Nỗi lo từ những “biển người”!

Thứ năm, 29/04/2021 21:37
(ĐCSVN) – Sau một loạt biện pháp kích cầu du lịch được triển khai, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 được dự báo lưu lượng người dân đi du lịch "giá rẻ" tăng cao, kéo theo nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 là rất lớn. Điều này làm dấy lên nỗi lo về tụ tập đông người ở các bãi biển.

Sự kiện hơn 10.000 người tham dự đêm khai hội du lịch Sầm Sơn năm 2021 vừa diễn ra ở Thanh Hóa nhưng rất nhiều người không đeo khẩu trang, không có biện pháp phòng chống dịch đã dấy lên lo ngại trong dư luận về sự lây nhiễm dịch COVID-19. Dự kiến, dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 tới đây, TP biển Sầm Sơn sẽ đón khoảng 100.000 khách (trong đó, mỗi ngày có khoảng 40.000 - 50.000 khách lưu trú qua đêm).

 Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 được dự báo lưu lượng người dân đi du lịch tăng cao, kéo theo nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 là rất lớn. (Ảnh minh họa: Ảnh: NK)

Tương tự, TP Đà Nẵng cũng dự kiến đón gần 130.000 lượt khách trong dịp nghỉ lễ sắp tới, trong đó chủ yếu là khách lưu trú tại các khách sạn ven biển. Hay tại Kiên Giang, Sở Du lịch tỉnh này cho biết, trong ngày nghỉ lễ sắp tới, ước tính có khoảng trên 80.000 lượt khách du lịch đến với Kiên Giang; còn Khánh Hòa cũng dự kiến đón 70.000 lượt khách du lịch trong 4 ngày nghỉ lễ…

Nhìn vào hình ảnh biển người chen chân tại đêm khai hội Sầm Sơn cuối tuần qua, mà khẩu trang lơ thơ kẻ có người không thực sự đáng lo ngại, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi đại dịch COVID-19 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Nếu trong biển người ấy, có một ca F0 xuất hiện, chúng ta sẽ truy vết thế nào, nguy cơ dịch bệnh sẽ lây nhiễm, bùng phát đến đâu?.

Chẳng riêng gì ở biển Sầm Sơn, tại lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua, rất nhiều du khách cũng thờ ơ phòng, chống dịch, nhiều người cả gia đình không ai đeo khẩu trang, có người chỉ đeo khẩu trang kiểu đối phó, có người thì đeo hờ dưới mũi. Thậm chí, nhiều người khi chen chân, nóng nực, oi bức cởi bỏ cả khẩu trang hòa vào dòng người đi lễ.

Hay tại các địa điểm công cộng khác như bệnh viện, bến xe, rạp chiếu phim, siêu thị… hiện nay, người dân bắt đầu có tâm lý chủ quan, lơ là. Nhiều người không đeo nhưng cũng không bị ai nhắc nhở. Còn tại các sân bay, Cục Hàng không cho biết, qua kiểm tra giám sát thời gian gần đây đã phát hiện nhiều hành khách khi vào khu vực cách ly, người thân đưa/đón khách, tài xế taxi, xe hợp đồng vào khu vực nhà ga… không đeo khẩu trang theo quy định. Những biểu hiện lơ là, thiếu cảnh giác làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh qua đường hàng không, đặc biệt là tình trạng hành khách không đeo khẩu trang tại khu vực cách ly của nhà ga. Trước tình hình đó, Cục Hàng không đã có công điện khẩn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch, giám sát hành khách đeo khẩu trang, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và cao điểm Hè.

Có thể nói, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới cũng như một số nước trong cùng khu vực với Việt Nam đang diễn biến căng thẳng. Nguy cơ đợt dịch thứ 4 luôn hiện hữu trên khắp cả nước. Các chuyên gia nhận định, trong dịp nghỉ lễ dài ngày sắp tới (30/4-1/5), nếu nơi nào tập trung đông người, không tuân thủ các quy định phòng chống dịch, người dân không thực hiện 5K… thì nơi đó nguy cơ lây lan dịch rất lớn.

PGS.TS. Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, mặc dù thời gian qua chúng ta đã kiểm soát được dịch COVID-19, đời sống của người dân được trở lại trong điều kiện bình thường mới, nhưng dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào, vì nguy cơ dịch bệnh từ bên ngoài vào Việt Nam là rất cao, nhất là khi hiện nay một bộ phận người dân, cơ quan quản lý nảy sinh tâm lý chủ quan, lơ là trong việc thực hiện 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế (khẩu trang, khoảng cách, khử khuẩn, không tụ tập, khai báo y tế). Nguy cơ này càng cao khi người dân tụ tập đông người ở các lễ hội, điểm du lịch trong kỳ nghỉ dài sắp tới. 

Ông Trần Đắc Phu phân tích, chỉ trong mấy tuần gần đây, diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới diễn biến rất phức tạp. Trong đó, Ấn Độ bùng phát dịch với số mắc và số ca tử vong cao, dịch khó kiểm soát. Một trong những nguyên nhân gây ra “làn sóng” tăng nhanh số ca mắc và tử vong ở Ấn Độ là do các cuộc tụ tập đông người và không sử dụng các biện pháp cá nhân để phòng dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, trong đó lễ hội bên bờ sông Hằng là một ví dụ.

Kêu gọi người dân đeo khẩu trang và giữ khoảng cách ở nơi đông người. Mỗi người vì sức khỏe cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, vì chính mình. (Ảnh: HL)

Tại Việt Nam, dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 4 ngày, nhiều lễ hội và điểm du lịch sẽ được tổ chức trên khắp cả nước. Người dân của nhiều tỉnh, thành phố cùng tụ tập về các điểm lễ hội, khu du lịch, nên nguy cơ lây bệnh rất lớn nếu có ca bệnh trong cộng đồng. Đặc biệt, các triệu chứng lâm sàng khi nhiễm SARS-CoV-2 gần như rất khó phát hiện, cùng với việc “vô tư” giao lưu của người dân, cũng như sự kiểm soát lỏng lẻo tại các điểm lễ hội, khu du lịch sẽ khiến dịch lan rộng sang nhiều tỉnh, thành phố cùng lúc, chứ không còn là 1-2 tỉnh như các đợt dịch trước.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng rất lo lắng và nhiều lần nhấn mạnh, nguy cơ xuất hiện đợt dịch lần thứ 4 ở nước ta rất lớn và dịch lần sau thường tàn khốc hơn lần trước. Đặc biệt, nguy cơ các biến chủng kép SARS-CoV-2 tại Ấn Độ, hoặc biến chủng của Anh, của Nam Phi tại các quốc gia trong khu vực với nước ta có khả năng lây lan rất nhanh. Các biến chủng này nếu xâm nhập vào nước ta mà chúng ta không thể biết được, thì việc lây nhiễm từ ổ dịch nhỏ đến ổ dịch lớn là không khó.

Phải thừa nhận rằng, khi nền y tế nước ta chưa đủ mạnh, chỉ cần lơ là, mất kiểm soát dịch là hậu quả khôn lường, giường bệnh, cơ số thuốc, máy thở… sẽ không thể đáp ứng kịp việc cứu chữa các bệnh nhân nếu dịch lan rộng trong thời gian ngắn, lượng người mắc lớn.

Để chủ động phòng chống dịch COVID-19, nhất là dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Bộ Y tế kêu gọi người dân hạn chế đến nơi công cộng, tập trung đông người; không được chủ quan, lơ là; luôn đề cao cảnh giác phòng, chống dịch. Các chuyên gia dịch tễ thì khuyến cáo, người dân cần thực hiện triệt để khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, trong đó 2 yếu tố quan trọng có thể quyết định làm giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19, đó là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Cùng với đó, tất cả những ai thuộc nhóm đối tượng được tiêm chủng hãy thực hiện tiêm chủng đầy đủ để chúng ta có thể kiểm soát tốt tình hình.

Cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù Việt Nam đang được xem là yên bình trước dịch bệnh, thế nhưng điều đó không cho phép chúng ta “ngơi nghỉ”, mất cảnh giác, nhất là khi các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan… đang trở thành điểm nóng.

Phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có  là điều quan trọng nhưng để dịch bùng phát thì trước hết là ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của mỗi cá nhân và cũng “cuốn trôi” những thành quả kinh tế đã đạt được. Phát triển kinh tế phải song song với phòng chống dịch, với “5K+vaccine”, trước hết là đeo khẩu trang ở nơi công cộng, nơi đông người, đây là "chiếc áo giáp" hữu hiệu nhất bảo vệ người dân mà Bộ Y tế khuyến cáo.

Còn một ngày nữa là đến nghỉ Lễ. Các lực lượng chức năng đang căng mình chống dịch. Chúng ta kiên quyết không để dịch bùng phát trở lại, mỗi người vì sức khỏe cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, vì chính mình!.

 

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực