Hà Nội cần làm gì để trở thành trung tâm khởi nghiệp?

Thứ năm, 09/06/2016 15:01
(ĐCSVN) - Tại Hội nghị với chủ đề “Hà Nội 2016 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” diễn ra mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra câu hỏi: Hà Nội làm thế nào để xây dựng môi trường, khuyến khích khởi nghiệp và đầu tư? Theo người đứng đầu Chính phủ, Hà Nội không thể xây dựng thành phố khởi nghiệp với vị trí 24 trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

 


Một góc thủ đô Hà Nội (Ảnh minh họa: Báo Hà Nội mới)

PCI là bộ chỉ số được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam để đánh giá mức độ thuận lợi của thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước cấp tỉnh khác nhau (như thủ tục đăng ký kinh doanh, đất đai, giấy phép, thanh tra, kiểm tra, tham nhũng…) và mức độ hỗ trợ của chính quyền (như tính năng động, đào tạo nghề, giải quyết tranh chấp…).

Bản chất PCI là một công cụ để lắng nghe tiếng nói của khối doanh nghiệp tư nhân, người dân đánh giá công tác điều hành của chính quyền địa phương. Đây cũng là một nguồn thông tin quan trọng để các cơ quan quản lý làm căn cứ thúc đẩy các hành động thiết thực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh của địa phương.

Trong những năm gần đây, chỉ số PCI của Hà Nội vẫn tăng trưởng hằng năm. Nếu như năm 2012, PCI của Hà Nội xếp thứ 51; năm 2013 xếp thứ 33 thì năm 2014 đã vươn lên xếp thứ 26. Năm 2015, chỉ số PCI xếp vị trí thứ 24/63 tỉnh, thành phố, nhích lên được 2 bậc so với năm 2014. Từ những con số được công bố, chúng ta thấy rằng, Hà Nội vẫn loanh quanh ở khúc giữa và có vẻ như đang “đuối sức” trong cuộc đua để tăng PCI.

Bởi vì, PCI 2015 có 10 chỉ số thì Hà Nội chỉ có 3/10 chỉ số tăng hạng gồm chỉ số “tính năng động và tiên phong của lãnh đạo”, chỉ số “môi trường cạnh tranh bình đẳng”, chỉ số “đào tạo lao động”. Trong khi đó lại có đến 6/10 chỉ số giảm hạng gồm chỉ số “tính minh bạch và tiếp cận thông tin", “chi phí không chính thức”, “chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước”, “chi phí gia nhập thị trường”, “tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất”, “dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp”. Đặc biệt, CPI không ghi nhận sáng kiến nào của Hà Nội. Và chính Hà Nội cũng phải thừa nhận sự cải thiện môi trường kinh doanh còn chậm so với yêu cầu và chưa có sự đột phá.

Điều đáng nói nữa là trong chỉ số PCI thì chỉ số tiếp cận đất đai và gia nhập thị trường lại rất thấp và “ổn định” trong nhiều năm công bố PCI. Đây cũng là lý do đã từng kéo chỉ số này của Hà Nội tụt xuống vị trí thứ 51/63 vào năm 2012.Trong khi đó, gia nhập thị trường từng là chỉ số tốt nhất của Hà Nội trong nhiều năm trước.

Lý giải về sự quanh quẩn của Hà Nội trong thứ hạng PCI, một số ý kiến “hài hước” cho rằng, tốc độ cải thiện của các địa phương khác quá nhanh so với sự “chuyển động” của Hà Nội. Sự lý giải này cũng có phần đúng khi ở Hà Nội, không biết từ bao giờ xuất hiện những câu như là châm ngôn, tổng kết, khái quát cung cách giao tiếp, giải quyết công việc của người Hà Nội: "Muốn nhanh thì phải từ từ", “Hà Nội không vội được đâu”…

Có lẽ ban đầu, đó là sự phê bình cái ì ạch, chậm chạp, khó trôi ở Hà Nội như lời đồng chí Phạm Quang Nghị khi còn làm Bí thư Thành ủy Hà Nội đã phải thốt lên: “Ở nơi khác bôi thì trơn, còn ở Hà Nội bôi vẫn không trơn”… Nhưng lâu dần những câu nói như thế này có lẽ đã “thấm” vào một số cán bộ của Hà Nội và trở thành một sự biện minh “Hà Nội không vội được đâu”. Những con số tưởng chừng “không biết nói” lại đã “nói lên” tất cả từ thái độ, chất lượng dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp, không chỉ của từng công chức, sở, ngành mà cả bộ máy chính quyền địa phương.

Vậy động lực nào để Hà Nội trở thành trung tâm khởi nghiệp như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” diễn ra mới đây khi PCI đứng thứ 24? Bởi theo người đứng đầu Chính phủ, Hà Nội không thể xây dựng thành phố khởi nghiệp với vị trí 24 trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Và chính Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra câu trả lời để . Đó là lãnh đạo và nhân dân Hà Nội cần quyết liệt và chủ động xóa bỏ các rào cản, chấm dứt sự trì trệ trong hành động. “Hà Nội phải thực sự cầu thị, sẵn sàng đổi mới, sẵn sàng chấp nhận cái mới, có nhiều sáng kiến khuyến khích, hỗ trợ để những mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo mới nhanh chóng phát triển ở Hà Nội thay vì phải thành lập ở nước ngoài để thoát khỏi gánh nặng thủ tục hành chính”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Đồng thời cải thiện môi trường đầu tư kém thông thoáng, các rào cản lớn trong việc gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, bộ máy hành chính nặng nề, kém năng động và hiệu quả chưa cao. “Hiện ta đang xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, xóa bỏ chính sách và cơ chế xin cho. Vấn đề gì thị trường làm tốt hơn, thì cần để thị trường làm và thu hẹp vai trò của Nhà nước. Do đó, Hà Nội cần phát huy tinh thần này" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý đến yếu tố “động lực” là vô cùng quan trọng. Theo Thủ tướng, phải cho người ta thấy động lực dấn thân của mình thì mới nuôi dưỡng và thổi bùng được khát vọng trong mỗi con người, nhất là những con người dám đứng vào vị trí tiên phong. Chính vì vậy Thủ tướng nói: “Tôi xin nhắc lại, xây dựng năng lực hệ thống, tạo được động lực làm việc chính là nền tảng quan trọng để thực hiện sự đổi mới, cải cách kinh tế - xã hội và kết quả mới bền vững, lâu dài”.

Có thể nói, để trở thành thành phố khởi nghiệp, Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm. Thành phố cũng đã vào cuộc quyết liệt, thể hiện trong kế hoạch tăng bậc không có khẩu hiệu chung chung mà có định lượng cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, sở, ngành. Chắc chắn không ai kỳ vọng rằng ngày mai hay ngày kia các con số kia sẽ thay đổi nhưng thiết nghĩ, nếu cả hệ thống chính trị không cảm thấy sốt ruột khi thành phố mình trong vai trò Thủ đô của cả nước lại cứ bình bình đi sau các địa phương khác trong nhiều chỉ số thì cũng rất khó thực hiện được vai trò tiên phong trong khởi nghiệp và trở thành trung tâm khởi nghiệp.

Muốn thay đổi, trước hết phải bắt nguồn từ thái độ của các “công bộc” của dân. Phải thay đổi tư duy chuyển từ chính quyền cai trị, chính quyền chỉ huy sang chính quyền kiến tạo và phục vụ. Không làm được điều đó thì sẽ không giải quyết được vấn đề tiên phong trong khởi nghiệp như mong muốn của Thủ tướng Chính phủ./.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực