Bất cập trong công tác tu bổ
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, Trưởng nhóm Đình làng Việt cho biết: Hiện nay, rất nhiều ngôi đình sau khi tu bổ là bị biến dạng. Sự biến dạng này bởi người ta không làm theo nguyên gốc, thêm hoặc thay mới tùy tiện. Tại đình Tây Đằng sau khi trùng tu đến nay đang có một vì nóc để trong gian chái, bên trái đình. Bộ vì nóc này được làm mới, phỏng theo bộ vì ở gian giữa của đình. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình cho rằng, đây là bộ vì kèo tạo tác có trình độ kỹ thuật và nghệ thuật rất tồi, đường nét hoa văn thô, ẩu. Các mảng chạm đều sai so với nguyên mẫu. Từ khi có bộ vì kèo mới này, nhiều du khách đến đây đều không hiểu là hiện vật gì. Tương tự với bộ vì lạ ở đình Tây Đằng, sau khi tu bổ đình Hương Canh, người ta đã cho xây mới rất kiên cố một bức bình phong trước cửa đình. Đây là sự việc khiến người dân Hương Canh rất bức xúc bởi bức bình phong này đã chiếm lĩnh không gian nhỏ hẹp trước sân đình.
Gần đây là đình Cam làng Thịnh (làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) khi lợp mái, đơn vị thi công đã định dùng gạch để thay lớp ngói lót. Cũng liên quan tới việc lợp ngói ở đình Cam Thịnh, họ đã dùng gạch vữa để tạo đường cong cho mái đao, thay bằng phải lợp các lớp ngói mỏng. Ở đình Quang Húc, những thanh dép hoành đã bị đặt sai, đúng ra nó phải vuông góc với mặt đất để đỡ hoành thì dép hoành lại vuông góc với thanh kẻ. Tại một số đình sau khi trùng tu thì các mảng chạm khắc đã bị thừa ra, hoặc để sai lệch so với ban đầu như tại đình Phùng, sau khi trùng tu mảng chạm rồng ở trước hậu cung bị đặt ngược.
Đình Ngọc Canh sau khi được trùng tu. Ảnh: Nhóm đình làng Việt
Đặc biệt là trong khi trùng tu có những cấu kiện, thành phần kiến trúc cổ tuy còn cốt đã không được sử dụng lại, thay vào đó là những thành phần được làm mới với tay nghề non kém và thậm chí sai lệch về số đo, chất liệu như ngói lợp, các mảng chạm và chân tảng... Tất cả các hiện tượng trên phản ánh kiến thức, trình độ và quan trọng là tâm của người làm công tác quản lý và liên quan tới tu bổ còn thiếu và rất kém.
Một hiện tượng tu bổ, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình thì đang có chiều hướng phổ biến là “cưa chân cột”. Trước đây cưa và nối chân cột là giải pháp để trùng tu thì nay giải pháp này đã “biến thái” thành phương thức của đơn vị thi công trong việc tu bổ. “Trước kia, chân cột nào bị mục mà không có khả năng thay cột mới thì người ta dùng giải pháp cưa chỗ mục và nối bằng đoạn cột mới, một di tích chỉ có một hoặc vài cột xử lý cách đó, nhưng hiện nay giải pháp này đang được người ta lạm dụng. Kiến trúc sau khi trùng tu rất mất thẩm mỹ, thương tâm, những chân cột bị chắp nối chẳng khác nào các chiến binh bị thương sau trận chiến ác liệt với quân thù” - Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình khẳng định. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình lấy dẫn chứng, tại đình Quang Húc, có 48 cột thì 35 cột bị đè ra cưa và nối chân cho dù các cột chưa đến mức phải dùng giải pháp này, hoặc người ta có thể dùng các phương pháo khác xử lý chống mục chân cột. Cũng ở đình Quang Húc, một số cột của đình trong phương án thi công có xử lý tiêu tâm, nhưng trên thực tế người ta đã không thực hiện như phương án đã đề ra.
Đề cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc trùng tu, tôn tạo
Những ngôi đình làng đã tồn tại từ đời này qua đời khác, là dấu ấn sâu đậm của biết bao nhiêu thế hệ, mỗi ngôi đình là một bảo tàng, nó gắn bó mật thiết với cộng động, chính vì vậy, công việc bảo vệ, tu bổ và phát huy giá trị của đình làng trách nhiệm thuộc về người dân gắn bó với nó.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình chia sẻ: Hiện nay, do quy định các di tích đã được xếp hạng thuộc quyền quản lý của nhà nước mà đã được phân cấp, chính vì lẽ đó khi di tích bị hư hại thì người dân không được tự ý thực hiện công việc tu sửa, hoặc nếu muốn tu bổ thì phải thực hiện đúng trình tự thủ tục, qua rất nhiều cấp. Nếu người dân tự ý làm thì sẽ sai Luật Di sản. Một tình huống khá phổ biến, đó là di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh hoặc cấp Bộ thì đương nhiên việc tu bổ tôn tạo là do các đơn vị cấp trên thực hiện. Việc tu bổ, chỉnh trang, xây mới, hay phá bỏ người dân địa phương không được tham gia đóng góp ý kiến, hoặc nếu được tham gia chỉ là nửa vời... chính vì vậy mà nhiều di tích khi trùng tu xong người dân thấy xa lạ, trùng tu xong các đơn vị thi công rút đi để lại hậu quả rột, nứt, biến dạng di tích mà không được sửa chữa kịp thời như: đình Hương Canh, đình Ngọc Canh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Như vậy, hiện nay cần phải rà soát lại các quy định trong công tác quản lý và tu bổ di tích, trong đó cần chú ý đến vấn đề giám sát của người dân, để người dân cùng tham gia.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam khẳng định: Di tích văn hóa tồn tại trong đời sống cộng đồng và chỉ có thể được bảo vệ, gìn giữ bởi cộng đồng. Do vậy, cần tu bổ, tôn tạo như thế nào để những di tích ấy trở thành điểm đến du lịch, mang lại kinh tế cho cộng đồng. Chỉ khi nào cộng đồng được hưởng lợi từ di tích thì họ mới có ý thức bảo vệ di tích.
Hiện nay, trong các công trình tu bổ di tích, tỷ lệ thợ lành nghề rất ít, nhiều công trình sử dụng thợ mộc, thợ nề giản đơn vào việc tu bổ di tích. Điều này đã dẫn đến tình trạng kiến trúc sau khi tu bổ bị sai, bị hỏng. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần nghiêm túc, rà soát và kiểm tra lại các cá nhân và đơn vị tham gia công tác tu bổ. Đơn vị, cá nhân nào thực hiện công việc tu bổ mà gây ra sai phạm thì phải xử lý nghiêm túc, rút giấy phép và chứng chỉ hành nghề. Họa sĩ Bùi Hoài Mai đề xuất: Nên tư nhân hóa trong công tác bảo tồn di sản, bởi khi doanh nghiệp nhận và bỏ kinh phí ra trùng tu thì họ sẽ có ý thức hơn trong việc bảo tồn di tích.
Xứ Đoài có cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều công trình tín ngưỡng tôn giáo có kiến trúc đẹp, đặc biệt là đình làng. Nhằm phát huy giá trị di tích đình làng xứ Đoài, Hà Nội, Vĩnh Phúc và Phú Thọ cần quy hoạc và đưa hệ thống đình làng vào các tuyến tham quan du lịch phục vụ khách trong nước và quốc tế, điều này vừa phát huy giá trị di sản, vừa tăng nguồn kinh phí để đầu tư trở lại cho việc bảo tồn di tích.
Ngày 15/12, tại Hà Nội, Kênh Truyền hình Nông nghiệp Nông thôn 3N-VTC16 phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, Nhóm Đình làng Việt tổ chức hội thảo "Đình làng xứ Đoài, những điều còn - mất". Hội thảo có sự tham gia của đại diện Sở Văn hóa - Thể Thao Hà Nội, Viện trưởng Viện bảo tồn di tích, nhiều nhà văn hóa, sử học, và đại diện Ban quản lý các cụm đình cổ. Hội thảo tập trung bàn về những vấn đề xung quanh giá trị của đình làng xứ Đoài, công việc tu bổ, quản lý, quảng bá đình làng xứ Đoài. Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, các cơ quan quản lý cần phối hợp với nhân dân giám sát chặt chẽ quá trình tu bổ di tích, tránh sự khuất tất, rút ruột công trình, làm ảnh hưởng đến chất lượng di tích. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần sớm ban hành các quy định liên quan đến bảo vệ cảnh quan di tích, tránh tình trạng công trình kiến trúc, đặc biệt là đình làng bị các công trình dân dụng mới, lấn át, làm mất đi vẻ đẹp tiêu biểu của đình làng Bắc Bộ. |
Hà Thảo