Tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ trong khu dân cư

Thứ tư, 31/03/2021 15:17
(ĐCSVN) – Nhiều vụ cháy thương tâm xảy ra gần đây tại các khu dân cư đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho cơ quan chức năng cũng như bản thân mỗi gia đình trong công tác phòng cháy, chữa cháy hiện nay.
 Căn hộ xảy ra vụ cháy làm 6 người thiệt mạng tại TP Thủ Đức ngày 30/3 

Rạng sáng ngày 30/3, tại phường Cát Lái, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh đã xảy ra vụ cháy nghiêm trọng gây hậu quả nặng nề khiến 6 người thiệt mạng và 1 người bị thương. Hiện tại, nguyên nhân về vụ cháy này đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Tại hiện trường, ghi nhận nơi xảy ra vụ cháy là một căn nhà cấp 4, rộng 60m2. Khi phát hiện hỏa hoạn, lực lượng chức năng và người dân đã nhanh chóng có mặt, dập lửa cứu người. Tuy nhiên, căn nhà lại xây bịt kín chỉ có 1 lối thoát hiểm duy nhất, lại bị chặn bởi 5 chiếc xe máy phía ngoài nên lực lượng chức năng buộc phải đục nhiều lỗ trên tường mới tiếp cận và khống chế được đám cháy. Đây là một trong số rất nhiều vụ cháy thương tâm xảy ra trong khu dân cư mà người bị nạn không thể thoát ra ngoài.

Thực tế chúng ta thấy, tại các khu dân cư, nhà ở thường được thiết kế xây dựng theo dạng hình ống liền kề, san sát nhau, không đảm bảo khoảng cách an toàn phòng cháy, chữa cháy, không có lối thoát nạn dự phòng, không có giải pháp ngăn cháy lan. Việc không có lối thoát hiểm khi có hỏa hoạn xảy ra đã khiến cho nhiều vụ cháy dù không lớn nhưng lại gây thiệt hại lớn về người. Hơn nữa, các vụ cháy ở khu dân cư thường xảy ra vào thời điểm ban đêm, lúc này các nạn nhân ngủ say nên khi phát hiện cháy thì ngọn lửa đã bùng lên dữ dội.

Đặc biệt nguy hiểm hơn đối với nhà dân khi vừa kết hợp ở với sản xuất, kinh doanh, đồ đạc, hàng hóa nhiều, chất chồng phía trước, nếu xảy ra cháy, không những chặn đường thoát hiểm mà nguy cơ ngọn lửa sẽ còn lan nhanh hơn đồng thời gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng tiếp cận kịp thời để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Mặc dù, công tác tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy hàng năm vẫn được các địa phương triển khai mạnh mẽ, tuy nhiên ý thức chấp hành về quy định an toàn phòng cháy chữa cháy của chủ gia đình, chủ cơ sở kinh doanh còn hạn chế. Hơn nữa, công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy đối với các nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh còn lơ là, chủ quan, thiếu chặt chẽ nên cũng có nguy cơ cháy nổ cao.

Một vụ cháy cơ sở sản xuất trong khu dân cư ở quận 4, TP Hồ Chí Minh.
Nguồn: nhandan.com.vn 

Thiết nghĩ, để chủ động phòng chống cháy nổ tại các khu dân cư, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân về công tác phòng chống cháy nổ; chủ động, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực và trang thiết bị để đối phó kịp thời khi có sự cố xảy ra; tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra các điểm có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn được giao quản lý. Đồng thời, xây dựng các kế hoạch, phương án ứng cứu phù hợp với từng khu vực dân cư. Các địa phương cũng cần củng cố lại các tổ, đội phòng cháy chữa cháy tại chỗ với phương châm lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ và chỉ huy tại chỗ. Bên cạnh đó phải thường xuyên tập huấn về kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy…

Để bảo đảm không xảy ra các vụ cháy, quan trọng vẫn là cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy và các kỹ năng xử lý tình huống khi xảy ra sự cố cháy nổ của người dân. Nếu mỗi người dân còn xem nhẹ công tác này, chưa dành sự quan tâm đúng mức với nó thì “bà hỏa” vẫn là thảm họa tiềm ẩn khó lường.

Ngày 24/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều về biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (thay thế Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ). Theo đó, đã bổ sung một số loại hình cơ sở vào danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy (nhà tập thể, nhà trọ, trường tiểu học, trung học cơ sở), nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình; hầm đường bộ, hầm đường sắt có chiều dài từ 500m trở lên…).

Cụ thể như, hộ gia đình phải bảo đảm các điều kiện phòng cháy, chữa cháy quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Phòng cháy và chữa cháy. Hộ gia đình sinh sống kết hợp sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm điều kiện có nội quy về phòng cháy chữa cháy, có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan, phương tiện phòng cháy chữa cháy bảo đảm số lượng và chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy; về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ Công an; có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh; đồng thời có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có lực lượng dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ. Điều kiện này phải được hộ gia đình thực hiện, duy trì trong suốt quá trình hoạt động. Hộ gia đình sinh sống kết hợp sản xuất, kinh doanh đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy tương ứng với loại hình cơ sở theo quy định. 

Vương Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực