Âm nhạc truyền thống đang gặp khó khăn về định hướng phát triển (ảnh: cinet.vn)
Hạn chế về sáng tạc âm nhạc đã và đang là những vấn đề quá rõ ràng. Những nhà làm nhạc thị trường đổ lỗi cho sự “thiếu định hướng”. Những vị hàn lâm đổ lỗi cho trình độ thẩm nhạc của khán giả. Còn người nghe, đặc biệt là giới trẻ vẫn bị cuốn đi giữa vòng xoáy hỗn loạn của các tư tưởng, trường phái ngoại lai hoặc pha tạp. Mọi thứ sẽ không thể thay đổi, khi đích đến cần thiết của nghệ thuật vẫn đang là điều gây tranh cãi.
Thực tế, âm nhạc Việt Nam đã trải qua một bề dày phát triển vô cùng đồ sộ và đáng ghi nhận. Âm nhạc truyền thống xuất hiện từ rất sớm, với chèo, xẩm, ca trù, cải lương, nhã nhạc hay quan họ. Sau đó, cuối thế kỷ 19, từ người Pháp, âm hưởng phương Tây đã tác động rất lớn tới tân nhạc, đặc biệt là nhạc tiền chiến. Ở thập niên 80, nhạc Hồng Kông ( Trung Quốc) bắt đầu du nhập và tạo ra một làn sóng chinh phục thị trường với CantoPop độc đáo. Đó là thời điểm các sáng tác thịnh hành của Việt Nam mang màu sắc ảnh hưởng rất lớn của họ, tiền đề cho các sáng tác mang âm hưởng nhạc Hoa. Nhưng sau rất nhiều thăng trầm, nhạc Việt hiện tại có vẻ vẫn chưa tự đứng vững được với một phong cách riêng biệt và độc lập. Ảnh hưởng rất rõ ràng từ K-pop cho các bản hit trên thị trường hiện tại là một ví dụ.
Quý hồ tinh bất quý hồ đa, nếu như nhạc Việt với vô số những trường phái du nhập vẫn chưa thấy đường đi, thì làn sóng gây sốt lan tỏa từ Đông Bắc Á chỉ mất có chưa đầy 10 năm để thăng hoa trên toàn cầu.
Sự dễ dãi trong sáng tác, trong gu thẩm mỹ, hay cả phê bình âm nhạc có vẻ đang khiến nền âm nhạc của chúng ta chạy theo sự “ăn xổi” của các va chạm từ bên ngoài, thay vì tìm kiếm tinh hoa. Chỉ cần nhìn vào đầu ra của các sản phẩm âm nhạc, có thể thấy những vấn đề trong việc đào tạo, tính chiến lược và định hướng sự chuyên nghiệp. Không biết từ bao giờ, tính triết lý về âm nhạc đỉnh cao đã bị đánh đồng với hằng hà sa số các tác phẩm phong trào hoặc quốc doanh. Cũng dễ hiểu thôi, khi các ca khúc chất lượng ở mọi loại hình đang trở nên khó tìm hơn bao giờ hết, cả người nghe lẫn người làm nhạc sẽ dần có xu hướng chạy theo thị hiếu số đông.
Từ các chương trình truyền hình cho đến các sân khấu lớn, âm nhạc Việt đang xoay quanh những giá trị nghiệp dư nhiều hơn là tính nghiêm túc. Không khó hiểu khi những cuộc thi từng được đánh giá cao về chất lượng như Sao mai điểm hẹn hay Tiếng hát truyền hình không còn thu hút được người xem. Đó cũng là lý do khiến thị trường trở nên khan hiếm sự độc đáo hay những sáng tạo tinh tế. Như một logic, các hội ngành lớn về âm nhạc cũng vì thế mà đánh mất vai trò chủ đạo trong cả định hướng lẫn quản lý.
Không còn nghi ngờ gì nữa, sự du nhập tràn lan trong âm nhạc đang thắng thế hoàn toàn trước những giá trị truyền thống. Dĩ nhiên, với một loại hình nghệ thuật quá đặc thù, thậm chí những đánh giá qua lăng kính khoa học cũng đầy khiên cưỡng. Nhưng liệu đã đến lúc hay chưa, những chuyên gia phải có trách nhiệm phải nhìn nhận lại sự thật về chất lượng âm nhạc nước nhà?
Sự thật, không thể phủ nhận khả năng hội nhập và tiếp nhận các xu hướng ngoại quốc rất nhanh của nhạc Việt. Nhưng mặt khác, hình như đó lại là cơ sở tạo ra thói quen tự bằng lòng với bản thân, thậm chí sẵn sàng “đạo chích” để chinh phục số đông. Qua internet và mạng xã hội, chưa bao giờ người nghe nhạc lại dễ dàng tiếp cận được đỉnh cao của âm nhạc thế giới đến thế. Nhưng cũng thật dễ dàng, người ta nhận thấy âm nhạc Việt đang vừa yếu, vừa thiếu sự khác biệt đến thế nào.
Sự khác biệt sẽ không tự nhiên mà có trong nghệ thuật. Bên cạnh tài năng, môi trường âm nhạc ở nghĩa rộng cũng là yếu tố rất quan trọng cho những tác phẩm tốt. Khác biệt không phải là lập dị. Khác biệt phải đi đôi với phản biện và thói quen chấp nhận phản biện. Tinh hoa chỉ có thể xuất hiện khi cả khán giả lẫn người làm nghệ thuật đề cao sự khác biệt từ lao động nghiêm túc. Còn khi một nền âm nhạc vẫn khó chịu với sự phản biện hay dễ dãi trong phát triển, đó chính là biểu hiện đầu tiên của sự lạc hậu không đường ra./.