Kết hợp học online và offline: Nên hay chăng?

Thứ ba, 18/01/2022 21:03
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Chưa bao giờ, kể từ 2020 đến nay, ngành giáo dục phải đối mặt với thách thức lớn như hiện nay. Trường học đóng cửa và học sinh không trực tiếp đến trường cả một thời gian dài. Riêng thành phố Hà Nội đã trở thành địa phương cho học trực tuyến (online) thời gian dài và ở quy mô rộng nhất cả nước.

Thực tế, học sinh Hà Nội dừng học trực tiếp (offline) từ đầu tháng 5/2021 khi COVID-19 bùng phát lần thứ tư. Đến tháng 11, khối lớp 9 tại 18 huyện, thị ngoại thành được trở lại trường, sau đó hai tuần các trường THPT mở cửa đón lớp 12. Hiện có khoảng 64.000 em, trên tổng số khoảng 2,2 triệu học sinh phổ thông ở Hà Nội, được học trực tiếp, còn lại vẫn học online suốt 8 tháng.

Khảo sát trên VnExpress mới đây về việc có đồng ý cho con đi học lại sau Tết Nguyên đán 2022, 61% người dùng "đồng ý" (Ảnh chụp màn hình) 

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: "Dự kiến, nếu không có gì thay đổi, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Sở sẽ tiếp tục đề xuất với thành phố cho học sinh khối 7 đến 12 đi học trở lại 100% ở tất cả 30 quận, huyện, thị xã", ông Cương nói; đồng thời nhấn mạnh thêm, đề xuất sẽ được cân nhắc dựa trên tình hình dịch bệnh tại thành phố cũng như tỷ lệ tiêm chủng của học sinh.

Nhiều phụ huynh đã bày tỏ cảm giác nhẹ nhõm khi nghe được thông tin này bởi họ nhận thấy, trong thời gian không đến trường, các con vẫn thường được gia đình cho đi chơi, mua sắm. Do đó, ở nhà chưa chắc đã an toàn hơn đi học. Chưa kể, bố mẹ vẫn đi làm và hoàn toàn có thể mang bệnh về nhà.

Thiếu hụt không gian cộng đồng rộng mở, trẻ học trực tuyến ở nhà dẫn đến những hạn chế về giao tiếp xã hội, thậm chí các bệnh về mắt, về lưng gia tăng khi con trẻ phải tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử, nếu không muốn nói đến cả những hệ quả tâm lý khi các con phải đối mặt do ở nhà quá lâu.

Các chuyên gia tâm lý và chuyên gia giáo dục đều chung nhận định rằng, giữ học sinh ở nhà sẽ giúp các em an toàn trước dịch bệnh. Nhưng đổi lại, các em phải đối diện với rất nhiều nguy cơ khác như sang chấn tâm lý, bị cản trở hòa hợp với thiên nhiên, cộng đồng, giao tiếp với xã hội và hổng, hụt về mặt kiến thức.

Một Hiệu trưởng của trường THCS ngoại thành Hà Nội đã chia sẻ rằng, để dạy trực tuyến với học sinh khối 6-8 và trực tiếp với lớp 9, các giáo viên phải soạn cả giáo án giấy và điện tử. Ngoài ra, với điều kiện ở ngoại thành, không phải học sinh nào cũng dùng máy tính để học online. Nhiều em phải dùng điện thoại cũ, chất lượng hình ảnh kém và kích thước màn hình nhỏ có thể gây hại cho mắt. Chưa kể, việc phải dùng thiết bị kém chất lượng có thể gây ra các tai nạn cháy, nổ trong lúc sạc hoặc dùng. Hơn nữa, ở góc độ tâm lý, thầy hiệu trưởng cho rằng học sinh gần như bị cô lập với bạn bè, cộng đồng, không biết chia sẻ, tâm sự với ai trong lúc bố mẹ đi làm. Xét ở khía cạnh thành tích học tập, trừ một số học sinh tự giác, có năng lực, học trực tuyến mới có kết quả, còn đa số là không thể như học trực tiếp.

Học sinh lớp 5 của một trường Tiểu học Hà Nội trong lễ kết nạp đội viên đội TNTP Hồ Chí Minh hồi tháng 3/2021 (Ảnh: Thu Hòa)

Có thể thấy, diễn biến của dịch bệnh COVID-19 vẫn còn khá phức tạp, đòi hỏi các biện pháp ứng phó phải linh hoạt và thích ứng với tình hình thực tế. Tất nhiên, việc đóng cửa trường học cũng là tình thế bất khả kháng do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, chúng ta không thể đóng cửa mãi trường học như hiện nay vì nó ảnh hưởng sâu sắc đến tinh thần và thể chất của các em học sinh cũng như các bậc cha mẹ học sinh. Ngoài ra, nó còn gây thiệt hại về kinh tế rất lớn cho xã hội.

Việc đưa ra giải pháp làm sao để có thể hạn chế nhất có thể những tổn thất về vật chất cho xã hội cũng như là tinh thần cho các cháu là một trong những nhiệm vụ vô cùng khó khăn cho các nhà quản lý. Việc mở cửa lại trường học hay đưa các em học sinh trở lại trường học không chỉ giải quyết sức ép tâm lý đè nặng lên các em mà còn có thể làm tăng hiệu quả học tập của các em cũng như làm giảm sức ép lên các bậc cha mẹ học sinh.

Theo nghiên cứu của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) về mức độ học online môn hóa học từ lớp 8 đến năm thứ 4 đại học, cuộc khảo sát được tiến hành trên 1.498 học sinh, sinh viên và 72 giáo viên được tiến hành từ 22/5 đến 08/6/2020 ở miền Bắc, sau 1 tháng khi đóng cửa trường học do đại dịch COVID-19 ở Việt Nam, kết quả như sau:

 Bảng số liệu theo dõi khảo sát (Nguồn: Nhóm nghiên cứu ĐHKTQD)
 Bảng số liệu theo dõi khảo sát (Nguồn: Nhóm nghiên cứu ĐHKTQD) 
 Bảng thu thập tổng hợp ý kiến khảo sát (Nguồn: Nhóm nghiên cứu ĐHKTQD) 

Như vậy, ngay cả trong giai đoạn đại dịch, số người mong muốn học online chỉ khoảng 12,45%, số người mong muốn học offline là 42,15%. Số người mong muốn kết hợp học online và offline là 45,4%.

Hiện nay, trong quá trình học online, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, các thầy cô giáo đều sử dụng laptop trong giảng dạy. Một số trường, nhất là các trường phổ thông, yêu cầu giáo viên trực tiếp lên lớp để dạy online. Trong khi đó, các trường học ở các thành phố lớn đều có trang bị máy chiếu trong các lớp học. Khi giảng dạy online, các thầy cô có thể đồng thời nhìn màn hình máy tính vừa có thể chiếu màn hình lên máy chiếu. Như vậy, khi giảng bài, thầy cô giáo sử dụng laptop hoặc máy tính để bàn có thể giảng dạy cho một số cháu học trực tiếp và một số cháu sẽ dự học online. Khi có học sinh học trực tiếp, không khí lớp học sẽ sôi nổi hơn, các thầy cô hứng thú hơn trong quá trình giảng dạy. Ngoài ra, hiện nay có các phần mềm kết nối smartphone với máy bàn hay laptop như 1 micro và camera phụ, sẽ hỗ trợ cho các thầy cô giáo trong giảng dạy trực tiếp.

Xuất phát từ phân tích trên, thiết nghĩ, chúng ta vẫn có thể mở cửa lại trường học và có thể kết hợp cả hai hình thức học online lẫn offline theo hướng mỗi lớp học có thể đón các em học sinh đến học trực tiếp theo phương án mỗi ngày 1 nhóm khoảng 8-12 học sinh/lớp. Học sinh sẽ được bố trí ngồi giãn cách trong giờ học. Học sinh sẽ được luân phiên đến lớp dự học trực tiếp theo lịch cố định, ưu tiên các em học sinh ở cùng khu vực sinh sống và tối thiểu một tuần mỗi học sinh được đến lớp 1 lần. Các em học sinh không có lịch học trực tiếp sẽ tiếp tục học online như bình thường. Trong quá trình dạy học, các thầy cô giáo được yêu cầu đứng xa các cháu, các phòng học đều được mở cửa để thoáng khí.

Học sinh được đến trường sẽ làm cho các thầy cô giáo hứng thú hơn trong quá trình giảng dạy cũng như giải tỏa sức ép tâm lý to lớn đối với các em học sinh cũng như các bậc cha mẹ học sinh, kích thích tăng trưởng kinh tế, từng bước đưa đời sống xã hội chuyển về tình trạng bình thường mới. Cân nhắc và xem xét đưa trẻ luân phiên đi học trực tiếp hoặc đi học trực tiếp toàn bộ đều có thể tạo được nhiều hiệu ứng tốt hơn mong đợi cho xã hội nói chung và cho tương lai của con trẻ nói riêng./.

Đình Đức - Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực