Sáp nhập một loạt ngân hàng có làm gia tăng nợ xấu?

Chủ nhật, 02/08/2015 15:29

(ĐCSVN) – Từ đầu năm 2015 tới nay, xu hướng mua bán, sáp nhập (M&A) các ngân hàng diễn ra liên tục, đặc biệt là các ngân hàng lớn và các ngân hàng quốc doanh. Hàng loạt các vụ M&A đã tạo ra những bước chuyển trong hoạt động ngân hàng. Trong bước chuyển này, có những thay đổi tích cực và cũng không ít bất cập buộc các ngân hàng phải đối mặt để xử lý.

Thực tế, M&A ngân hàng là chủ trương lớn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), giúp ngân hàng sau sáp nhập tăng trưởng vượt bậc về quy mô, cộng hưởng thế mạnh của cả hai, gia tăng khả năng nhận diện thương hiệu trên thị trường, đồng thời giảm thiểu chi phí.

 

 Tính đến thời điểm này, VietinBank đang tiếp nhận về mình thêm 3 ngân hàng theo chỉ định của NHNN là Ocean Bank, PG.Bank và GP.Bank (Ảnh: Một gian hàng của VietinBank tại Hội chợ triển lãm bất động sản Việt Nam lần thứ nhất 2015 - HNV)

Cùng với đó, theo lộ trình thì việc tái cơ cấu theo hướng giảm từ hơn 30 NHTM xuống còn 15 NHTM đến năm 2017 nên số lượng ngân hàng sắp tới sẽ “biến mất” khỏi thị trường theo đề án tái cấu là không hề nhỏ. Theo đó làn sóng sáp nhập, hợp nhất, mua bán trong lĩnh vực ngân hàng sẽ diễn ra sôi động trong thời gian tới, đặc biệt là 6 tháng cuối năm. Bởi lẽ, hiện các ngân hàng cũng đang bước vào giai đoạn 2 của quá trình tái cơ cấu nên đang đẩy mạnh hoạt động M&A và đây cũng là cách ngắn nhất để đưa tỷ lệ nợ xấu về 3% vào cuối năm 2015 theo chủ trương của NHNN và đang được cơ quan này thực hiện quyết liệt.

Bản thân NHNN cũng đặt ra mục tiêu năm 2015 vẫn sẽ là triển khai quyết liệt hoạt động M&A để ổn định hoạt động của hệ thống. Và, theo Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh, dự kiến sẽ có thêm 6 thương vụ M&A ngân hàng diễn ra trong năm 2015 này.

Nhìn lại các vụ sáp nhập ngân hàng thương mại gần đây, trong Báo cáo điểm lại cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam công bố ngày 20/7/2015, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, năm 2014, quá trình hợp nhất chủ yếu liên quan tới sáp nhập các ngân hàng nhỏ hơn (và hoạt động yếu kém hơn), còn năm 2015 chứng kiến nhiều thương vụ mua lại các ngân hàng nhỏ hơn của các NHTM nhà nước lớn. Theo WB, trong 6 tháng đầu năm 2015, tiến độ hợp nhất ngân hàng được đẩy nhanh và mạnh. “Thay vì cho phép các ngân hàng yếu kém tuyên bố phá sản, NHNN Việt Nam tiếp quản nhiều ngân hàng nhỏ hơn và bổ nhiệm lãnh đạo điều hành có kinh nghiệm của các NHTM nhà nước vào các vị trí chủ chốt để thúc đẩy chuyển đổi vận hành” - nhóm chuyên gia của WB bình luận.

Cũng theo WB, nợ xấu xử lý còn chậm so với kỳ vọng là do bó buộc về mặt pháp lý và do cả nguồn vốn thấp của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

WB nhìn nhận, tính đến cuối tháng 5/2015, theo báo cáo của VAMC thì công ty này đã gom vào 152 nghìn tỷ đồng nợ xấu và xử lý thêm 3 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đa số tài sản này được chuyển nhượng để đổi lấy trái phiếu, nên không xóa bỏ hoàn toàn rủi ro trong hệ thống ngân hàng. Vì, nợ xấu chưa giải quyết sẽ được trả lại các ngân hàng khi trái phiếu đến hạn.

Các chuyên gia của WB cũng hơn một lần nhấn mạnh: vào thởi điểm hiện tại, vốn của VAMC còn nhỏ để xử lý triệt để nợ xấu.

Người đứng đầu ngành Ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã từng khẳng định rằng, dù nợ xấu có tăng nhưng vẫn không nằm ngoài dự tính của NHNN. Tuy nhiên, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, hầu hết các ngân hàng sau sáp nhập phải "ôm" và xử lý khối nợ xấu rất lớn nên đương nhiên khó đạt kế hoạch kinh doanh như kỳ vọng, thậm chí "nhiều ngân hàng khổ vì khoản nợ xấu này, nó là yếu tố tác động rất tiêu cực đến lợi nhuận ngân hàng” chuyên gia Trí Hiếu nói.

Cũng theo các chuyên gia, lượng nợ xấu mà (VAMC) mua lại từ các ngân hàng hiện rất lớn và dự kiến đến cuối năm 2015 đạt trên 200.000 tỷ đồng, nhưng đầu ra của nợ xấu vẫn là “ẩn số” chưa có lời giải. Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, việc bán nợ xấu cho VAMC chỉ là làm sạch con số nợ xấu trong bản cân đối tài chính của các ngân hàng nhưng thực tế nợ xấu vẫn còn đó vì VAMC hiện vẫn chưa xử lý được số nợ xấu sau khi mua. TS Trần Du Lịch cũng cho rằng, việc đốc thúc các NHTM đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC cũng chỉ mới gom nợ xấu về một mối nhưng vẫn chưa giải quyết được đầu ra. Theo TS Trần Du Lịch, chính thủ tục phát mãi tài sản đảm bảo còn nhiều vướng mắc, tựa như tình trạng “kẹt xe” đã khiến cho các “xe” chở nợ xấu của VAMC phải đứng lại bên lề đường, do vậy tình trạng “kẹt xe” ngày càng tăng, dẫn đến khó khăn cho nền kinh tế khi dòng vốn tín dụng ùn ứ không lưu thông được. Theo TS Lịch: “một trong những giải pháp đẩy mạnh việc xử lý nợ, đó là phải tháo gỡ vướng mắc cho khâu phát mãi tài sản đảm bảo. Đây mới là mấu chốt cho việc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. Và để “gỡ” cho khâu này thì cần có sự chung tay của các cơ quan ban ngành”.

Không phủ nhận một thực tế, sau các vụ sáp nhập, các ngân hàng có quy mô lớn hơn nhưng nặng nợ xấu, nhân sự đông đảo nhưng vênh nhau về năng lực, hệ thống công nghệ không đồng nhất và áp lực sụt giảm lợi nhuận... Đây thực sự là những thách thức mà các ngân hàng buộc phải xử lý. SHB là một ví dụ. Khi tiếp quản Habubank, nợ xấu của nhà băng này từ dưới 3% ngay lập tức vọt lên tới hai con số. Ngay sau khi nhận Habubank, ngân hàng này chuyển từ lãi sang lỗ hơn 1.100 tỷ đồng hồi quý III/2012. Sau đó, SHB dần có lãi trở lại, nợ xấu cũng giảm dần từ 9%, 7% rồi 3%, nhưng cả lãnh đạo lẫn tập thể công nhân viên SHB chắc còn phải giải quyết lâu dài và tích cực hơn nữa vì nợ xấu của Habubank.

Hay việc sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) về Sacombank cũng khiến nhiều cổ đông lo lắng vì e ngại tỷ lệ nợ xấu khá cao. Nợ xấu Sacombank hiện là 1,5% trên tổng dư nợ, trong khi nợ xấu của Southern Bank cuối tháng 12/2013 công bố là 3,39%. Báo cáo Kiểm toán Nhà nước công bố ngày 10/7/2015 dẫn số liệu của NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho thấy, tỷ lệ nợ xấu thực tế tại Southern Bank tại 30/6/2012 là 45,6%, tháng 11/2013 lên tới 55,31%.

Một chuyên gia trong ngành đã đưa ra nhận xét rằng, sự thành công của mỗi thương vụ sáp nhập giữa các ngân hàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song trên hết là lợi ích tạo ra cho hai bên, cho nền kinh tế, cho xã hội. "Nếu chúng ta muốn hình thành nên những quả đấm thép, những ngân hàng tầm cỡ ngang các ngân hàng khu vực, thì phải hết sức thận trọng trong cách đánh giá tiền sáp nhập cũng như chiến lược điều hành của ngân hàng hậu sáp nhập, chứ không đơn thuần chỉ là bài toán 1 cộng 1 bằng 2 đơn thuần”- chuyên gia này cảnh báo.

Dù vậy, vẫn phải khẳng định rằng, M&A các ngân hàng đang là hướng đi đúng. Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, ngoài mục tiêu ưu tiên là ngăn chặn rủi ro có thể ảnh hưởng xấu đến lợi ích xã hội, việc mua lại các ngân hàng thuộc nhóm yếu kém không thể khắc phục còn dẫn đến một số điểm khác: bớt đi sở hữu chéo và khỏi thoái vốn ngoài ngành tại đây. Đơn cử như, qua trường hợp mua NHTMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), quan hệ sở hữu của cổ đông Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chấm dứt; vốn của 4 cổ đông nhà nước khác cũng không còn.

Ngày 2/2/2015, NHNN chính thức ban hành Quyết định mua lại bắt buộc NHTMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) với giá 0 đồng. Ngay sau đó, NHNN đã chỉ định Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đứng ra tham gia quản trị, điều hành và kiện toàn hoạt động trong giai đoạn mới.

Tháng 4/2015, NHNN ra thông báo về việc mua lại toàn bộ cổ phần Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích, và tư cách của cổ đông hiện hữu của ngân hàng này. Để đảm bảo ổn định công tác quản trị, điều hành, NHNN chỉ định NHTMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) tham gia quản trị, điều hành OceanBank.

Ngày 5/5/2015, Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) chính thức sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Ngày 7/7/2015, NHNN chính thức ban hành Quyết định mua lại bắt buộc NHTMCP Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank) với giá 0 đồng. Ngay sau đó, NHNN đã chỉ định VietinBank đứng ra tham gia quản trị, điều hành và kiện toàn hoạt động trong giai đoạn mới.

Ngày 11/7/2015, Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) sáp nhập về NHTMCP Sài Gòn – Thương Tín (Sacombank)

Mới đây, NHNN cũng chính thức ban hành Quyết định mua lại bắt buộc NHTMCP xăng dầu Petrolimex (PG.Bank) với giá 0 đồng. Ngay sau đó, NHNN đã chỉ định VietinBank đứng ra tham gia quản trị, điều hành và kiện toàn hoạt động trong giai đoạn mới.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực