Vô cảm hay vô trách nhiệm?!

Thứ ba, 18/05/2021 16:45
(ĐCSVN) – Nếu ai cũng sống ích kỷ, chỉ lo cho mình, thiếu trách nhiệm với công việc và xã hội theo kiểu "sống chết mặc bay" thì virut “vô cảm” sẽ không ngừng tấn công, gây ra hậu quả nặng nề cho chính bản thân và xã hội.

Ngày 16/5, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip một người đàn ông mặc quân phục công an đứng ngoài gọi điện thoại, trong khi tài xế taxi bị thương phải vật lộn với tên cướp tại địa bàn xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Chứng kiến việc này, người dân trong clip không khỏi bức xúc nói: "Ông này mặc quần áo công an mà chả thấy can ngăn gì, chỉ thấy đứng gọi điện".

Sau khi Công an TP. Hà Nội vào cuộc xác minh thì chân dung người đàn ông này đã được làm rõ là đại úy Nguyễn Văn Lâm (36 tuổi; cán bộ Công an xã Cự Khê, huyện Thanh Oai).

Ngay trong ngày 17/5, Công an Huyện Thanh Oai đã có quyết định kỷ luật cảnh cáo và điều chuyển đại úy Lâm về Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an Huyện Thanh Oai.

 Ảnh cắt từ clip.

Trước đó, vào tháng 4/2019, Trung tá Nguyễn Chí Kiều, công tác ở Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Bình cũng đã bị giáng cấp xuống đại úy do thiếu trách nhiệm trong tình thế cấp bách liên quan đến vụ việc CSGT này đứng nhìn nam thanh niên đâm chết bạn gái.

Ở đây khoan hãy bàn về việc hình thức kỷ luật với đại úy Nguyễn Văn Lâm có tương xứng với tính chất của hành vi và mức độ hậu quả gây ra hay không?. Trước tiên, qua đoạn clip, có thể thấy, với trách nhiệm công vụ, khi khoác trên mình chiếc áo ngành công an, trong tình huống khẩn cấp, lẽ ra đại uý Lâm phải là người ngay lập tức tham gia hỗ trợ nạn nhân khống chế tội phạm thay vì gọi điện cho đồng nghiệp đến hiện trường tiếp ứng (theo tường trình).

Sự việc vô tình được ghi lại, đăng tải lên mạng xã hội đã khiến nhiều người dân bức xúc và lên án trước thái độ thờ ơ, vô cảm, thậm chí là thiếu trách nhiệm của đại úy Lâm. Rất may trong tình huống này người lái xe tắc xi đã được đưa đi cấp cứu kịp thời và giữ được tính mạng.

Chúng ta hẳn vẫn chưa quên hình ảnh Thượng úy Nguyễn Tuấn Minh (sinh năm 1990), cán bộ Công an xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân (Hà Nam) ngày 10/11/2020  đã dũng cảm hy sinh tính mạng khi làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, để giữ gìn hạnh phúc cho nhân dân. Thượng úy Nguyễn Tuấn Minh cũng là 1 trong 12 cán bộ, chiến sỹ của Công an huyện tình nguyện viết đơn tăng cường cho lực lượng Công an xã.

Và còn rất nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ công an thời gian qua đã dũng cảm mưu trí đấu tranh với tội phạm, không ngại hiểm nguy để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân trong thiên tai, hỏa hoạn; "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" trong phòng chống COVID-19; ngày đêm âm thầm, lặng lẽ hy sinh cuộc sống riêng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ chiến sỹ Công an trong xã hội.

Bác Hồ đã dạy: “Công an của ta là CAND, vì dân mà phục vụ và dựa vào Nhân dân mà làm việc“…Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tụy…”.

Thế nhưng, khi mà cả lực lượng công an đang dồn sức, căng mình bảo đảm công tác an toàn trật tự cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tích cực hỗ trợ các tỉnh phòng chống dịch COVID-19; không ngại hiểm nguy để bảo vệ tính mạng, an toàn trật tự cho nhân dân.., thì hình ảnh đại uý Lâm mặc dù chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh” cũng khiến người dân vô cùng bức xúc, khó chấp nhận. Đây thực sự là một hành động rất phản cảm, vô tình làm xấu đi hình ảnh người chiến sĩ công an trong lòng nhân dân.

Dư luận cũng không khỏi băn khoăn và đặt câu hỏi liệu hình thức kỷ luật đối với đại úy Lâm trong trường hợp này có tương xứng hay không?.

Hằng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta thấy không ít vụ việc phơi bày sự vô cảm của người dân và cả những công bộc của nhân dân. Đó có thể là sự vô cảm để mặc người tai nạn giữa đường không cứu giúp, hay cũng có thể là sự vô cảm, thiếu trách nhiệm của nhân viên y tế dẫn đến cái chết oan uổng cho bệnh nhân; đến sự thờ ơ, không quan tâm giải quyết kịp thời công việc, gây khó dễ, vòi vĩnh người dân, doanh nghiệp; thậm chí là thái độ coi thường người dân, người yếu thế… của một số cán bộ, công chức.

Thực tế cho thấy, không khó nhận diện căn bệnh vô cảm, thiếu trách nhiệm trong xã hội ngày nay nhưng để chữa được căn bệnh này thì không hề đơn giản.Trước hết, rất cần sự chung tay của toàn xã hội để tiếp tục vun đắp, xây dựng và không ngừng nhân lên những giá trị văn hóa, yếu tố tích cực, đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đi kèm với đó là những chế tài, quy định xử lý nghiêm căn bệnh vô cảm, thiếu trách nhiệm, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ, công chức. Ở đây, trách nhiệm công vụ phải đi cùng với đạo đức công vụ và đạo đức xã hội.

Nếu ai cũng sống ích kỷ, chỉ lo cho mình, thiếu trách nhiệm với công việc và xã hội theo kiểu "sống chết mặc bay" thì virut “vô cảm” sẽ không ngừng tấn công, gây ra hậu quả nặng nề cho chính bản thân và xã hội. Vì vậy, mỗi người dân, cán bộ, công chức cần trang bị cho mình sức đề kháng, liều thuốc đủ mạnh để miễn dịch với căn bệnh vô cảm.

Đại úy Nguyễn Văn Lâm trong tình huống này hẳn đã quên lời hứa: “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.!

Vy Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực