Đề xuất thí điểm quản lý thuốc lá làm nóng trong 5 năm

Thứ tư, 19/07/2023 17:28
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Đại diện Cục Công nghiệp, Bộ Công thương vừa đề xuất thí điểm quản lý thuốc lá làm nóng trong 5 năm thay vì 2 năm như trước. Đây là đề xuất tiệm cận với quan điểm thận trọng của Bộ Y tế.

Hiện nay, thuốc lá thế hệ mới chưa có chính sách quản lý, chưa được phép lưu hành nhưng đã được bày bán trên thị trường và tiếp cận dễ dàng. Những sản phẩm này đa phần là hàng xách tay, nhập lậu, không được quản lý về chất lượng, nguồn gốc. Việc mua bán và quảng cáo các sản phẩm này đều là vi phạm quy định của pháp luật. Hệ quả là Nhà nước không thu được thuế, người dân sử dụng thuốc lá thế hệ mới lại không tiếp cận được những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không được kiểm soát về chất lượng dẫn tới ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nghiên cứu thí điểm quản lý thuốc lá làm nóng

Tại hội thảo “Kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức mới đây, đại diện cơ quan thẩm định pháp lý, ông Lê Đại Hải – Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, thuốc lá mới (đặc biệt loại có chứa nguyên liệu thuốc lá) phù hợp với định nghĩa của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, cần đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật hiện hành.

Ông Hải dẫn chứng, Điều 2 khoản 1 Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) định nghĩa thuốc lá có các “dạng khác” – với thực trạng hiện nay đó là thuốc lá điện tử (TLĐT) và thuốc lá làm nóng (TLLN) và những sản phẩm thuốc lá mới khác trong tương lai.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay, các loại thuốc lá thế hệ mới dù thí điểm hay chính thức đều là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc đặt các sản phẩm TLLN, TLĐT vào khuôn khổ quy định phù hợp cũng giúp đảm bảo người dùng được tiếp cận với những sản phẩm chính danh, được kiểm soát chất lượng, tránh hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng, cũng như thành phần bên trong sản phẩm.

 Ông Trần Thành Trung (phải), đại diện Cục Công nghiệp, Bộ Công thương - Cơ quan chủ quản về chính sách quản lý thuốc lá mới. Ảnh: TL.

Lý giải về lý do đề xuất thí điểm kinh doanh TLLN trong 5 năm của Bộ Công thương, ông Trần Thành Trung - Đại diện Phòng Công nghiệp thực phẩm, Cục Công nghiệp cho hay, từ năm 2022-2023, Bộ Công thương và Bộ Y tế đã thực hiện 2 cuộc họp chính thức để bàn luận, hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá mà Bộ Công thương đề xuất. Sự đồng thuận này phù hợp với Hiến pháp, Luật Đầu tư và các yêu cầu khác để đảm bảo tuân thủ chiến lược quốc gia vể giảm tác hại của thuốc lá, an toàn cho người dùng, cân bằng lợi ích các bên liên quan và các thực hành, hướng dẫn quốc tế.

Ông Trung cũng nhấn mạnh: "Trong giai đoạn thí điểm 5 năm tới, chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá tác động của TLLN trước khi đề xuất với Chính phủ kế hoạch tiếp theo”.

Tạo hàng rào pháp lý để bảo vệ giới trẻ và cộng đồng

Tại hội thảo, theo khẳng định của đại diện Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học-Công nghệ và Bộ Tài chính, TLLN đã nằm trong định nghĩa của Luật PCTHTL hiện hành. Do đó, việc thí điểm sản phẩm này nhằm bảo vệ sức khỏe người dùng khi được phép tiếp cận những sản phẩm đã qua kiểm định, kèm theo trách nhiệm của cơ quan chức năng nếu có sự cố và giúp tránh thất thu thuế Nhà nước. Quan trọng hơn, Nhà nước sẽ có biện pháp chế tài chặt chẽ đối với các nguồn hàng nhập lậu, không nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng. Lợi nhuận từ các doanh nghiệp thuốc lá khi được kinh doanh hợp pháp cũng sẽ được nộp vào ngân sách quốc gia.

Phó trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng nhận định phản ứng chính sách của ta còn chậm. Trong 5 năm tỉ lệ hút thuốc ở giới trẻ tăng 18 lần, là một vấn đề đáng báo động, trong khi chúng ta đang “bỏ trống trận địa” về quản lý, thuế với TLLN…

 Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Viettimes.

Ông Nhưỡng cho rằng, cần phải có ngay một chính sách kiểm tra, giám sát thuốc lá mới kể cả khi chưa có luật quản lý hay chưa đưa vào thí điểm. Theo đó, nên đưa TLLN vào quản lý chứ không nên cấm hẳn; chỉ cấm sử dụng ở nơi công cộng, có mái che, trường học vv…

Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng đưa ra 4 chính sách quản lý bao gồm: chính sách bảo vệ sức khỏe cộng đồng; chính sách bảo vệ giới trẻ, ngăn ngừa thanh thiếu niên tiếp cận các sản phẩm thuốc lá; chính sách quản lý sản phẩm hàng hóa, xuất nhập khẩu, quản lý thị trường; và chính sách đối ngoại với các cam kết về nhân quyền và môi trường kinh tế phù hợp với các quy định, thông lệ quốc tế.

Đứng ở góc độ người dùng, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQVN nêu ý kiến, cần có thái độ rõ ràng đối với thuốc lá mới trên cơ sở bảo vệ lợi ích của các bên. Rõ ràng, việc cấm các sản phẩm thuốc lá là khiên cưỡng khi chúng ta đã có Luật phòng chống tác hại thuốc lá từ năm 2012. Những sản phẩm đã được xác định là thuốc lá như TLLN lại càng thiếu cơ sở pháp lý để cấm vì trong nước chúng ta có Luật để quản lý sản phẩm.

Về mặt quốc tế, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị quản lý TLLN dưới luật hiện hành và chịu sự điều chỉnh của Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá FCTC. Thế nhưng, cho dù hợp pháp hóa sản phẩm này thì chúng ta cũng cần xác định rõ, mục tiêu của việc hợp pháp này là tạo hàng rào pháp lý để bảo vệ giới trẻ và cộng đồng. Vì có luật thì mới xử lý kịp thời và nghiêm minh các hành vi phạm tội, từ manh nha cho đến có quy mô và phạm vi rộng.

Tại hội thảo, đại diện một số bộ, ngành liên quan nhấn mạnh việc cân nhắc, xem xét đưa các sản phẩm TLLN, TLĐT chịu chế tài của pháp luật, không đặt lợi ích kinh tế, nguồn thu của Nhà nước làm trọng tâm. Việc sớm hiện thực hóa điều này sẽ giúp đảm bảo mọi sản phẩm thuốc lá đều chịu sự giám sát của luật pháp, tạo sự an tâm cho xã hội, tăng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trước thềm Hội nghị các bên về kiểm soát thuốc lá toàn cầu lần thứ 10 (COP10) sắp tới./.

 

Phương Nga

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực