Thời hoàng kim của những hãng phim được bao cấp đã đi qua. (Ảnh: vnexpress)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam. Với những người làm nghệ thuật, chắc hẳn sẽ rất khó chấp nhận việc những giá trị mang tính lịch sử của hãng phim được định giá thương hiệu bằng 0. Nhưng với những nhà quản lý kinh tế, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước sẽ không thể dựa trên cảm tính. Sự yếu kém, hoặc thiếu hiểu biết, vô tình hay cố ý đã để lại không ít những bài học đắt giá. Hẳn chưa ai quên thương vụ “ăn kem kèm đất” của Tập đoàn Đại Dương khi thương hiệu Kem Tràng Tiền với mảnh đất vàng giữa lòng thủ đô bị thôn tính. Những dấu hiệu tương tự liệu có đang xuất hiện với Hãng phim truyện Việt Nam?
Tất nhiên, đó không phải là câu chuyện của những nghệ sỹ. Những người làm nghệ thuật dù có lờ mờ đoán ra sự khuất tất nào đó cũng không thể đảo ngược được sự thật về cái chết lâm sàng của một hãng phim lừng danh trong dĩ vãng. Sự thật ấy nói rằng, giờ đây người ta chỉ còn biết đến địa chỉ số 4 Thụy Khuê với thịt xiên nướng và nem lụi Huế. Sự thật về tình trạng xuống cấp thê thảm cả ở cơ sở vật chất lẫn tinh thần của cả hãng phim. Chẳng có hướng đi nào hết, và cũng chẳng có tương lai nào hết với một cơ chế giăng đầy mạng nhện ở đó. Đúng thế, có những sự thật dù đau lòng nhưng không thể chối bỏ!
Cách làm phim kiểu xin-cho, tư duy bao cấp từ nhà nước đã khiến ngành điện ảnh nước nhà đi vào ngõ cụt. Khi các rạp chiếu phim bắt đầu tư nhân hóa, khi các hãng tư nhân sẵn sàng bỏ tiền để tạo ra sức hút với công chúng bằng phim bom tấn hay những dự án marketing rầm rộ, phim quốc doanh vẫn ngồi chờ được... rót vốn. Trong bối cảnh ấy, việc cạnh tranh là điều không tưởng. Những người yêu mến điện ảnh nước nhà chưa bao giờ quên sức ảnh hưởng từ những thế hệ xuất chúng của Hãng phim truyện Việt Nam. Có điều, không ai có thể ngày nào cũng chỉ xem lại "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", “Biệt động Sài Gòn" hay "Em bé Hà Nội".
Đã từ lâu, những người nghệ sỹ đã phải sống trong sự bất lực và mất phương hướng với nghề. Đó là điều dễ hiểu khi cơ chế hoạt động của toàn ngành điện ảnh đang đi theo xu hướng “mạnh ai nấy chạy”. Nhà nước vẫn phải đổ tiền để làm phim, nhưng nguồn tiền ấy không thể tạo nên hiệu quả khi phải gánh cả lương lẫn các chi phí phụ khác của cả một hãng phim. Quá trình cổ phần hóa để xây dựng lại một mái nhà đổ nát sẽ tạo ra nhiều thách thức và cả đau đớn. Nhưng đó là điều không thể khác, điều phải đến sẽ đến.
Những xung đột giữa VFS và Vivaso thực tế rất khó tránh khỏi. Nó cũng giống như khi người làm nghệ thuật bắt buộc phải dựa vào kinh tế để tự cứu mình. Tuy nhiên, chìa khóa để giải quyết vấn đề lại không nằm ở 2 đơn vị này. Nếu các bộ ngành liên quan không sớm có giải pháp để trung hòa lợi ích và xử lý khủng hoảng, vết dầu loang sẽ xuất hiện không chỉ với ngành điện ảnh.
Sau cùng, câu hỏi về cái giá của nghệ thuật sẽ được trả lời như thế nào. Nếu như nghệ thuật là vô giá, thì cơ chế chính sách, năng lực vận hành và phương hướng phát triển nào có thể bảo vệ giá trị bất biến ấy? Người ta không thể xem giá trị thương hiệu của một hãng phim là 0 đồng, chỉ vì chưa có tiền lệ xử trí với tính đặc thù của ngành. Cũng như việc chúng ta không có quyền định giá những giá trị lịch sử khi không đủ sức, đủ tầm để bảo vệ nó./.