Ngành hàng tôm chờ đợi sự phục hồi của xuất khẩu

Thứ hai, 31/07/2023 14:47
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Với kim ngạch chiếm giá trị lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản (mức đóng góp 40-50%), ngành hàng tôm đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu trong giai đoạn nửa cuối năm khi thị trường được dự báo sẽ có những tín hiệu phục hồi.
 Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu (Nguồn ảnh: TTXVN)

Dự báo thị trường phục hồi trong nửa cuối năm

Ngành hàng tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ra thế giới trong suốt hai thập kỷ qua. Sản phẩm tôm xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia với 5 thị trưởng lớn: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40- 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5- 4 tỷ USD.  Kim ngạch xuất khẩu tôm của nước ta trong năm 2022 cũng lập kỷ lục 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021; đồng thời, ngành hàng tôm góp phần giải quyết việc làm cho trên 3 triệu lao động.

Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đạt mức 1,546 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2022, giảm 31,9% và bằng 35,9% so với kế hoạch 2023 (4,3 tỷ USD). Riêng trong tháng 6, xuất khẩu tôm đạt 328,9 triệu USD, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Top các thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 cũng ghi nhận mức sụt giảm, gồm: Hoa Kỳ (đạt 298 triệu USD, giảm 38,2%; Trung Quốc và Hồng Kông 280 triệu USD, giảm 15,7%; Nhật Bản 236 triệu USD, giảm 29,1%; EU 192 triệu USD, giảm 48,9%; Hàn Quốc 166 triệu USD, giảm 28,1%.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sụt giảm xuất khẩu tôm. Trong đó, có thể kể đến suy giảm kinh tế toàn cầu dẫn đến nhu cầu tiêu thụ chậm. Trong khi đó, hàng tồn kho còn nhiều, các nhà nhập khẩu ráo riết giải phóng hàng tồn. Các nước cạnh tranh với tôm Việt Nam như: Indonesia, Ecuador thu hoạch sớm tôm với sản lượng và kích cỡ tôm cạnh tranh với Việt Nam.

Trong bối cảnh hậu COVID-19, xung đột giữa Nga và Ukraine đã tác động mạnh mẽ lên chuỗi giá trị toàn cầu. Nhu cầu tiêu thụ của các thị trường năm 2023, áp lực từ nguồn cung của các đối thủ cạnh tranh ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế và tâm lý người nuôi dẫn đến giảm quy mô hoặc tạm ngưng thả nuôi tôm, khả năng không đảm bảo nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu khi thị trường khôi phục dần vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Trong khi đó, dự báo trong các tháng cuối năm 2023 yếu tố lạm phát, lượng hàng tồn kho sẽ có xu hướng giảm và nhu cầu cho các kỳ nghỉ cuối năm tăng sẽ giúp kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam nói riêng, mặt hàng tôm sẽ tăng trở lại tại các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc …

Nhận diện điểm mạnh của tôm Việt Nam

Trong bối cảnh thị trường ngành hàng tôm được dự báo có những tín hiệu khởi sắc trong các tháng cuối năm đang đặt ra cơ hội cho ngành hàng này lấy lại đà tăng trưởng cho kim ngạch xuất khẩu. Đây cũng là lúc chúng ta cần sớm phân tích, nhận diện những thuận lợi trước mắt, các khó khăn cần vượt qua để tận dụng cơ hội đang tới gần.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn và đóng góp lớn vào xuất khẩu nông lâm thủy sản. Trong thủy sản, tôm là ngành hàng luôn có tỷ trọng xuất khẩu cao nhất. Trong 6 tháng đầu năm, do nhiều nguyên nhân, xuất khẩu tôm của chúng ta giảm mạnh so với cùng kỳ, tuy nhiên, trong bối cảnh 6 tháng cuối năm, khi sức cầu đang phục hồi dần, và dự trữ tại các nước nhập khẩu lớn cũng ít dần, cho thấy, khả năng thị trường sẽ “ấm” lên. Tuy nhiên, nhu cầu của các thị trường như thế nào, chúng ta cần có các thông tin dự báo sớm ngay từ bây giờ.

Phân tích về thị trường Hoa Kỳ - một trong những thị trường lớn của tôm Việt Nam, ông Phạm Quang Huy - Tham tán nông nghiệp, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, sản lượng tôm ở Mỹ sản xuất chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu tiêu dùng, 90% còn lại phải nhập khẩu, chủ yếu là ở các nước Trung Mỹ, các nước Nam Á, Đông Nam Á. Đồng thời, sức mua của thị trường này đang phục hồi trở lại và kỳ vọng sẽ sớm khởi sắc trong năm 2024.

Do vậy, ông Phạm Quang Huy cho rằng, các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường này cần tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu ươm giống, sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm; liên kết với các đối tác quốc tế để nâng cao chất lượng tôm giống.

Đồng thời, cần tập trung phát triển các loài tôm bản địa có tính đặc trưng mà đối thủ cạnh tranh không có. Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện giám sát toàn bộ chuỗi sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm và nâng cao tính minh bạch. Phát triển các mô hình nuôi tôm giúp hạ giá thành sản phẩm, tiệm cận với giá của các đối thủ cạnh tranh. Đi cùng với đó là việc tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn sản xuất, an toàn thực phẩm, ghi nhãn, đăng ký các tiêu chuẩn về môi trường, lao động, nguồn gốc xuất xứ; lưu giữ đầy đủ hồ sơ quá trình sản xuất, chế biến để truy xuất thông tin và phục vụ các đợt thẩm tra tại chỗ của các cơ quan chức năng Hoa Kỳ.

Đối với thị trường Bắc Âu, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm Bắc Âu cho biết, xu hướng tiêu thụ sản phẩm tại thị trường này theo hướng phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Xu hướng của người tiêu dùng ở đây là tăng tiêu thụ thủy sản, đặc biệt là thủy sản hữu cơ. Hiện nay ý thức của người tiêu dùng về sử dụng thực phẩm lành mạnh đã tăng lên đáng kể, dẫn đến tăng trưởng của thực phẩm hữu cơ.

Do đó, bà Thúy khẳng định, thực phẩm hữu cơ, trong đó có tôm sinh thái của Việt Nam sẽ có cơ hội tăng trưởng mạnh trong thời gian tới ở thị trường này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần lưu ý, việc gia tăng sử dụng thực phẩm, sản phẩm hữu cơ sẽ tăng việc ra đời các quy định mới về nông nghiệp hữu cơ tại thị trường này, do vậy, các doanh nghiệp của chúng ta phải rất lưu ý các quy định này. Ngoài ra, muốn kinh doanh tại các siêu thị Bắc Âu, các doanh nghiệp cần lưu ý có các chứng nhận về tính bền vững từ trang trại cho đến nhà cung cấp. Đối với thị trường Bắc Âu có 2 chứng nhận quan trọng nhất, gần như bắt buộc phải có, đó là chứng nhận MSC và chứng nhận ASC. Đây là chứng nhận mà các nhà bán lẻ Bắc Âu yêu cầu phải có đối với thủy sản đánh bắt cũng như nuôi trồng.

Bên cạnh đó, ở thị trường Bắc Âu, thị trường các sản phẩm tiện lợi và đồ ăn sẵn đang tăng rất mạnh. Các doanh nghiệp sẽ tăng mua sản phẩm tôm và đây sẽ là cơ hội cho các nước xuất khẩu nếu có thể cung cấp cho các nhà chế biến các sản phẩm được tiêu chuẩn hóa, dễ dàng gia công, chế biến hoặc cung cấp các giá trị có giá trị gia tăng cao hơn cho thị trường.

Về thị trường Trung Quốc, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc nhận định, sản phẩm tôm nước lợ có lợi thế rất lớn để xuất khẩu sang thị trường này. Để xuất khẩu thủy sản nói chung và xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc, muốn đạt hiệu quả tốt, các doanh nghiệp cần tăng cường đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của thị trường Trung Quốc; tăng cường biện pháp kiểm tra giám sát đối với hoạt động xuất khẩu thủy sản. Đồng thời, cần tiếp tục tổ chức thường xuyên hơn các hoạt động phổ biến thông tin thị trường, tiêu chuẩn, vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường Trung Quốc và đặc biệt khi các doanh nghiệp nhận được cảnh báo về các lô hàng, cần tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng hai bên để duy trì hoạt động xuất khẩu.

Bàn về vấn đề xuất khẩu tôm, ông Trương Đình Hòe  - Tổng Thư ký Hiệp hội VASEP cho rằng, hiện nay, một số nước đối thủ cạnh tranh tôm của Việt Nam sẽ phải tiêu thụ hết lượng tôm nuôi lớn, trong khi đó, chúng ta có cơ hội trong những tháng cuối năm khi có sản lượng để thu hoạch. Với những dấu hiệu tốt của thị trường, vấn đề là làm sao chúng ta có thể “cầm cự” trong một thời gian nữa để chờ đợi sự phục hồi của thị trường và đi vào mùa lễ hội để cung cấp tôm.

Để thúc đẩy xuất khẩu tôm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, đây là lúc chúng ta cần nhận diện rõ những lợi thế của tôm Việt Nam. Thứ nhất, đó là tôm Việt Nam có quy trình nuôi với công nghệ tiên tiến, tầm thế giới. Thứ hai, công nghệ chế biến tôm đứng hàng đầu thế giới. Thứ ba là đa dạng hóa sản phẩm theo thị hiếu của người tiêu dùng. Thứ tư, đó là ưu thế của các hiệp định thương mại với thuế suất bằng 0%. Thứ năm là vấn đề sức cạnh tranh tốt của tôm sú hữu cơ Việt Nam. Chúng ta phải thấy được lợi thế của con tôm Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị, cần thúc đẩy hơn nữa liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp nhằm xây dựng các vùng nguyên liệu tôm đảm bảo cho yêu cầu xuất khẩu của các nước. Đồng thời, xây dựng chuỗi logistic nông sản, trong đó có ngành thủy sản để giảm tỷ lệ giá của logistic chiếm trong giá thành của sản phẩm tôm. Điều này cần sự phối hợp của các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng để cùng chung tay xây dựng chuỗi logistic. Ngoài ra, cần làm tốt công tác truyền thông, xây dựng hình ảnh đẹp về con tôm Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.

Thực tế, để gia tăng xuất khẩu ngành hàng tôm trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chúng ta cần cập nhật các thông tin kịp thời từ các thị trường, nhất là về thị hiếu tiêu dùng và đón đầu, bắt kịp khi thị trường có xu hướng khởi sắc. Bên cạnh đó, cần thông tin kịp thời các quy định thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại để thúc đẩy xuất khẩu tôm. Nắm bắt, tận dụng tối đa các cơ hội thúc đẩy xuất khẩu tôm vào các thị trường mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do và kịp thời hỗ trợ sản xuất theo nhu cầu thị trường.

Đi cùng với đó, chúng ta cần tiếp tục có các giải pháp để nâng cao chất lượng, giảm giá thành của tôm để tạo sức cạnh tranh của con tôm Việt Nam với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường thế giới. Ưu tiên nguồn lực xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kết nối giao thương để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm tôm.

Một điểm không kém phần quan trọng đó là chúng ta cần đảm bảo có đủ nguồn nguyên liệu, đa dạng, ổn định chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm để cung cấp cho chế biến, xuất khẩu. Dự báo từ nay đến cuối năm có khoảng trên 500 nghìn tấn sản lượng tôm với 2-3 vụ nuôi. Đây là một sản lượng rất lớn, do đó, chúng ta cần tiếp tục tăng cường các giải pháp để đảm bảo được nguồn nguyên liệu này.

Cơ hội của ngành hàng tôm đang đến gần, chúng ta chờ đợi sự bứt phá của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm trong các tháng cuối năm./.

 

 

B.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực