TP Hồ Chí Minh sẵn sàng đón học sinh trở lại trường

Thứ sáu, 11/02/2022 10:33
(ĐCSVN) - Từ ngày 14/2, tất cả học sinh bậc mầm non và tiểu học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sẽ chính thức trở lại trường học để học trực tiếp. Ngành giáo dục Thành phố đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị, xây dựng các phương án linh hoạt nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.
Trong tuần này, các trường cũng đã tiến hành chia nhỏ học sinh trong từng lớp học để các em đến trường sinh hoạt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, làm quen giáo viên, trường lớp. Đặc biệt buổi sinh hoạt này có sự đồng hành của các phụ huynh, để việc phối hợp giữa nhà trường và gia đình được chặt chẽ và hiệu quả.

Để công tác dạy, học trực tiếp được đảm bảo an toàn, hiệu quả, những ngày qua, các trường trên địa bàn Thành phố đã tổ chức lau dọn, khử khuẩn trong các lớp học cũng như khuôn viên của trường. Các trường đã xây dựng kế hoạch chi tiết để đón các em trở lại trường, trong đó, bố trí khung giờ lệch nhau giữa các khối lớp (giờ vào học, ra chơi và ra về) nhằm giãn mật độ học sinh. Đồng thời, hình thức học giai đoạn này đối với một số lớp sẽ được tiến hành song song giữa học trực tiếp và học trực tuyến. Đối với học sinh bán trú, các trường cũng đã bố trí nơi ăn trưa phù hợp, đảm bảo khoảng cách an toàn.

Cùng với đó, toàn bộ giáo viên đã được tập huấn, hướng dẫn về các phương án phòng chống dịch bệnh, đồng thời tổ chức họp phụ huynh để thống nhất các hình thức phối hợp giáo dục và chăm sóc sức khỏe học sinh. Trong tuần này, các trường cũng đã tiến hành chia nhỏ học sinh trong từng lớp học để các em đến trường sinh hoạt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, làm quen giáo viên, trường lớp.

Theo ghi nhận, các em học sinh tỏ ra rất vui, hào hứng khi biết sắp được trở lại trường học cùng với  thầy cô và các bạn sau một khoảng thời gian dài phải học trực tuyến. Về phía phụ huynh, đa số đều đã đồng tình với phương án học trực tiếp tại trường.

Chị Phương ngụ tại Gò Vấp có con học tại trường tiểu học Võ Thị Sáu cho biết, thời gian qua, việc học trực tuyến khiến cả cô, trò và phụ huynh đều vất vả. “Vẫn biết dịch bệnh thì học trực tuyến là phương án tối ưu nhất, nhưng một thời gian dài các con phải tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị công nghệ nên rất căng thẳng, ảnh hưởng tới tinh thần cũng như thị lực. Chưa kể, ba mẹ đi làm, có khi kết nối internet bị lỗi, các bé không vào học được, loay hoay không biết xử lý sao. Có những lần, do công việc quá bận rộn mà con nhờ nộp bài cho cô nhưng mình quên mất thành ra trễ giờ… Hiện, ở TP Hồ Chí Minh, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát rất tốt, Thành phố đã là “vùng xanh”, số ca mắc mới mỗi ngày có vài chục ca, nên việc cho học sinh trở lại trường học trực tiếp theo tôi là rất phù hợp và cũng là “gỡ khó” cho phụ huynh.  Tôi hoàn toàn tin tưởng vào các phương án phòng, chống dịch của ngành giáo dục. Như vậy, chúng tôi cũng an tâm đi làm hơn là khi để con ở nhà một mình”.

Giáo viên hướng dẫn học sinh vào lớp đảm bảo khoảng cách an toàn 

Rất nhiều người có chung suy nghĩ như chị Phương, tuy nhiên, phụ huynh cũng còn một chút lo lắng khi lứa tuổi này chưa được tiêm vắc -xin phòng ngừa COVID-19. Thêm vào đó các em còn nhỏ, hiếu động nên chưa ý thức trong việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.

Về vấn đề này, mới đây, Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát ý kiến phụ huynh và có trên 50% phụ huynh đồng tình tiêm vắc -xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện trên thế giới đã có 37 quốc gia triển khai tiêm cho trẻ em trong độ tuổi này. Riêng Việt Nam, Chính phủ đã đồng ý cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với việc mua 21,9 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua, triển khai tiêm vắc -xin phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.

Đối với các biện pháp phòng, chống dịch, theo các chuyên gia trong lĩnh vực y tế, giáo dục, thì 5K là “kim chỉ nam” để bảo đảm an toàn. Ngoài việc các em học sinh tuân thủ theo hướng dẫn, yêu cầu của giáo viên thì điều quan trọng là người lớn trong gia đình cần tuân thủ 5K để trẻ có thể bắt chước, tạo thói quen cho trẻ.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cũng vừa đưa ra các lưu ý phòng dịch đối với học sinh tiểu học và THCS khi trở lại trường học. Trong đó, quan trọng nhất là đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay, che miệng khi ho và hắt hơi, không dùng chung bình (ly, cốc) uống nước, không khạc nhổ bừa bãi và thông báo cho giáo viên, gia đình khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở. Còn với trẻ mầm non, phụ huynh cần lưu ý, không đưa trẻ đến trường khi gia đình đang trong giai đoạn cách ly; tập cho trẻ thói quen đeo khẩu trang khi ra ngoài; hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên (trước khi đến trường, sau khi về nhà, khi cần thiết); đo nhiệt độ trước khi đến trường, nếu trẻ có biểu hiện sốt, ho, khó thở cần cho trẻ nghỉ học và thông báo cho nhà trường, cơ quan y tế.

Để thực hiện tốt các lưu ý trên, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, cho rằng, phụ huynh nên chuẩn bị cho con em ít nhất 2 khẩu trang mỗi ngày để thay, chuẩn bị bình nước uống, chai sát trùng khử khuẩn riêng. Ngoài 5K, phụ huynh nên lưu ý bổ sung “K thứ 6”, đó là sức khỏe, sức đề kháng. Phụ huynh cần có chế độ dinh dưỡng cho con em hợp lý, bổ sung vitamin nhóm C, B, D, các chất khoáng như kẽm, selenium có trong thực phẩm vào thực đơn hàng ngày.

Theo kế hoạch, từ ngày 14/2, tất cả học sinh bậc mầm non và tiểu học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sẽ chính thức trở lại trường học để học trực tiếp. Học sinh sẽ đi học trực tiếp trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc. Ngành giáo dục Thành phố cũng yêu cầu các trường tổ chức dạy học trực tiếp phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại từng địa bàn. Hiện tại, các trường đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị cũng như sẵn sàng các phương án linh hoạt nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.

Chúng ta cùng tin tưởng và hi vọng tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục được kiểm soát tốt trên địa bàn để việc học tập của học sinh không bị gián đoạn. Điều này cũng rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình, để tạo môi trường thật sự an toàn cho các em khi tham gia học trực tiếp./.

Bài, ảnh: V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực