Kỳ thi đặc biệt với nhiều âu lo

Thứ sáu, 09/07/2021 10:44
(ĐCSVN) - Từ sáng 7/7, gần 1 triệu thí sinh của 63 tỉnh, thành phố đã bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2021 – một kỳ thi đặc biệt với nhiều âu lo. Và cũng chưa bao giờ toàn bộ hệ thống chính trị chung tay tạo điều kiện tốt nhất cho các thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông như năm nay. Song cũng có nhiều vấn đề được đặt ra cho kỳ thi này, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát và lan rộng.
 Các thí sinh làm bài thi tại điểm thi trường Trung học phổ thông Trưng Vương (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh). (Ảnh: TTXVN)  

Kỳ thi năm nay, học sinh cuối cấp học phổ thông cả nước đã phải trải qua một thử thách vất vả: Thi tốt nghiệp trong mùa dịch, đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tiếp tục có nhiều nguy cơ lây nhiễm trên diện rộng. Những ngày qua, công tác chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này được ngành giáo dục phối hợp các địa phương, ngành y, lực lượng an ninh… triển khai nghiêm túc, quyết liệt và vất vả.

Thực tế, ngoài việc cố gắng để có một kỳ thi chất lượng, công bằng, ngành giáo dục và toàn thể các cấp, các ngành “gồng mình” lo chu toàn từ khâu kiểm tra công tác bảo đảm phòng dịch được thực hiện đến tận phòng thi, công tác chuẩn bị như phân luồng tại cổng ra vào, bố trí chỗ gửi xe, chỗ chờ cho phụ huynh đưa đón học sinh tại các điểm thi; cơ sở vật chất đầy đủ, có phòng cách ly, phòng y tế và trang thiết bị đa phần đáp ứng tốt tình hình để phục vụ kỳ thi…

Điều này thể hiện qua các công việc được thực hiện ở nhiều nơi, theo yêu cầu thực tế, như lấy mẫu xét nghiệm cho đông đảo thí sinh; kịp thời phát hiện và có hướng xử trí với những trường hợp thí sinh, hội đồng thi có nguy cơ lây nhiễm; xây dựng hàng chục kịch bản ứng phó; diễn tập dượt thi tốt nghiệp với một số tình huống phát sinh; chuẩn bị, kiểm tra cơ sở vật chất các điểm thi nhằm bảo đảm thi nghiêm túc, an toàn phòng dịch.

Câu chuyện về đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn luôn là là  bài toán cần những lời  giản với những giải pháp tàm chiến lược. Thực tế là tỉ lệ tốt nghiệp của chúng ta rất cao. Trong 12 năm phổ thông, năm nào chúng ta cũng làm công tác kiểm tra đánh giá. Tỉ lệ 95 - 99% học sinh tốt nghiệp lớp 12 trong nhiều năm qua cho thấy các em xứng đáng được tốt nghiệp trung học phổ thông. Và mấy năm qua, việc thực hiện “hai trong một” với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để căn cứ vào kết quả thi, xét tốt nghiệp và xét tuyển cao đẳng, đại học, đã nhận được nhiều đồng thuận từ xã hội. Mặc dù vẫn có những ý kiến khác nữa, song nhìn chung, việc thi cử của học sinh cuối cấp ba được cho là giảm bớt áp lực ôn luyện; công tác tổ chức thi của ngành giáo dục và xét tuyển của giáo dục cao đẳng, đại học cũng bớt gánh nặng; nhiều gia đình cũng giảm được công sức, chi phí cho việc thi cử của con cái khi đã bớt đi một kỳ thi cao đẳng, đại học đòi hỏi phải di chuyển, tiêu pha nhiều; rồi còn những áp lực tâm lý với thí sinh, với các phụ huynh, cùng các yếu tố an ninh, an toàn giao thông, trật tự xã hội…

Nhìn lại, dù đã có được nhiều hiệu quả trong tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển cao đẳng, đại học, nhưng trên xu thế đổi mới đang tiếp tục được đẩy mạnh, với những công việc đã, đang được triển khai theo tinh thần học thật, thi thật, nhân tài thật, mong sao ngành giáo dục tiếp tục nghiên cứu cải tiến việc tổ chức thi hoặc xét tốt nghiệp, tuyển sinh cho càng thêm tiết kiệm, hiệu quả.

Bởi trong bối cảnh khó khăn, ngặt nghèo của dịch bệnh hay những biến động xã hội, thiên nhiên khác, việc tổ chức thực hiện những công việc ở quy mô toàn quốc, có ảnh hưởng đến số đối tượng ở mức hàng triệu người, sẽ kéo theo rất nhiều công sức, chi phí, hệ quả. Đã hơn hai tháng từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại nhiều địa phương, ngành giáo dục cả nước đã phải ngừng đến trường, hơn một tháng TP Hồ Chí Minh giãn cách xã hội và thậm chí là phong tỏa tùy khu vực, mà tình hình không khả quan hơn: Số ca nhiễm mới phải truy vết dịch tễ vẫn tăng, nguồn lây của nhiều F0 vẫn là cái đuôi mà thành phố chạy theo truy đuổi, kế sinh nhai của nhiều gia đình bị tước đoạt, kinh tế kiệt quệ vì chẳng mấy ai làm ăn được gì, ngân sách thành phố sụt giảm và còn phải gồng gánh quá nhiều chi phí cho công tác xét nghiệm, điều trị, mua vắc xin…

Ngoài ra, với xu thế phát triển công nghệ và lan tỏa của hình thức dạy - học trực tuyến, thì hình thức thi trực tuyến trong điều kiện phù hợp cũng nên được nghiên cứu, thử nghiệm đối với những trường hợp đặc biệt, nhất là học sinh ở các địa phương đang phải áp dụng biện pháp cách ly, giãn cách xã hội dài ngày do dịch bệnh kéo dài mà không thể tổ chức thi tập trung được. 

Việc học tập là cả một quá trình mà căn cứ vào kết quả rèn luyện, phấn đấu qua từng năm, từng học kỳ mới thấy được toàn diện lực học, năng lực của học sinh. Vì thế, để có kết quả xét tuyển, việc đánh giá, xét chọn và tuyển căn cứ từ cả quá trình trên là rất quan trọng. Đây cũng là chính là vấn đề cần đặt ra từ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đặc biệt và nhiều âu lo năm nay và để xóa dần đi những quyết định nặng tính hình thức như kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông lâu nay vẫn là gánh nặng cho học sinh và xã hội.

Tin rằng, một Chính phủ năng động, kiến tạo đang thể hiện rõ nét tính ưu việt của mình sẽ tìm ra giải pháp về cơ chế để tạo nền tảng, cơ sở thúc đẩy việc học thật, chống bệnh hình thức, bệnh thành tích trong giáo dục lâu nay!

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực