các em tự tìm hiểu và chế pháo theo hướng dẫn trên YouTube. Trong quá trình làm không cẩn thận dẫn đến pháo phát nổ, gây bỏng. Hiện có 3 trong 4 trường hợp diễn tiến nặng được các bác sĩ khẩn trương phẫu thuật cấp cứu, cắt lọc, khâu vết thương.
|
Bệnh nhi nhập BV Nhi đồng 2 từng tiếp nhận bệnh nhi gặp tai nạn do pháo nổ trước đây. Ảnh: BVCC |
Câu chuyện này không phải giờ mới xảy ra mà những năm trước đó, đặc biệt vào dịp giáp Tết, đã có nhiều trường hợp tương tự và để lại hậu quả rất đau lòng. Như cuối năm vừa qua, vào ngày 15/11, một nam thiếu niên 14 tuổi, ở huyện Thanh Oai, TP Hà Nội bị tai nạn thương tích nặng khi đặt mua thuốc pháo trên mạng về tự chế pháo nổ theo hướng dẫn trên mạng Internet; ngày 3/12, tại xã Đồng Cốc, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang xảy ra vụ nổ pháo tự chế làm một nam sinh bị thương nặng; đầu tháng 2/2024, hai học sinh ở tỉnh Quảng Nam tự chế pháo nổ tại nhà và không may pháo phát nổ khiến 1 em tử vong, 1 em bị bỏng nặng… Hay như mới đây, vào ngày 23/11/2024, tại sân vận động Bảo Đức (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) xảy ra một vụ tai nạn liên quan đến pháo tự chế khiến em N.N.T.K (13 tuổi) và N.N.T.A (14 tuổi) bị thương rất nặng; vào ngày 6/12, tại một trường tiểu học – THCS trên địa bàn huyện Hòn Đất (Kiên Giang) vừa xảy ra một vụ nổ pháo tự chế khiến một học sinh bị thương…
Không chỉ để lại hậu quả nghiêm trọng, mà việc tự chế tạo, mua bán, tàng trữ, sử dụng pháo nổ trái phép còn là hành vi vi phạm pháp luật. Từ lâu, nước ta đã cấm việc đốt pháo nổ. Các cấp, ngành, đoàn thể, lực lượng chức năng tại các địa phương cũng đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn, nhiều biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển, chế tạo pháo nổ trái phép.
Hậu quả thì nghiêm trọng khôn lường. Các biện pháp tuyên truyền, các chế tài xử lý vi phạm đầy đủ cả, ấy vậy mà rất nhiều người vẫn bất chấp để mua bán, chế tạo, sử dụng pháo nổ một cách bất hợp pháp. Đặc biệt, trong các trường hợp gặp tai nạn do tự chế pháo nổ lại có nhiều đối tượng là học sinh đang ở độ tuổi từ 10 đến dưới 18 tuổi. Đây là những đối tượng được lĩnh hội nhiều kiến thức từ gia đình, địa phương và đặc biệt là trong các trường học về tác hại cũng như hành vi vi phạm pháp luật của chế tạo pháo nổ trái phép.
Có thể nói, tai nạn pháo nổ là câu chuyện chưa bao giờ hết “nóng” và câu hỏi đặt ra là:Tại sao các em biết hậu quả nguy hiểm mà vẫn làm? Phải chăng đó là sự hiếu kỳ, tò mò và thiếu hiểu biết.
Theo các bác sĩ, đối với những trường hợp tự chế tạo pháo, người chơi thường phải tiếp xúc gần với các loại thuốc nổ, nên khi nổ rất dễ bị tổn thương nặng và để lại di chứng lâu dài như: đứt ngón tay, mù mắt, điếc, bỏng, giập nát chi thể, gãy xương… thậm chí tử vong.
Mặc dù, những hệ lụy về cả sức khỏe và tâm lý từ tai nạn do đốt pháo là rất nặng nề nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được.
|
Công an phối hợp với nhà trường tuyên truyền, cảnh báo những hành vi vi phạm pháp luật về pháo cho các em học sinh |
Với sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ của mạng Internet, mạng xã hội trong thời đại hiện nay, thật đơn giản để tìm kiếm những bài viết, những video hướng dẫn chi tiết cách chế tạo pháo nổ. Do đó, trước tiên, thiết nghĩ mỗi gia đình cần có sự quan tâm, giám sát, quản lý chặt chẽ hơn nữa con cái mình. Gia đình, nhà trường cần phối hợp để nâng cao nhận thức cho các em học sinh về những hành vi vi phạm liên quan đến pháo và những mối hiểm họa do pháo gây ra. Nhà trường, gia đình nên tăng cường tuyên truyền, giáo dục trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ.
Cùng với đó, các ngành chức năng cần phải tăng cường việc kiểm tra, xử phạt của đối với các vi phạm về pháo nổ. Đồng thời, công tác “làm sạch” thông tin trên không gian mạng về pháo nổ cũng phải được triển khai thực hiện quyết liệt.
Đặc biệt, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa công an địa phương với chính quyền, các đoàn thể, thôn, tổ dân phố, trường học, các hộ dân, các phụ huynh có con trong độ tuổi đi học… để nắm bắt tình hình và có biện pháp xử lý kịp thời.
Tết Nguyên đán đang đến gần, đây cũng là thời điểm nhiều thanh, thiếu niên, học sinh tìm cách mua nguyên liệu, tiền chất để tự chế pháo nổ. Và câu chuyện trên có lẽ sẽ là lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh, cho nhà trường và cho cả xã hội về trách nhiệm của mình nhằm chung tay góp phần ngăn chặn mối họa này, đặc biệt là với đối tượng thanh thiếu niên, học sinh./.