Lương hưu phải bảo đảm cuộc sống

Thứ tư, 05/05/2021 16:55
(ĐCSVN) - Lương hưu lâu nay là nguồn tài chính vô cùng quý giá của đại đa số người nghỉ hưu. Ai mà không mong chờ đến ngày được thêm đồng ra đồng vào, loại trừ một số ít sống bằng nguồn tài sản riêng hoặc dựa vào con cái thành đạt. Phương châm “nhiều no, ít đủ” luôn thường trực trong kế hoạch chi tiêu mỗi tháng của họ.

8 nhóm đối tượng, 2 phương án

Thực tế, số người không có lương hưu ở nước ta rất nhiều do trước đó không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) vì là lao động tự do, đóng BHXH không đủ số năm theo quy định hoặc bỏ dở chừng vì nhiều lý do.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng với 8 nhóm đối tượng trong vòng 2 tháng, tính từ ngày 18/3. Ý kiến của các Bộ, ngành sẽ có đồng thuận và không đồng thuận, cơ quan soạn thảo phải tiếp thu, giải trình, báo cáo Thủ tướng để báo cáo Chính phủ.

Phương án 1, thời điểm tăng được thực hiện từ ngày 01/7/2021, mức tăng 10%. Đối tượng được điều chỉnh từ nguồn ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm ước hơn 3 triệu người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong 6 tháng cuối năm 2021 là trên 189.000 tỷ đồng.

Phương án 2, thời điểm tăng được thực hiện từ ngày 01/01/2022 với mức tăng 15%. Đối tượng được điều chỉnh từ nguồn ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm ước khoảng 3,1 triệu người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là trên 215.000 tỷ đồng.

Sau khi phân tích các ưu, nhược điểm, Bộ chọn phương án 2, vì không quá tạo ra áp lực cho ngân sách nhà nước khi tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn ra phức tạp.

Theo đó, mức tăng 15% nhằm đảm bảo bù đắp trượt giá để duy trì giá trị của khoản lương hưu, trợ cấp hiện hưởng của người thụ hưởng do tác động bởi yếu tố lạm phát và chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế của ba năm 2019, 2020 và năm 2021 do trong năm 2020 và năm 2021 không thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH; đồng thời, điều chỉnh trên thấp hơn mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH trong 3 năm 2019, 2020 và năm 2021 (khoảng gần 17%), và phù hợp với tốc độ tăng trưởng đầu tư của quỹ BHXH.

Nếu dự thảo Nghị định được thông qua, khoảng 426.000 người đang hưởng mức dưới 2,5 triệu đồng/tháng sẽ được điều chỉnh tăng (Ảnh: Đức Lan) 

Quan tâm, nhưng quan trọng là theo hướng nào?

Những ai trong quá trình đi làm tham gia đóng BHXH ở mức cao thì được hưởng ở mức cao là chuyện bình thường. Thế nên xem ra luồng ý kiến của những người lương hưu thấp cho rằng, khi đi làm người đóng BHXH cao cũng đồng nghĩa với mức lương cao, đã được hưởng nhiều năm rồi, nên khi về hưu cần có mức chung như nhau (tính theo số năm công tác) chưa thực sự thuyết phục.

TS Phạm Đình Thành, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học BHXH, thuộc BHXH Việt Nam cho rằng, Bộ LĐ-TB&XH không nên đưa ra 2 phương án này mà điều chỉnh theo hướng khác. Cụ thể, cứ tới thời điểm 1/7 hàng năm thì xem xét điều chỉnh lương hưu như đã thực hiện từ lâu nay.

Bài toán đặt ra ở đây là tăng lương hưu vừa phải đảm bảo sự công bằng về chính sách vừa phải khắc phục bất cập về sự chênh lệch mức lương hưu quá lớn hiện nay (thấp nhất là 1,49 triệu đồng/tháng và cao nhất hơn 100 triệu đồng/tháng - đó là người đàn ông từng làm ở cơ sở liên doanh nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh và có thời điểm nhận mức lương tháng gần 250 triệu đồng).

Khi thực hiện cùng một mức tăng theo tỷ lệ chung cho mọi người, dễ tính toán, phân chia nhưng lại khiến người lao động có mức lương hưu thấp nản lòng, dẫn đến gia tăng số lượng hưởng BHXH một lần. Đây thực sự là một bất cập chưa có lời giải.

Ông Thành cho rằng nên chia theo các nhóm có mức tiền lương khác nhau với tỷ lệ điều chỉnh theo thứ tự giảm dần đối với nhóm có mức lương hưu cao hơn, hoặc có thể xác định mức tiền lương điều chỉnh bằng số tiền tuyệt đối và cũng giảm dần với nhóm có mức lương cao hơn; hoặc mọi người hưởng lương hưu đều có sự điều chỉnh bù trượt giá cùng một tỷ lệ, còn phần phân phối lại thành quả phát triển kinh tế cần có sự chia sẻ giữa những người hưởng.

Bộ Tư pháp, trong góp ý của mình nêu Nghị quyết 128/2020 của Quốc hội chưa bố trí nguồn kinh phí để thực hiện việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng năm 2021 cũng như năm 2022. Do đó, cả hai phương án trên còn thiếu cơ sở, căn cứ và chưa đủ điều kiện đảm bảo về nguồn lực tài chính để bảo đảm thi hành sau khi Nghị định được ban hành.

Cùng với đó, dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn, ngân sách nhà nước khó khăn và mức lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa được điều chỉnh.

Ở góc độ cá nhân, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) hoàn toàn ủng hộ đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho 8 nhóm đối tượng trên, cho rằng nên ủng hộ phương án nào có lợi hơn cho người hưởng. Cụ thể, phương án tăng từ 01/7/2021 có tính đáp ứng kịp thời nhưng tỷ lệ lại thấp, còn đến năm 2022 thì người lao động được hưởng mức cao hơn là 15%, nhưng lại chậm hơn 6 tháng.

Bởi lẽ, lương hưu phải bảo đảm cuộc sống của người lao động và gia đình họ. Đối tượng có lương hưu thấp đại đa số là người lao động trực tiếp chứ không phải cán bộ, công chức. Những đối tượng này lúc đi làm đã khó khăn rồi, khi về hưu với mức lương thấp, cuộc sống lại càng khó khăn hơn. Hơn nữa, theo lẽ tự nhiên, nhiều người về hưu sức khoẻ suy giảm, tốn kém chi phí khám và điều trị. Vì vậy, việc tăng tiền lương hưu cho những đối tượng trên là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

“Thực tế nếu có điều kiện, nên tăng từ 01/7 với mức 15% là hợp lý, nhưng rõ ràng để cân đối được ngân sách trong bối cảnh hiện nay là hơi khó…”, ông Quảng cho hay.

Ông Nguyễn Đức Thành, 68 tuổi, trú tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, thương binh chống Mỹ hạng 3/4 (tương ứng mức thương tật 45%), hiện đang hưởng trợ cấp hàng tháng là 2,2 triệu đồng. Vợ là lao động tự do nên cuộc sống tuổi già của hai vợ chồng gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã 12 lần điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng nhưng vẫn không thể đáp ứng được kỳ vọng của nhiều người.

“Ngay khi được biết thông tin về Dự thảo nói trên, những người hưởng chế độ như chúng tôi vô cùng vui mừng vì đó là chủ trương phù hợp với thực tế, đặc biệt trong thời điểm mà dịch bệnh xảy ra khiến đời sống của hàng vạn người lớn tuổi gặp khó khăn. Nếu thêm 200.000 đồng/tháng cũng chẳng là bao so với mức tăng của nhiều mặt hàng, giá cả nói chung hiện nay nhưng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước”, người cựu chiến binh tham gia cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972 chia sẻ.

Xét cho cùng, việc tăng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng cho bất cứ ai cũng đều rất trân quý trong giai đoạn dịch bệnh, thiên tai liên tục diễn ra. 

Dự thảo nêu 8 nhóm đối tượng, Nghị định chính thức có thể thay đổi cho phù hợp với ý kiến đóng góp, nhưng rõ ràng mọi chính sách khi đi vào cuộc sống đều khó có thể đáp ứng tối đa mọi nhu cầu, yêu cầu, đòi hỏi một cách chính đáng của người thụ hưởng.

Trước thực tế của ngân sách và nỗ lực ngày càng hoàn thiện, đồng bộ hơn của hệ thống pháp luật, câu chuyện “đóng và hưởng - nghĩa vụ và quyền lợi” với 2 "nhân vật chính" là người lao động - người sử dụng lao động và bối cảnh cả chặng đường hàng chục năm “bắt buộc và tự nguyện tham gia đóng BHXH” xem ra vẫn còn nhiều kỳ./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực