|
Mới đây, Thành phố đã đưa ra giải pháp hỗ trợ 3 triệu đồng cho gia đình sinh đủ 2 con trước 35 tuổi (ảnh: V.Lê) |
Trên toàn cầu, hiện có khoảng 750 triệu người trên 60 tuổi, và dự báo con số này sẽ tăng lên 2,1 tỷ vào năm 2050. Việt Nam thuộc nhóm 5 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới và dự báo trở thành nước có dân số già vào năm 2036.
Đối với TP Hồ Chí Minh, là đô thị có quy mô dân số lớn nhất cả nước, hiện nay đang trải qua tốc độ già hóa dân số nhanh nhất Việt Nam.
Theo số liệu từ Bộ Công an, đến cuối năm 2023 Thành phố có 1.310.323 người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 12,05% dân số. Các số liệu cho thấy từ năm 2017 Thành phố đã bước vào giai đoạn già hóa và dự báo đến năm 2030, tỉ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ đạt 20% (tương đương khoảng 1,8 triệu người) và vào năm 2050, con số này có thể vượt 3 triệu người (trên 30% tổng dân số).
Đối với một thành phố năng động, phát triển mạnh mẽ như TP Hồ Chí Minh, việc già hóa dân số nhanh sẽ là một thách thức không hề nhỏ, tạo ra áp lực về kinh tế, y tế, an sinh và nhiều vấn đề xã hội khác.
Sớm nhận thấy và dự báo kịp thời những khó khăn khi Thành phố đối mặt với tình trạng già hóa dân số nhanh, mới đây, Thành phố đã đưa ra giải pháp hỗ trợ 3 triệu đồng cho gia đình sinh đủ 2 con trước 35 tuổi.
Đây được xem là giải pháp kịp thời đối với thực tế hiện nay của Thành phố khi nhiều cặp vợ chồng đang có xu hướng muốn sinh 1 con hoặc sinh trễ. Tuy nhiên, đó mới chỉ làm một giải pháp có lẽ là trước mắt, mà về lâu dài đòi hỏi Thành phố cần phải có những giải pháp căn cơ hơn, đồng bộ cả về các chính sách hỗ trợ vật chất cũng như tinh thần.
Nhiều người cho rằng, trước hết Thành phố cần đẩy mạnh truyền thông thay đổi tư duy chính sách dân số bởi chính sách dân số từ 1956 đến nay đều truyền thông giảm sinh, mỗi cặp vợ chồng 2 con đồng thời cũng cần bàn tới việc nên hay không nên quy định kỷ luật đảng viên sinh từ con thứ 3.
Thành phố cũng nên có những chính sách hỗ trợ tài chính cho các gia đình trẻ như miễn giảm học phí, thuế thu nhập cá nhân, ưu tiên mua nhà ở xã hội… Cùng với đó là các chế độ làm việc linh hoạt để tạo thuận lợi cho việc chăm sóc con cái. Điều này cũng hợp lý bởi trên thực tế tại TP Hồ Chí Minh, các gia đình có thêm một đứa con là thêm quá nhiều sự lo toan từ chăm sóc sức khỏe, gửi con ở đâu để đi làm, vấn đề học hành cho con…
Ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số, kế hoạch hóa gia đình TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc hỗ trợ 3 triệu đồng cho phụ nữ tại Thành phố sinh đủ 2 con trước 35 tuổi không phải là giải pháp duy nhất trong việc khuyến sinh và đây cũng không phải là giải pháp tài chính. Đây chỉ là một phần hỗ trợ thể hiện sự quan tâm của Thành phố đối với các cặp vợ chồng đã chung tay thực hiện việc sinh đủ 2 con để góp phần tăng mức sinh.
Muốn tăng mức sinh, không chỉ dừng ở việc hỗ trợ tiền mà cần phải tạo ra môi trường cho thế hệ trẻ có thể phát triển tốt.
Bên cạnh đó các chính sách giảm áp lực về gánh nặng kinh tế không dừng ở thời gian ngắn mà phải hướng đến hỗ trợ các cặp vợ chồng nuôi con cho đến 18 tuổi thông qua hỗ trợ học phí, thời gian chăm sóc trẻ, đặc biệt hưởng lương cho các cặp vợ chồng có con nhỏ chưa thể gửi trẻ.
Theo ông Trung, điều quan trọng nhất là làm thế nào để giảm bớt gánh nặng của phụ nữ đối với công việc nhà cũng như đảm bảo quyền lợi của lao động nữ trong công việc và cơ hội thăng tiến.
|
Thành phố đang nỗ lực triển khai các giải pháp để giải quyết tình trạng mức sinh thấp |
Các giải pháp để khuyến khích tăng sinh là vậy, tuy nhiên, thiết nghĩ, song song với đó, Thành phố cũng cần phải có những giải pháp để phát huy vai trò của người cao tuổi trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của mình, để giảm áp lực đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Và một trong những điều Thành phố cần quan tâm chính là yếu tố sức khỏe của người cao tuổi. Nên chăng, có sự điều chỉnh theo hướng đa dạng và linh hoạt hơn đối với Luật Người cao tuổi, Luật Việc làm để đưa người cao tuổi tham gia vào thị trường lao động một cách phù hợp, khai thác được thế mạnh của họ là kinh nghiệm, kỹ năng cao, trách nhiệm…
Trong quá trình xây dựng chính sách, Thành phố cũng cần học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đang có xu hướng già hóa dân số nhanh như: Nhật Bản, Hàn quốc, Trung quốc…
Chẳng hạn như ở Nhật Bản, Chính phủ đang xem xét chi trả toàn bộ chi phí sinh con từ năm 2026. Nước này cũng cung cấp các khoản trợ cấp để trang trải chi phí khám thai lần đầu cho phụ nữ có thu nhập thấp.
Từ năm 2024, sinh viên trong gia đình có từ 3 con trở lên được giảm học phí đại học và nhận học bổng. Chính phủ cũng hỗ trợ về nhà ở cho các gia đình có con nhỏ.
Nhà nước sẽ tận dụng nhà ở công cộng và nhà trống để chuẩn bị khoảng 300.000 căn nhà cho các hộ gia đình có con nhỏ. Đồng thời cân nhắc tăng mức trợ cấp từ 80% lên 100% tiền lương khi cả cha và mẹ nghỉ chăm con sau khi sinh từ năm 2025.
Mới đây chính quyền Tokyo sắp cho phép người lao động làm việc bốn ngày một tuần để khuyến sinh. Ngoài ra Thống đốc Tokyo Yuriko Koike cũng vừa công bố kế hoạch miễn phí dịch vụ trông trẻ cho tất cả trẻ mẫu giáo bắt đầu từ tháng 9-2025.
Hay như ở Hungary, quốc gia này đã tiến hành một số biện pháp hỗ trợ như tung các gói trợ cấp mua nhà, cho vay tiền với lãi suất thấp và xóa một phần nợ cho người dân. Các gói trợ cấp trên đã giúp khoảng 250.000 gia đình mua được nhà ở.
Được biết, năm 2023, bất kỳ phụ nữ Hungary nào sinh con trước tuổi 30 và các gia đình có ít nhất 4 con đều được miễn thuế thu nhập suốt đời. Tổng cộng Hungary đã chi khoảng 3% tổng sản phẩm quốc nội để hỗ trợ các gia đình và con số này dự kiến tăng lên 5% trong những năm tới…
Quay lại với TP Hồ Chí Minh, với tốc độ già hóa nhanh, tỷ suất sinh lại thấp, trước nguy cơ mất cân bằng về cơ cấu dân số sẽ tác động không nhỏ đến chất lượng và cơ cấu nguồn lực lao động, kinh tế của Thành phố. Thách thức này càng lớn khi Thành phố đang phát triển với tốc độ nhanh, sớm trở thành đô thị thông minh và có sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Điều đó đòi hỏi Thành phố cần phải tập trung tìm lời giải căn cơ, bền vững cho bài toán dân số này tương ứng với tiến trình già hóa đang đến gần.