Sông Tô sớm có lại nét xưa

Thứ ba, 19/01/2021 15:21
(ĐCSVN) - Trải qua các giai đoạn lịch sử với nhiều tên gọi như Lai Tô, Hương Bài, Địa Bảo, hiện mỗi ngày sông Tô Lịch đang oằn mình hứng chịu khoảng 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý cho chiều dài 14 km với hơn 280 cửa xả.

Cần xử lý nguồn nước thải

Trong khi dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (diện tích gần 5ha ở thôn Yên Xá, huyện Thanh Trì, khởi công đầu tháng 10/2016, dự kiến hoạt động năm 2021 với tổng mức đầu tư hơn 800 triệu USD từ vốn vay ODA Nhật Bản và đối ứng của thành phố Hà Nội) vẫn đang tích cực triển khai, thì thực tế “sức khỏe con sông nước chảy hiền hòa, hoa phượng nở, đường uốn quanh” đặt ra yêu cầu cấp bách làm sao dẫn nước sông Hồng vào bổ cập cho sông Tô Lịch do lượng nước sau xử lý cấp lại cho dòng sông chưa đủ.

 Một đoạn sông Tô Lịch (Ảnh: Đức Anh)

Tại thời điểm này, đang có 2 đề xuất, cụ thể, Công ty thoát nước Hà Nội sẽ lấy nước qua hệ thống máy bơm và đường ống áp lực để đổ vào hồ Tây, khi đạt mực nước cần thiết sẽ mở các cửa xả ra sông Tô Lịch để pha loãng và làm sạch nước, trong khi đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội sẽ bổ cập nước qua cống Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm), tức là không cần phải bơm qua hồ Tây.

Đề án gói gọn trong khái toán chi phí khoảng 150 tỷ đồng, quan trọng nhất là chứng minh được những ưu điểm nổi bật về kinh tế, xã hội và môi trường, đồng thời, cần tính tới chuyện sau khi hồ Tây, sông Tô Lịch đã được làm sạch thì khai thác thế nào để nâng cao giá trị văn hoá, cảnh quan. Cùng với đó là sự hài hòa trong tổng thể quy hoạch chung của Thủ đô cũng như các quy hoạch chuyên ngành khác, tránh chồng chéo, giảm hiệu quả đầu tư.

Nhiều ý tưởng chưa được thực hiện

Đa phần nước trong các dòng sông ở nội thành Hà Nội chủ yếu có nguồn từ hệ thống cống thải, nước rất ít và gần như không có dòng chảy. Do đó, giải quyết vấn đề nói trên không đơn giản, đòi hỏi có sự tham gia của nhiều đơn vị liên quan.

Ông Tô Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, cho rằng giải pháp bổ cập nước hồ Tây và thông qua hồ Tây tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch được chuyên gia Liên Xô đề cập lần đầu tiên năm 1981 trong đồ án quy hoạch tổng thể phát triển Hà Nội.

Những năm sau đó, xuất hiện nhiều đề xuất cho việc cải tạo môi trường hồ Tây và hệ thống sông nội thành Hà Nội như: Lấy nước từ sông Đà cấp bổ sung cho sông Tích, Đáy, Nhuệ phục vụ nông nghiệp và môi trường kết hợp bổ cập nước cho hồ Tây, sông Tô Lịch; lấy nước từ hồ Hoà Bình, tận dụng cao độ mức nước hồ để thông qua hệ thống truyền dẫn tự động chảy bổ cập cho sông, hồ nội thành.

Đầu những năm 2000, JICA đề xuất dùng chính nguồn nước thải của thành phố, đưa về các trạm xử lý cục bộ làm sạch rồi bổ cập cho sông; gần đây nhất là việc thí điểm làm sạch hồ Tây, sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano của Nhật Bản... Nhưng tất cả các đề xuất trên đều không được thực hiện hoặc chưa thành công.

Sơ đồ phương án dẫn nước sông Hồng và hồ Tây. Nguồn: Công ty thoát nước Hà Nội.

Sơ đồ phương án dẫn nước sông Hồng và hồ Tây (Nguồn: Công ty thoát nước Hà Nội)

Theo ông Lê Minh Châu, nguyên Giám đốc Công ty thoát nước Hà Nội, những năm 1996 -1998, thành phố Hà Nội từng nhiều lần tổ chức hội thảo về chủ đề trên.

"Nếu hôm nay chúng ta không đạt được đồng thuận và vẫn có nhiều ý kiến khác nhau thì đề án chả bao giờ thực hiện được. Có lẽ sau 20 năm nữa lại có những hội thảo như thế này, tuy nhiên nhiều người ngồi ở đây hôm nay chắc không thể tham dự", ông Châu nói.

Tính tới thời điểm năm 2021, đề án lần này có đầy đủ các yếu tố khoa học kỹ thuật, kinh tế, môi trường, văn hoá, lịch sử..., hơn nữa bối cảnh hồ Tây và sông Tô Lịch hiện nay đòi hỏi cấp thiết phải cải tạo môi trường, nếu để vài năm nữa thì sẽ không còn hồ mà chỉ còn đầm, Tô Lịch sẽ là dòng sông chết.

Trong khi đó, ông Đồng Minh Sơn, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nêu thực tế, lâu nay người dân các huyện ngoại thành "biết thừa nước sông Nhuệ, Đáy và Tô Lịch ô nhiễm, không thể tưới cây được nữa". Ở huyện Phú Xuyên, một trạm bơm cố định được xây dựng và dùng để bơm nước từ sông Đà cho nhiều khu vực ở huyện chứ không lấy nước từ các lưu vực sông kết nối với dòng chảy từ nội thành ra. 

"Việc dẫn nước để làm loãng nước sông khu vực nội thành và dẫn dòng chảy đã được tính toán trước đây, chẳng hạn như lấy nước vào sông Đáy qua cống Cẩm Đình, cống ở sông Nhuệ. Nhưng giờ mực nước thấp không tự chảy được nên mới phải tính bổ cập nước bằng hệ thống máy bơm", ông Sơn nói và cho rằng việc bơm bước sông Hồng "cứu" sông Tô Lịch là cần thiết, nhưng về lâu dài thành phố cần có những đề án tổng thể hơn để giải quyết môi trường của sông, hồ trong nội thành, đó là kiểm soát, xử lý tương đối triệt để nguồn nước thải đổ vào con sông, đồng thời khơi thông dòng chảy, tạo cảnh quan cây xanh hài hòa với hạ tầng ven sông. Cùng với đó là ý nâng cao ý thức, nhận thức của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ, giữ gìn, duy trì và từng bước hồi sinh con sông.

Quyết liệt sớm đưa sông Tô có nét xưa

Sông Hồng chảy qua các tỉnh, thành gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình và Nam Định nên không thể một địa phương nào đó thích thì lấy nước, khi lấy nước làm nông nghiệp sẽ không ai thắc mắc nhưng lấy phục vụ mục đích khác cần giải thích rõ.

Việc này có thể làm thay đổi dòng chảy, tác động đến hai bờ sông và dồn lượng bùn, cát xuống cống Xuân Quan thuộc hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Hơn nữa, thực tế mực nước sông Hồng nhiều năm trở lại đây ngày càng xuống thấp, lượng nước về đến cống Xuân Quan vẫn thiếu, nếu còn lấy nước bổ cập cho sông Tô Lịch thì cống Xuân Quan đương nhiên cạn nước.

Vẫn ví von “nhiều như nước sông Hồng” nhưng trong bối cảnh phía thượng nguồn đang có những tranh chấp an ninh phi truyền thống (an ninh nước) tương đối phức tạp, thiết nghĩ cần có quan điểm dứt khoát, rõ ràng trong bài toán "kép" tổng thể nguồn nước cho nông nghiệp và cải tạo môi trường nước, nhấn mạnh tính khớp nối chuỗi lợi ích các bên liên quan ở cả quy mô trong nước và khu vực.

Biết đâu một ngày đẹp trời, cảnh tượng lãng mạn du thuyền tự trôi theo con nước trên dòng sông “công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh Tô Lịch” theo đề xuất của Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt lại hiện hữu trong đôi mắt trong veo./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực