Gỡ khó cho các thiết chế văn hóa, thể thao

Thứ tư, 24/01/2024 14:08
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN)- Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao có vai trò nòng cốt trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng hiệu quả sử dụng hệ thống này vẫn còn nhiều bất cập, cần có cơ chế đầu tư, quản lý đồng bộ để tránh lãng phí.
 Ảnh minh họa 

 

Theo thống kê, hiện nay, trên cả nước có 67 thiết chế văn hóa cấp tỉnh; 683 quận, huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao hoặc Nhà văn hóa, đạt tỷ lệ khoảng 91,3%; 7.194 xã, phường, thị trấn có Trung tâm văn hóa - Thể thao đạt tỷ lệ khoảng 73,2%; 75.327 làng, thôn, ấp, bản... có nhà văn hóa, đạt tỷ lệ 74,4%.

Việc sử dụng và quản lý các thiết chế hiện nay đã đạt được những thành tựu nhất định, tuy nhiên, cũng tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Cơ sở vật chất, các trang thiết bị trong các thiết chế văn hóa, đặc biệt là thiết chế nhà văn hóa còn đơn giản, chủ yếu do nhân dân đóng góp, mua sắm nên chưa có sự đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động. Các hoạt động tại một số thiết chế văn hóa còn đơn điệu, chủ yếu dừng lại ở hoạt động hội họp, chưa thu hút được sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân. Công tác lãnh đạo, quản lý thiết chế văn hóa còn chậm đổi mới. Một số thiết chế văn hóa còn thiếu những cán bộ văn hóa có chuyên môn chuyên sâu và tâm huyết với nghề…

Vốn đầu tư ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu ngành văn hóa, thể thao giai đoạn 2014 - 2015 là 1.564 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 2.687 tỷ đồng, giai đoạn 2021 - 2025 là 7.032 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn đầu tư ngân sách trung ương bố trí các dự án xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao thuộc đối tượng báo cáo giai đoạn 2014 - 2015 là 308 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 688 tỷ đồng, giai đoạn 2021 - 2025 là 943 tỷ đồng.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chú trọng củng cố tổ chức bộ máy, cán bộ; đầu tư xây dựng các công trình, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị; chỉ đạo đổi mới công tác quản lý, vận hành các thiết chế văn hóa, thể thao ở trung ương và địa phương, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng của nhân dân. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn bất cập, hạn chế về quy hoạch, bố trí đất, kinh phí xây dựng, công tác quản lý, vận hành các thiết chế văn hóa, thể thao; chế độ đãi ngộ, khuyến khích, tôn vinh những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa; tình trạng thiết chế văn hóa, thể thao ở nhiều nơi xuống cấp, thiếu đồng bộ, sử dụng chưa hiệu quả, lãng phí, không phù hợp, nhất là đối với công nhân, người lao động, miền núi, vùng khó khăn…

Nhận xét về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng thiết chế văn hóa ở nước ta đang vừa thừa, vừa thiếu. Chúng ta còn thiếu rất nhiều bảo tàng, nhà hát, thư viện, công viên... đủ tiêu chuẩn để tổ chức các sự kiện lớn, mang tầm khu cực và quốc tế, được tổ chức và vận hành một cách chuyên nghiệp, nhưng lại thừa những thiết chế không đáp ứng được các tiêu chuẩn này. Do yếu tố lịch sử, các thiết chế đã được xây dựng từ lâu, với những thiết kế, chức năng, và cả công năng sử dụng phù hợp với một thời kỳ lịch sử cụ thể, lúc đó chúng ta chưa hình dung  được sự phát triển khoa học công nghệ mạnh mẽ như ngày nay, chúng ta cũng chưa đủ nguồn lực để có thể tạo ra những cơ sở vật chất xứng tầm, chưa kể tư duy quản lý, tổ chức các hoạt động ở các thiết chế văn hóa cũng rất khác.

Nguyên nhân của những tồn tại, bất cập hiện này chủ yếu là do kinh phí hoạt động ít; cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp; nhân lực tổ chức khai thác, vận hành các thiết chế này thiếu và yếu về chuyên môn. Công tác quản lý, tổ chức hoạt động trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước, thiếu chủ động, sáng tạo. Một số thiết chế văn hóa ở địa phương xây dựng có quy mô lớn, nhưng ít người biết đến hoặc không được quan tâm, dẫn đến nguồn thu hàng năm đạt thấp.Nhu cầu và thị hiếu của người dân đã và đang thay đổi, trong khi thiết chế văn hóa, thể thao các cấp chưa bắt nhịp kịp để đổi mới phương thức hoạt động, chưa thu hút được sự tham gia tích cực của người dân…

Để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của nhân dân có lẽ ngoài nỗ lực của các địa phương, phải chăng Chính phủ cần cân đối bảo đảm nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; hỗ trợ các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cấp tỉnh, cấp huyện. Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần có hướng dẫn quy chế quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động thiết chế văn hóa để các địa phương tổ chức quản lý đồng bộ, thống nhất…

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, để thực sự nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của nhân dân, chúng ta cần một hướng đi mới - một tư duy khác về phát triển văn hóa như chuyển đổi mô hình đầu tư công, quản trị tư, hợp tác công tư, sự tham gia chủ động và tích cực của cộng đồng, hay việc áp dụng các kỹ năng kinh doanh... nhất là cần có nguồn nhân lực phù hợp thì mới giúp có những chuyển biến căn bản cho các thiết chế văn hóa.Và muốn có được điều này, chúng ta lại cần có một môi trường thể chế, chính sách hỗ trợ để toàn xã hội có thể tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành các thiết chế văn hóa một cách hiệu quả.

 

TT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực