Nỗi ám ảnh dai dẳng của người dân Mỹ

Thứ bảy, 29/06/2024 14:44
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Những vụ xả súng hàng loạt liên tiếp làm người Mỹ thêm ám ảnh về nạn bạo lực súng đạn nghiêm trọng, tồn tại dai dẳng. Bạo lực súng đạn, vì thế, là một thực trạng nhức nhối lâu nay tại nước Mỹ song lại chưa có cách giải quyết triệt để.
Hàng trăm viên đạn từ súng tự động bắn thẳng vào các nạn nhân ở hiện trường trong vụ xả súng ngày 01/10/2017. (Ảnh: Getty Images)

Vấn nạn dai dẳng…

Bạo lực súng đạn ở Mỹ không phải là vấn đề mới mà dường như đó đã là một vấn nạn xã hội dai dẳng và chưa tìm được lời giải. Cơ quan Lưu trữ Bạo lực Súng ở Mỹ định nghĩa, một vụ xả súng hàng loạt có nghĩa là 4 người trở lên (không bao gồm thủ phạm) bị bắn ở cùng thời gian và địa điểm, bất kể tỷ lệ tử vong hay động cơ. Tại quốc gia này, các vụ xả súng hàng loạt đã gia tăng đều đặn trong hơn 20 năm qua, trong bối cảnh tăng chung số vụ giết người thời gian gần đây. Các vụ giết người xảy ra ở trường học, nhà thờ, siêu thị hoặc tại nơi làm việc… Và dường như không gì có thể ngăn cản được các đối tượng xả súng!

Không chỉ riêng người dân Mỹ mà cả thế giới chắc vẫn chưa thể quên ngày 01/10/2017, Stephen Paddock, 64 tuổi, đã xả súng từ trên tầng 32 của khách sạn Mandalay Bay Resort and Casino vào đám đông hơn 20.000 người đang tham dự một lễ hội âm nhạc ở khu vực trung tâm thành phố Las Vegas thuộc bang Nevada. 58 người đã thiệt mạng và hơn 500 người bị thương. Cảnh sát cho rằng Paddock đã tự sát. Đây là vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại. Rồi vụ việc ngày 03/08/2019 khi 20 người đã thiệt mạng và hơn 20 người bị thương trong vụ xả súng tại một siêu thị Walmart ở bang Texas do Patrick Crusius, 21 tuổi, gây ra. Quan chức địa phương còn cho biết có khoảng 3.000 khách hàng và khoảng 100 nhân viên siêu thị có mặt tại thời điểm diễn ra vụ tấn công…

2021 là năm có số vụ xả súng hàng loạt cao nhất trong lịch sử Mỹ, với 689 trường hợp. Năm 2022, con số này giảm xuống 647 trường hợp, nhưng dữ liệu của FBI cho thấy con số thương vong thậm chí còn cao hơn.

Đáng chú ý, Trung tâm Thống kê giáo dục quốc gia (NCES) của Mỹ từng công bố dữ liệu cho thấy trong năm học 2021 - 2022, tại các trường tiểu học và cấp hai công và tư của nước này xảy ra tổng số 327 vụ xả súng – cao kỷ lục. Trong số đó, 188 vụ xảy ra thương vong và có 57 vụ gây thiệt mạng. Trong năm học 2020 - 2021, số vụ xả súng là 146 và có 93 trường hợp gây thương vong, trong đó 43 vụ dẫn đến chết người. Số vụ xả súng trong năm 2020 - 2021 cũng là kỷ lục từ khi dữ liệu được thống kê cách đó 25 năm.

Và năm 2023 vừa qua cũng kết thúc với 656 vụ xả súng ở Mỹ, trong đó có 40 vụ giết người hàng loạt, nâng tổng số hơn 48.000 ca tử vong theo dữ liệu mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC). Đáng chú ý, trong số các ca tử vong, có hơn 1.500 nạn nhân dưới 17 tuổi. Vụ xả súng xảy ra tại nhà hàng Schmengees, sân chơi bowling Sparetime Recreation và trung tâm phân phối Walmart, vào tối 25/10/2023 (giờ địa phương), khiến 22 người thiệt mạng và 60 bị thương, do Robert Card, 40 tuổi, tiến hành, được xem là vụ xả súng đẫm máu nhất ở Mỹ trong năm 2023.

Kể từ đầu năm 2024 đến nay, Tổ chức Lưu trữ Bạo lực Súng đạn (GVA) cho biết đã xảy ra ít nhất 234 vụ xả súng hàng loạt tại Mỹ. Vừa mới đây, tờ Las Vegas Review-Journal đưa tin cảnh sát Bắc Las Vegas, ngày 25/6, đã bắt giữ một đối tượng bị tình nghi bắn chết 5 người, gồm 4 phụ nữ và 1 nam giới, trong một khu chung cư tại thành phố miền Tây nước Mỹ này vào tối 24/6 (giờ địa phương). Tờ báo này dẫn tuyên bố của cảnh sát cho biết, ngoài 5 người thiệt mạng, một bé gái 13 tuổi cũng bị thương do đạn bắn và đang trong tình trạng nguy kịch tại bệnh viện gần đó.

Có thể thấy các vụ nổ súng ở nơi công cộng xảy ra thường xuyên tại Mỹ và tội ác liên quan tới súng đạn đã gia tăng nhanh ở các đô thị lớn như: New York, Chicago, Miami và San Francisco, đặc biệt kể từ khi nước này bùng phát đại dịch COVID-19 hồi năm 2020. Những vụ xả súng hàng loạt liên tiếp làm người Mỹ thêm ám ảnh về nạn bạo lực súng đạn nghiêm trọng, tồn tại dai dẳng tại quốc gia có cả tỷ lệ người thiệt mạng và con số tuyệt đối người tử vong vì súng đạn cao nhất thế giới này.

… có nguyên nhân gốc rễ…

Một số người cho rằng các vụ xả súng xảy ra tại Mỹ nhiều như vậy là do tình trạng bạo lực trong xã hội nước này, hoặc nạn phân biệt chủng tộc sâu sắc, hay vấn đề sức khỏe tâm thần của người dân không được quan tâm đúng mức… Tuy nhiên, một nghiên cứu hồi năm 2015 của giáo sư Adam Lankford thuộc Đại học Alabama cho thấy, những nguyên nhân trên phần lớn là mẫu số chung trong các vụ xả súng trên toàn thế giới. Điều khác biệt duy nhất tại Mỹ là sự bùng nổ thị trường súng đạn. Theo nghiên cứu này, Mỹ chiếm khoảng 4,4% dân số toàn cầu, nhưng sở hữu tới 42% số súng trên thế giới. Giai đoạn 1966 - 2012, khoảng 31% số đối tượng xả súng trên thế giới là người Mỹ. Đặc biệt, trong hơn một nửa số vụ xả súng tại Mỹ, nghi phạm đều sở hữu nhiều hơn một khẩu súng và nhiều người trong số này chưa từng có súng trước khi thực hiện tội ác.

Ngoài ra, theo một số người dân Mỹ khác, các vụ xả súng xảy ra là hậu quả xuất phát từ hoạt động của các băng nhóm tội phạm, những bộ phim bạo lực, các cuộc chiến tranh ở nước ngoài có sự tham gia của người Mỹ. Tuy nhiên, nhà tâm lý học Franklin E. Zimring và nhà tội phạm học Gordon Hawkins thuộc Đại học Berkeley, bang California, từng đưa ra những phân tích cho thấy nước Mỹ không phải là nơi dễ dàng cho hoạt động tội phạm nếu không có súng: Nguy cơ bị cướp của một người ở New York giống y như một người ở London nhưng người ở New York có khả năng bị bắn cao hơn người ở London gấp… 54 lần.

Có thể thấy rằng nguyên nhân quan trọng hàng đầu, theo nhiều nhà chức trách, chuyên gia và kể cả người dân Mỹ, là do nước này có luật và chính sách về súng đạn lỏng lẻo hơn nhiều so với các quốc gia khác.

Quyền sở hữu súng được quy định trong Hiến pháp Mỹ. Các nhà lập pháp nước này coi việc sở hữu súng là quyền cơ bản của con người, chỉ sau quyền tự do ngôn luận và được Hiến pháp thông qua từ năm 1791 bởi Luật sở hữu súng, nằm trong Luật về quyền cá nhân. Tu chính án số 2 trong Hiến pháp nước này (có hiệu lực từ ngày 15/12/1791) bảo vệ quyền sở hữu vũ khí của người dân. Về phần mình, Hiệp hội Súng trường quốc gia (NRA) lại giải thích Tu chính án số 2 theo hướng chủ yếu thiên về quyền được sở hữu súng. Năm 2008, lần đầu tiên tòa công nhận quyền giữ súng ở nhà để tự vệ của một cá nhân trong một vụ kiện tại thủ đô Washington DC, và vào năm 2010, tòa đã áp dụng quyền đó cho các bang của Mỹ.

Trước khi mua súng tại Mỹ, người mua phải qua một lớp kiến thức cơ bản về sử dụng súng rồi hồ sơ cá nhân của họ sẽ được gửi tới Văn phòng quản lý các vấn đề liên quan đến rượu, thuốc lá, súng đạn và chất nổ. Nếu đạt yêu cầu thì sau 3 ngày, người mua sẽ nhận được “giấy phép vũ khí liên bang” nhưng phải mua súng tại các cửa hàng do chính phủ quản lý. Tuy nhiên, bên cạnh thị trường truyền thống thì còn có thị trường chợ đen. Những loại vũ khí này được đưa lậu vào Mỹ bằng nhiều con đường khác nhau.

Tổng thống Joe Biden phát biểu về những nỗ lực nhằm giảm bạo lực súng đạn tại Monterey Park, California, ngày 14/3/2023. (Ảnh: Reuters) 

… chưa ngã ngũ được các biệp pháp pháp lý kiểm soát súng đạn

Hàng tháng, nước Mỹ vẫn lại đau buồn vì những vụ xả súng mới. Bạo lực súng đạn vì thế là một thực trạng nhức nhối lâu nay tại nước Mỹ, song lại chưa có cách giải quyết triệt để. Nhiều năm qua, nội bộ nước Mỹ luôn chia rẽ sâu sắc trong việc kiểm soát súng đạn. Đa số các thành viên đảng Dân chủ ủng hộ việc siết chặt kiểm soát súng đạn, nhưng phần lớn đảng Cộng hòa lại phản đối mạnh vì cho rằng dự luật kiểm soát súng đạn sẽ vi phạm Hiến pháp Mỹ về quyền sở hữu súng trong khi không giúp người dân Mỹ an toàn hơn.

Kể từ khi nhậm chức đầu năm 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thúc đẩy các biện pháp an toàn súng đạn và thông qua các quy định mới nhằm tăng cường kiểm soát. Tổng thống Joe Biden, ngày 11/4/2022, đã công bố những quy định mới nhằm xóa sổ nạn "súng ma". Đây là loại vũ khí có thể được mua dưới dạng bộ dụng cụ để lắp ráp tại nhà và không có số series theo dõi nên các cơ quan chức năng rất khó truy vết nguồn gốc. Nhà Trắng cho biết ngày càng có nhiều "súng ma" xuất hiện tại hiện trường các vụ phạm tội. Trước đó, năm 2021, cơ quan thực thi pháp luật Mỹ đã từng thu hồi khoảng 20.000 khẩu súng loại này trong các cuộc điều tra tội phạm, tăng gấp 10 lần so năm 2016. Quy định này tìm cách bịt "lỗ hổng" trong quản lý súng bằng cách yêu cầu các nhà sản xuất bộ dụng cụ "súng ma" có giấy phép liên bang và ghi rõ số series trên các thành phần cấu tạo vũ khí. Ngoài ra, các đại lý cũng cần kiểm tra và lưu trữ hồ sơ người mua. Tuy nhiên, quy định này cũng vấp phải sự phản đối gay gắt từ những người ủng hộ sử dụng súng. Hiệp hội Súng trường quốc gia Mỹ (NRA) từng tuyên bố sẽ chống lại mọi biện pháp kiểm soát súng đạn.

Ngày 25/6/2022, Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành luật kiểm soát súng đạn lần đầu tiên trong lịch sử được Quốc hội nước này thông qua trong gần 30 năm. Đạo luật này bao gồm nội dung khuyến khích các bang thông qua cái gọi là luật "cờ đỏ", cho phép các nhóm kiến nghị lên tòa án tước bỏ quyền sử dụng vũ khí từ những người bị coi là mối đe dọa đối với bản thân họ hoặc những người khác. Ngoài ra, đạo luật mở rộng một luật hiện hành liên quan đến việc ngăn chặn những người bị kết án bạo hành gia đình sở hữu súng, theo đó bao gồm các đối tác hẹn hò thay vì chỉ có vợ hoặc chồng, vợ cũ hoặc chồng cũ. Đạo luật cũng mở rộng việc kiểm tra lý lịch đối với những người muốn mua súng trong độ tuổi từ 18 - 21.Việc ký thành luật đạo luật kiểm soát súng đạn diễn ra chỉ hơn một tháng sau khi xảy ra vụ xả súng hàng loạt tại một trường tiểu học ở bang Texas, khiến 19 học sinh tiểu học và hai người lớn tử vong. Vụ nổ súng hàng loạt này xảy ra 10 ngày sau khi một vụ xả súng phân biệt chủng tộc tại một siêu thị Buffalo, New York, diễn ra, khiến 10 người da màu thiệt mạng.

Tuy nhiên, Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ đã tuyên bố phản đối đạo luật này. Thượng nghị sĩ Chris Murphy, người dẫn đầu các cuộc đàm phán giữa 10 thành viên đảng Cộng hòa ở Thượng viện và 10 thành viên đảng Dân chủ, gọi dự luật là một sự thỏa hiệp. Tòa án tối cao Mỹ đã bãi bỏ quy định kiểm soát súng đạn của bang New York liên quan tới hạn chế mang theo súng ngắn ngoài phạm vi nhà ở. Việc Tổng thống Joe Biden ký ban hành luật kiểm soát súng đạn cũng diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tòa án Tối cao Mỹ ban hành một quyết định mang tính bước ngoặt, theo đó bảo vệ quyền mang súng ngắn ở nơi công cộng để phòng vệ. Thống đốc New York Kathy Hochul gọi phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ là "liều lĩnh" và "đáng trách".

Có thể thấy, mặc dù việc sở hữu vũ khí là một trong những quyền quan trọng được ghi trong Tu chính án thứ hai của Hiến pháp Mỹ, song trong suốt phần lớn chiều dài lịch sử nước này, kiểm soát súng luôn trở thành một vấn đề gây chia rẽ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, và hiện tại cũng không phải là ngoại lệ. Dựa trên các quan điểm khác nhau về giá trị tự do và bình đẳng, hai đảng hàng đầu của Mỹ thường thúc đẩy các chính sách đối ngược nhau về vấn đề này. Do có quan điểm trái ngược, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ không thể tìm được tiếng nói chung trong việc thúc đẩy các chính sách về vấn đề này.

Không những thế, lâu nay, việc siết chặt kiểm soát súng luôn bị các nhóm có lợi ích trực tiếp từ buôn bán súng như Hiệp hội Súng trường quốc gia (NRA) chi phối và gây ảnh hưởng. Thực tế, tại Mỹ, ngành sản xuất và kinh doanh súng đạn mang lại lợi nhuận khổng lồ mỗi năm. Do vậy, các nhóm vận động tại Mỹ, trong đó NRA với tiềm lực tài chính mạnh, thường không chịu “ngồi yên” khi các biện pháp quản lý súng gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ.

Đây là lý do khiến không chỉ trong nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden hiện tại mà qua nhiều nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, cuộc chiến pháp lý kiểm soát súng đạn vẫn "năm lần bảy lượt" chưa thể đi đến hồi kết. Và bạo lực súng đạn vẫn tiếp tục là nỗi ám ảnh dai dẳng đối với người dân Mỹ khi liên tiếp xảy ra thương vong do xả súng. Ngày 25/6 vừa qua, Tổng Y sỹ Mỹ, Tiến sỹ Vivek Murthy đã đưa ra cảnh báo bạo lực súng đạn là một “cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng” và kêu gọi các biện pháp kiểm soát súng đạn trên quy mô lớn. Đây là cảnh báo trong báo cáo đầu tiên về bạo lực súng đạn của người đứng đầu dịch vụ y tế công cộng Mỹ.

Cuộc chiến pháp lý kiểm soát súng đạn, vì vậy, dù vẫn luôn đặt ra thách thức đối với các nhà chức trách Mỹ, song chắc chắn cũng là đòi hỏi cấp thiết để các nhà chức trách nước này xem xét thống nhất tìm ra giải pháp kiểm soát súng đạn, để đem lại bình yên cho người dân cũng như tránh được những thương vong không đáng có như nghiên cứu được Everytown for Gun Safety, tổ chức phi lợi nhuận, có trụ sở ở New York, công bố hồi đầu năm cho thấy, gần 300.000 người có thể được cứu sống trong thập niên tới nếu tất cả 50 bang của Mỹ đều áp đặt luật kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt như ở bang California./.

Khánh Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực