|
Cảnh sát kiểm tra các lô sữa bột đựng trong thùng của Công ty Cổ phần sữa Hà Lan. (Ảnh: Công an cung cấp).
|
Cụ thể, ngày 19/12 vừa qua, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Bộ Công an (C05) vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" xảy ra tại Công ty cổ phần Sữa Hà Lan, trụ sở tại phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội và các chi nhánh, kho hàng trực thuộc. Trước đó, qua công tác nghiệp vụ, C05 phát hiện dấu hiệu vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm xảy ra tại Công ty cổ phần Sữa Hà Lan.
Cơ quan công an đã đồng loạt ra quân kiểm tra nhà máy sản xuất của công ty, thu mẫu của 67 lô hàng để giám định. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy có 65 lô hàng chỉ đạt chỉ tiêu dưới 70% so với công bố và ghi trên nhãn hộp, tương đương với số lượng 29.400 hộp sữa đã vi phạm tiêu chuẩn công bố.
Đây không phải là vụ việc đầu tiên liên quan đến hành vi sản xuất sữa kém chất lượng, không bảo đảm các thông số đã công bố. Cuối tháng 7/2022 vừa qua, lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh cũng đã phát hiện một cơ sở sản xuất sữa với "3 không": không bảo hộ lao động, không dây chuyền hiện đại, không đảm bảo vô trùng. Tại cơ sở sản xuất này, hàng nghìn vỏ hộp sữa các nhãn hiệu nổi tiếng như: Alan Milk, Minolac, Nutripro, Mayolac, Monte… đang được xếp chồng lên nhau, chờ đơn đặt hàng là cho vào xưởng đóng hộp. Trung bình mỗi tháng, cơ sở này đã gia công và đưa ra thị trường hàng trăm nghìn hộp sữa các loại.
Thực tế cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, sữa bột đã trở thành một loại mặt hàng thiết yếu đối với đông đảo người tiêu dùng. Theo thống kê, trên thị trường sữa ở Việt Nam hiện đang có khoảng 500 loại sữa với nhiều thương hiệu, chủng loại. Sữa bột được sử dụng cho nhiều nhóm đối tượng từ người lớn tuổi, phụ nữ có thai, người bệnh hay các em nhỏ ở các độ tuổi khác nhau. Vì vậy, thông tin về các cơ sở sản xuất sữa bột kém chất lượng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận cũng là điều dễ hiểu.
Với việc mua phải các loại sữa bột kém chất lượng, quyền lợi của người tiêu dùng đã bị xâm phạm nghiêm trọng. Điển hình như vụ việc liên quan đến Công ty cổ phần Sữa Hà Lan, 29.400 hộp sữa vi phạm tiêu chuẩn công bố có tổng giá trị theo hóa đơn xuất bán là 4,1 tỷ đồng, tương đương mức giá bán bình quân khoảng trên 150.000 đồng/hộp. Song giá bán của các sản phẩm này khi đến tay người tiêu dùng lại lên đến trên 800.000 đồng/hộp. Rõ ràng, người tiêu dùng đã bỏ ra số tiền không nhỏ chỉ để có được một sản phẩm sữa bột kém chất lượng.
|
Sữa bột đã trở thành một loại mặt hàng thiết yếu. (Ảnh minh họa: Ngọc Quỳnh). |
Không chỉ thiệt hại về quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng cũng bị đe dọa nếu sử dụng các sản phẩm sữa bột kém chất lượng. Bởi theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, với đặc điểm của một loại thực phẩm đặc biệt, việc sử dụng các loại sữa bột kém chất lượng sẽ gây nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng, nhất là trẻ em và người lớn tuổi, người có bệnh nền, những người có sức đề kháng thấp. Trước hết, với nguyên liệu và quy trình sản xuất không đảm bảo, các sản phẩm sữa bột kém chất lượng sẽ có nguy cơ cao bị vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập; trực tiếp đe dọa sức khỏe của người dùng. Việc sử dụng sữa bột kém chất lượng, tùy vào trường hợp cụ thể có thể khiến người uống nhẹ thì đau bụng, buồn nôn, nặng hơn là tiêu chảy, ngộ độc, thậm chí gây liệt cơ, ảnh hưởng hệ hô hấp, gây nguy hiểm cho tính mạng, nhất là các em nhỏ cơ thể còn non yếu và sức để kháng kém. Với trẻ sơ sinh, việc sử dụng sữa bột kém chất lượng sẽ ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch; lâu dài còn dẫn đến suy gan, suy thận, suy hô hấp...
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Văn Đức cho biết, việc sản xuất sữa bột kém chất lượng, đạt chỉ tiêu dưới 70% so với công bố và ghi trên nhãn hộp đã thể hiện sự coi thường pháp luật, tính mạng và sức khỏe của người tiêu dùng. Hành vi này cần phải bị xử phạt nghiêm khắc. “Theo quy định tại Điều 193 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thì tội phạm này có thể phải đối mặt với hình phạt tù từ 02 năm đến tù chung thân. Trong đó hình phạt cao nhất là tù chung thân được áp dụng nếu thuộc một trong các trường hợp: thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên; Làm chết 02 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên", Luật sư Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh.
Trước các vụ việc sản xuất sữa bột kém chất lượng và những hệ lụy tiêu cực từ việc sử dụng các loại sữa này, dư luận cho rằng, cơ quan chức năng cần tăng cường các giải pháp đấu tranh, ngăn chặn sản phẩm sữa bột kém chất lượng, góp phần bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.
Theo đó, cần thực hiện nghiêm túc quy trình tiếp nhận, xem xét và cấp bản đăng ký công bố sản phẩm đối với các công ty sản xuất sữa bột. Tăng cường công tác hậu kiểm đối với các sản phẩm sữa bột đã được cấp phép lưu hành. Được biết, trước nguy cơ từ sữa bột kém chất lượng, Bộ Y tế đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5-2:2010/BYT với các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và yêu cầu quản lý đối với sản phẩm sữa dạng bột, bao gồm sữa bột, cream bột, whey bột và sữa bột gầy có bổ sung chất béo thực vật. Đây là cơ sở quan trọng để công tác hậu kiểm, kiểm tra, quản lý chất lượng các sản phẩm sữa bột được thực hiện có hiệu quả.
Cùng với đó, cần nghiên cứu, bổ sung hệ thống các quy định pháp luật theo hướng tăng nặng chế tài xử phạt đối với vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm nói chung và sản xuất sữa bột kém chất lượng nói riêng. Kiên quyết xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm các quy định về chất lượng sản phẩm sữa bột, hay các doanh nghiệp cố tình sản xuất và đưa ra thị trường những sản phẩm sữa bột kém chất lượng.
Đặc biệt, đối với người tiêu dùng, cần thận trọng tìm hiểu nguồn gốc, chất lượng sản phẩm sữa bột trước khi mua; chỉ sử dụng các sản phẩm sữa bột có nguồn gốc rõ ràng, của những doanh nghiệp, thương hiệu có uy tín trên thị trường; kịp thời thông báo với cơ quan thanh tra y tế, quản lý thị trường về những sản phẩm có dấu hiệu nghi ngờ giả, kém chất lượng nhằm giúp cơ quan chức năng phát hiện, xử lý mọi cá nhân, doanh nghiệp có hành vi vi phạm liên quan đến các sản phẩm sữa bột kém chất lượng./.