Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, quỹ đất giao thông đô thị ở Việt Nam hiện nay thấp, kể cả giao thông động, mà đặc biệt là giao thông tĩnh, quỹ đất đều rất thấp. Chính vì thế, cần phải quy hoạch để đầu tư mở rộng thêm, trong đó có yếu tố đầu tư hạ tầng.
Dẫn kinh nghiệm ở Hàn Quốc: Người dân đăng ký xe ô tô được đi trong nội đô thì phải đóng một khoản tiền (gọi là trái phiếu) để đầu tư xây dựng đường tàu điện ngầm, đại biểu Hoàng Văn Cường cho hay như vậy là phải huy động các nguồn lực để mở rộng thêm không gian giao thông.
Về mức thu phí tối đa là 60.000 đồng/một phương tiện, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị phải nghiên cứu rất kỹ, xem lại chi phí lợi ích của việc người sử dụng phương tiện cá nhân với người sử dụng phương tiện công cộng. Bởi vì giá thu của các dịch vụ này phụ thuộc vào giá dịch vụ công, chi phí lợi ích mang lại khi mà chúng ta thực hiện những biện pháp quản lý đó.
“Tôi nghĩ rằng cơ quan ban hành phải có những nghiên cứu, đánh giá và chỉ rõ cơ sở của việc đưa ra mức phí”, đại biểu nói.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trong bối cảnh hiện nay, khi dịch COVID-19 còn ảnh hưởng nặng nề, gây ra gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân, cần cân nhắc chưa nên triển khai ngay vào thời điểm này, chờ đến khi nền kinh tế phục hồi, “sức khoẻ” của doanh nghiệp, người dân tốt hơn, song song với đó là việc phát triển giao thông công cộng.
|
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường . Ảnh: TL. |
Đại biểu cũng cho rằng, Hà Nội đề xuất đến năm 2025 bắt đầu thu phí phương tiện giao thông, lộ trình đó có phù hợp hay không phụ thuộc rất lớn vào vấn đề phát triển hệ thống hạ tầng công cộng của Hà Nội.
“Nếu Hà Nội muốn giải quyết vấn đề là thu phí để hạn chế phương tiện cá nhân, thì phải đi kèm theo đó là hệ thống công cộng phải phát triển, nếu phát triển hệ thống công cộng đầy đủ để người ta có lựa chọn thì tôi nghĩ rằng hoàn toàn có thể áp dụng thời điểm này”, đại biểu Cường nói.
Chỉ ra thực trạng hệ thống giao thông công cộng tại Hà Nội, đại biểu cho rằng cần phải hoàn thiện được các tuyến đường sắt đô thị, hệ thống xe bus kết nối đường sắt, các trục giao thông chính.
Trước lo ngại việc áp dụng mức thu phí có thể khiến người dân tập trung vào nội đô, đại biểu Hoàng Văn Cường cho hay, chúng ta đang bàn đến vấn đề xây dựng các đô thị vệ tinh kết nối với trung tâm. Do đó, để đô thị vệ tinh phát triển được thì phụ thuộc rất lớn vào kết nối hạ tầng giữa đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh.
Theo đại biểu, việc đánh thuế không phải thu tiền phương tiện cá nhân mà điều hòa giữa lựa chọn lợi ích cá nhân và lợi ích công cộng, khi hạn chế lợi ích cá nhân (phương tiện cá nhân di chuyển) thì phương tiện công cộng phát triển tốt hơn. Đương nhiên nguồn thu đó phải dùng để đầu tư hạ tầng, nâng cấp các hệ thống hạ tầng giao thông công cộng.
Đồng quan điểm, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội), Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cũng cho rằng trong giai đoạn doanh nghiệp và nền kinh tế đang gặp khó khăn, cần khôi phục như hiện nay thì bất cứ một chủ trương, giải pháp nào tạo thêm chi phí cho doanh nghiệp, người dân thì đều nên tạm thời dừng lại.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội (Sở Giao thông Vận tải) vừa báo cáo thành phố đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Mức phí sẽ được thu linh hoạt thay đổi theo khung giờ, từ 5h đến 21h (giờ cao điểm, giờ thường và giờ thấp điểm). Trong đó, giờ thấp điểm sẽ thu thấp hơn hoặc miễn phí cho tất cả phương tiện; ngày cuối tuần, ngày nghỉ, ngày lễ sẽ không thu. Mức phí dự kiến ngày thường với ôtô dưới 9 chỗ từ 25.000 đến 60.000 đồng/lượt, ôtô 9 chỗ trở lên và xe tải từ 15.000 đến 40.000 đồng/lượt. |