Đọc sách bây giờ...

Thứ năm, 08/09/2011 00:54

(ĐCSVN)- Đọc sách là chuyện tưởng rất cũ nhưng theo thời gian sự đọc bây giờ đã có sự đổi thay rất nhiều so với trước. Đối với lớp trẻ ngày nay, đọc sách được hiểu theo khái niệm rộng mở và linh động hơn nhiều.

 

 Các bạn trẻ đọc sách tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội
 Ảnh: Huyền Thanh
.
 

Ngày nay, văn hóa nghe - nhìn tồn tại song song với văn hóa đọc. Văn hóa nghe - nhìn giúp con người rút ngắn được vô khối thời giờ vàng ngọc vì thế văn hóa đọc cũng theo đó mà biến đổi. Giờ văn hóa đọc không chỉ thể hiện ở việc mỗi ngày bạn hì hục đọc bao nhiêu trang sách mà còn thể hiện ở việc bạn đối xử với sách và với việc đọc như thế nào. Bạn không nhất thiết phải chăm chỉ cần mẫn đọc và đọc mỗi ngày hay phung phí quá nhiều tiền để mua sách hoặc cần mẫn mỗi ngày lên thư viện vùi đầu vào những cuốn sách dày cộm mà chẳng biết có thu lượm được gì. Chỉ cần bạn thấy hứng thú thực sự khi tìm ra thông tin  quý giá, biết thấm và ngấm vào mình những sản phẩm văn hóa có chất lượng, biết cách đọc sao cho hiệu quả nhất, và tạo nếp đọc như một thói quen thì bất kể bạn đang ngồi trước máy tính hay trước một cuốn sách ố vàng vẫn có ý nghĩa hơn là bạn đang ngồi trong thư viện với ngồn ngộn sách mà không biết lựa chọn và bước vào ra sao. Giới trẻ có nhiều cách đọc sách khác nhau. Picnic có thể đem theo sách. Để giữa những khoảng sôi động nằm thảnh thơi dưới nắng, ngồi ngâm ngợi dưới tán cây thì có thể đem sách ra lật một vài trang để đọng vào đầu một vài chữ. Trên chuyến xe công tác, có cuốn sách nhỏ nép bên mình, cho chặng đường bớt dài, lưng người bớt mỏi. Hoặc là đúc kết, rút gọn những ý chính qua những mẩu giới thiệu sách đầy tràn trên mạng để nắm được diễn biến hiện tại của thị trường sách… Trong mắt những người trẻ, đọc là chuyển động, không ngồi yên một chỗ mà ngẫm ngợi lâu. Đọc để ngấm nhưng cũng để chảy trôi những sáng tạo và những ý tưởng ra ngay tức thì.

Gia đình có thể tạo ra cho con em thú vui và thói quen đọc sách. Các bậc cha mẹ không chỉ có trách nhiệm định hướng mà còn phải hòa nhịp vào đời sống của con mình để được hiểu và chia sẻ những tâm tư tình cảm của lớp trẻ nhiều khác biệt, từ đó giúp con có một lối đọc sách đúng đắn. Ngay từ buổi ban đầu cha mẹ đã phải dạy con trẻ không đọc nghêu ngao, mà huấn luyện cho con cách đọc thầm. Đọc bằng mắt, không lẩm nhẩm. Bỏ đi cái lối chỉ vào từng chữ mà đánh vần và đọc thì rút cục không thu lại được một ý nghĩa nào của câu chữ. Một nhà nghiên cứu đã cho rằng: Khi đọc thầm và đọc nhanh như vậy, đồng tử mắt nhảy từng bước, mỗi bước ôm gọn một cụm tiếng, và cái cụm tiếng đó bao giờ cũng chứa nghĩa. Nghĩa của câu ta đang đọc không gửi ở những tiếng rời rạc, mà nằm trong từng nhóm tiếng. Khi con đã biết đọc thầm thì con sẽ phát triển thêm một yếu tố tâm lý nữa là vừa đọc vừa tưởng tượng. Chính hành động tưởng tượng khi đọc sách đó sẽ dẫn từ kỹ thuật đọc sách đến năng lực cảm thụ văn chương là cái không thể có ở kẻ đọc sách nghêu ngao. Ở một phía bên kia, năng lực đọc thầm và đọc bằng tưởng tượng cũng sẽ dẫn người đọc suy nghĩ vào những khái niệm khoa học trong khi đọc. Lúc bấy giờ, ở người đọc sẽ có thêm một năng lực đọc suy ngẫm. Có nghĩa là quy trình đọc sẽ bắt đầu bằng đọc thầm, sang đọc nhanh, sang đọc tưởng tượng, sang đọc suy ngẫm. Khi đọc thầm, con người được tự do phát triển trí tưởng tượng của mình khiến tư duy thông suốt, giác quan nhạy bén, từ đó mà thêm linh hoạt năng động. Khi đọc và tưởng tượng thì sự suy ngẫm cũng đi vào chiều sâu, từ đó có những đấu tranh và khẳng định quan điểm trong lòng mình, dẫn đến những hành động đúng đắn trong cách cư xử với cuộc sống. Có thể nói, từ việc đọc mà con người có thể dần hoàn thiện mình. Phát hiện ra ở mình những nhược điểm và bù đắp những thiếu hụt trong quá trình hình thành quan điểm, nhân cách. Nhà trường là nơi có ảnh hưởng lớn đến việc dạy đọc. Nhà trường luôn biết cách cân bằng để văn hóa đọc và văn hóa nghe nhìn cùng phát huy tác dụng.

Có thể khẳng định việc đọc sách của con người thực sự bắt đầu từ nhà trường. Con người từ việc đọc sách mà tự đào tạo mình thành con người văn hóa, khi ấy ta có một nền văn hóa đọc. Văn hóa đọc khiến con người càng ngày càng dồi dào năng lực người. Văn hóa đọc là không thể thiếu cho con người mặc dù nó cần sử dụng tối đa các phương tiện nghe nhìn của cuộc sống hiện đại.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực