Tăng lương và nỗi lo tăng giá

Thứ tư, 19/07/2023 11:41
(ĐCSVN) – Từ tháng 7/2023, lương cơ sở được điều chỉnh tăng tương đương tăng 20,8% sau lần hoãn vào năm 2020. Niềm vui chưa kịp đến thì nỗi lo đã cận kề...

Mặc dù, mức lương mới được tính từ ngày 1/7, tuy nhiên, ở lần nhận lương tháng này, các đối tượng hưởng lương từ ngân sách tạm thời chưa được nhận mức lương mới do chưa có đủ văn bản hướng dẫn thực hiện. Thế nhưng, trước đó, từ tháng 5/2023, tiền điện đã tăng khoảng 3% kéo theo giá cả nhiều mặt hàng khác cũng tăng theo. Hơn thế nữa, năm học này, các trường đại học cũng đã thông báo tăng học phí từ 10-20%. Nỗi lo càng đè nặng lên người dân Thủ đô - trung tâm hành chính chính trị của cả nước với số lượng công chức, viên chức (CCVC) rất lớn – cũng là nơi sinh hoạt đắt đỏ nhất, nhì cả nước - đã nhận được giấy báo tăng tiền nước từ 1/7 với mức tăng khoảng 15-30%, tăng tiền học phí các cấp học gấp trên dưới hai lần so với mức học phí cũ...

Thông tin lương tăng cùng lúc với giá điện, giá nước tăng đã tạo điều kiện để đẩy rất nhiều mặt hàng tăng giá như thịt lợn, rau xanh, thực phẩm… khiến nhiều người hưởng lương từ ngân sách không khỏi thở dài. Ai cũng hiểu “nước nổi bèo nổi”, nhưng không khỏi lo lắng nếu “bèo” nổi sớm và nổi cao hơn cả “nước”, sinh hoạt phí có khả năng tăng cao hơn cả mức lương tăng. Mức lương mới khiến tưởng chừng giúp người lao động có thêm nguồn kinh phí trang trải cuộc sống, nhưng nếu tính kỹ càng, thì họ vẫn tiếp tục phải bóp lưng buộc bụng, bởi mức lương tăng cũng chỉ ngang, thậm chí còn không theo kịp mức tăng của hàng hóa.

CCVC mong chờ chính sách cải cách tiền lương. Ảnh minh họa: TL.

Phải khẳng định, 20,8% là mức tăng lương không nhỏ, thậm chí là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, là một sự cố gắng rất lớn của Chính phủ để góp phần nâng cao đời sống CCVC trong bối cảnh ngân sách rất khó khăn khi trải qua những thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, việc tăng lương lần này cho CCVC đã bị chậm so với các đối tượng khác trong xã hội (lương tối thiểu vùng được điều chỉnh đều hàng năm, gần đây nhất là năm 2022; lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng vừa được điều chỉnh năm 2022) do năm 2020 ta đã hoãn tăng lương theo lộ trình để dành ngân sách cho công tác chống dịch và những hoạt động cấp bách hơn, do đó đời sống cán bộ công chức vốn đã khó khăn càng thêm khó khăn. Bên cạnh đó, so với mức tăng của các loại dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, thì mức tăng lương như trên chưa đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu của cuộc sống, sinh hoạt của CCVC, chưa đạt được mục tiêu mà Chính phủ, Quốc hội đưa ra khi tăng lương, là CCVC có thể sống được từ thu nhập chính thức, chăm lo cho gia đình bằng tiền lương thu nhập chính thức từ cơ quan tổ chức. Về thực chất, đồng lương lại một lần nữa phải chạy theo thị trường, bởi nếu không tăng lương thì đời sống CCVC càng thêm chật vật khó khăn.

Để nâng cao mức sống cho CCVC, Chính phủ, Quốc hội đã có nhiều chính sách, trong đó có 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003, nhiều đợt tăng lương cơ sở, và có lộ trình tăng lương cho những năm tiếp theo. Nhưng những năm gần đây, mức sống xã hội tăng cao, tiền lương tăng nhưng không theo kịp đà tăng chi cuộc sống; mức lương của công chức, viên chức vẫn thấp hơn mức sống trung bình, đặc biệt là những cán bộ trẻ, mới vào ngành.

Nhận định về vấn đề này, đại biểu Quốc hội đoàn TP HCM Trương Trọng Nghĩa cho rằng, chính sách tiền lương cho CBCCVC hiện nay chưa tương xứng, mức thu nhập còn quá thấp. Còn Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương thì cho biết, có hiện tượng người có năng lực di chuyển từ khu vực công sang khu vực tư, nguyên nhân là do tiền lương ở khu vực công quá thấp so với khu vực tư, thậm chí bỏ luôn nghề để làm những nghề khác có thu nhập cao hơn (trên thực tế là có hàng chục nghìn CCVC, đặc biệt CBCCVC làm việc trong lĩnh vực y tế, giáo dục đã làm đơn xin nghỉ việc). Theo Đại biểu, mức tăng 20,8% là tương đối lớn nhưng cũng chỉ mang tính chất động viên tinh thần là chính, bởi khi tính theo thang bảng lương hiện hành cộng với 20,8% tăng thêm thì số tiền được tăng thêm với mỗi CCVC trong một tháng vẫn rất thấp so với nhu cầu đời sống hiện tại.

Còn nếu so với một số nước lân cận, thì mức lương không khỏi khiến CCVC của ta chạnh lòng. Theo cách tính lương mới, ở ta một sinh viên mới ra trường có mức thu nhập là hơn 4,2 triệu đồng, mức lương trung bình của một công chức là 10 triệu đồng, “Trong khi một công chức của Thái Lan có thu nhập là hơn 56 triệu đồng, Malaysia là 29 triệu đồng, Campuchia là 17 triệu đồng” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho biết.

Hiện nay, đa số cán bộ công chức vẫn đang sống nhờ lương và có nguyện vọng tập trung vào công vụ, sống được bằng tiền lương. Do đó, dù mức tăng lương chưa đáp ứng được đòi hỏi cuộc sống nhưng đây là việc vô cùng có ý nghĩa, củng cố thêm lòng tin của CCVC, bù đắp công sức cho để họ có thêm nguồn kinh phí trang trải cuộc sống, thêm gắn bó tận tâm tận lực với công việc. Đồng thời, cũng thể hiện sự quan tâm, đầu tư cho nguồn lực con người của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, để việc tăng lương thực sự là niềm vui trọn vẹn, là "món quà tinh thần" kích thích CCVC tận tâm tận lực lao động và cống hiến, thì cần có nhiều giải pháp thiết thực hơn nữa; trong đó, cùng với việc tăng lương theo lộ trình, thì cần có những chính sách hỗ trợ người lao động hiệu quả, tương xứng với giá trị sức lao động, chất xám họ bỏ ra, tăng cường hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh cải cách tiền lương, đảm bảo thu nhập cho cán bộ, CCVC, người lao động. Ngày 21/5/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 27/NQ-CP về cải cách chính sách tiền lương đối với CBCCVC, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, trong đó đề ra lộ trình cải cách rất cụ thể. Nghị quyết 27-NQ/TW đề ra mục tiêu rất rõ ràng, đó là tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chủ yếu, chính sách tiền lương phải bảo đảm hội nhập quốc tế.

Nghị quyết đề ra nhiều giải pháp, trong đó yêu cầu quyết liệt thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách, coi đây là nhiệm vụ đột phá để tạo nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương. Hằng năm, dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách Trung ương cho cải cách chính sách tiền lương. Định kỳ thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước, để đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp; đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đến nay chúng ta đã 3 năm lỡ hẹn thực hiện cải cách tiền lương do cần tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển, cho chương trình phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, việc thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết không nên để chậm trễ bởi đầu tư lớn nhất là đầu tư cho con người, chỉ có đầu tư tương xứng thì mới mang lại hiệu quả thiết thực. Một chính sách tiền lương đúng đắn có tác dụng thúc đẩy kinh tế, thúc đẩy xã hội phát triển. CCVC là những người quyết định đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu quả sử dụng các nguồn lực của địa phương. Dự kiến tháng 10 tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phương án cải cách tổng thể tiền lương theo Nghị quyết 27 Trung ương và xây dựng phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Đây có thể coi là động lực để CCVC tiếp tục gắn bó, tận tâm tận lực với công việc, là cú hích thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước./.

Thương Huyền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực